Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Về Bình Định thăm Tây Sơn Tam kiệt

Cách trung tâm thành phố Qui Nhơn khoảng 45km về phía tây bắc, tại Làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung là nơi lưu giữ các hiện vật về những chiến tích của vua Quang Trung và cũng là nơi trình diễn Nhạc võ Tây Sơn - một môn võ truyền thống của tỉnh Bình Định.

 

Theo các sử gia, bốn chữ Tây Sơn Tam Kiệt để chỉ chung 3 anh em ruột lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bao gồm: Nguyễn Nhạc (anh cả), Nguyễn Lữ (anh thứ), Nguyễn Huệ (em út). 

Nguyễn Huệ, tức Quang Trung Đại Đế, một danh tướng tài giỏi cả về quân sự lẫn ngoại giao đầy sách lược, được các sử gia mô tả về dáng vẻ: “Mắt sáng như chớp, tiếng nói như chuông, khôn ngoan trí xảo hơn người, giỏi chiến trận, không ai là không phải khiếp sợ”.

Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, nếu Nguyễn Nhạc là người chịu trách nhiệm tổng quát, Nguyễn Lữ là người gần như chỉ chủ yếu chuyên lo hậu cần, thì Nguyễn Huệ, ngay từ đầu đã là người trực tiếp cầm quân.
Ngoài tài cầm quân bách chiến bách thắng của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ đã được ca tụng là một thiên tài quân sự, vua Quang Trung còn là một nhà ngoại giao khôn khéo, một lãnh tụ có tầm nhìn xa trong việc cải cách và phát triển đất nước. Ngoài thiên tài quân sự, Quang Trung Hoàng Ðế còn được mô tả như là một nhà văn hóa lớn, người có tư tưởng cao với một tinh thần dân tộc tiến bộ. Một nhà lãnh đạo rất am tường về tâm lý quần chúng, biết trong dụng nhân tài cho đất nước, biết động viên để đoàn kết dân tộc thành một khối hầu tiến hành những công cuộc cải cách sâu rộng và giữ vững cõi bờ.”

Tượng đài vua Quang Trung-Nguyễn Huệ tại bảo tàng Quang Trung-Bình Định.     Ảnh: Đông Hải.


Phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung (1771 - 1789). Nguyễn Huệ là một anh hùng dân tộc có công dẹp loạn trong nước và đánh đuổi quân xâm lược. Năm 1788, ông thống lĩnh đại quân từ Phú Xuân (Huế) hành quân 35 ngày đêm ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long (nay là Hà Nội). Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế hiệu là Quang Trung.

Đến với bảo tàng Quang Trung, chúng ta sẽ được nghe thuyết minh, giới thiệu về những chiến tích lẫy lừng và chiêm ngưỡng những hiện vật quan trọng in đậm chiến công hiển hách của các vị anh hùng áo vải như trống trận, cồng chiêng, ấn tín hay 18 loại binh khí thô sơ giúp nghĩa quân Tây Sơn đi từ chiến thắng 5 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút đến trận đánh 29 vạn quân Thanh. Trên các bức tường còn khắc ghi tên, tuổi, quê quán của các quan văn, quan võ dưới triều đại Tây Sơn. Ngoài ra, ta còn được ngắm sắc phục đã được lưu giữ hàng trăm năm qua của các vị quan này.

Một góc điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt tại Bảo tàng Quang Trung. ảnh: Đông Hải


Sau khi vượt qua cầu Cảnh, du khách sẽ đến điện thờ Tây Sơn Tam kiệt và các văn thần võ tướng nhà Tây Sơn được xây dựng trên chính ngôi nhà thuở sinh thời của ba anh hùng áo vải. Nơi đây ba anh em nhà Tây Sơn cất tiếng khóc chào đời, lớn lên và trở thành những lãnh tụ kiệt xuất của phong trào Tây Sơn. Đây cũng chính là nơi thờ thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn là ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng. Điện Tây Sơn tuy nhỏ nhưng trang nghiêm. Trước sân rộng có cổng tam quan, tiếp đó là nhà bia ghi công lao của Quang Trung - Nguyễn Huệ viết bằng chữ quốc ngữ. Chính điện gồm ba gian, gian giữa thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ, có bức tranh ông cưỡi ngựa đặt trong khung kính, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian bên phải thờ Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi là ban thờ các văn thần võ tướng nhà Tây Sơn như: Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ…

Giếng nước cổ tại khu di tích Tây Sơn Tam Kiệt. ảnh: Đông Hải.


 

 Hiện nay trong khu vườn cũ của gia đình anh em Tây Sơn vẫn còn lại hai di tích cực kỳ quý giá là cây me cổ thụ và giếng nước xưa, tương truyền có từ thời Hồ Phi Phúc. Cây me cổ thụ nằm bên trái điện Tây Sơn cành lá xum xuê che mát cả một góc vườn, có chu vi gốc cây tới 3,5m. Bên phải điện Tây Sơn là giếng nước, đường kính 0,9m, trước đây xây bằng đá ong và không sâu như bây giờ. Sau này dân làng vét sâu thêm và xây thành giếng cao hơn mặt đất 0,8m để làm giếng chung cho cả làng. Tới đây, du khách có thể ngồi nghỉ dưới gốc cây me, múc nước giếng mát uống để tăng thêm nhuệ khí hào hùng như những người anh hùng thuở trước.

 

Cây Me cổ trong vườn nhà Tây Sơn Tam Kiệt. ảnh: Đông Hải


Cây Me và bằng công nhận cây di sản Việt Nam. 


Về thăm Bảo tàng Quang Trung, du khách sẽ như được ngược dòng lịch sử để sống với tinh thần thượng võ, anh hùng, nghĩa hiệp, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ gìn quê hương, đất nước qua lịch sử oai hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công hiển hách, lừng lẫy của Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Hàng năm cứ vào ngày 5/1 âm lịch, nhân dân quanh vùng lại tụ hội về bảo tàng để làm lễ tưởng niệm người anh hùng dân tộc Quang Trung (hay còn gọi là ngày lễ Đống Đa).