Những giá trị riêng có ở chùa Đậu
Tương truyền, vị trí chùa Đậu trước đây có dáng hình tựa một bông hoa sen đang tỏa sáng. Người xưa cho rằng, hoa sen là nơi đất Phật, vì thế, họ đã lập chùa tại đây và đặt tên là Thành Đạo Tự, đồng thời rước Đại Thánh Pháp Vũ Bồ Tát (trong hệ thống tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) về thờ nên gọi là Pháp Vũ Tự. Sử sách ghi lại, các bậc vua chúa khi đến đây lễ bái, cầu an đều rất linh ứng nên ngày xưa, chùa Đậu được phong tặng là "Đệ nhất đại danh lam".
Chùa Đậu với lối kiến trúc, chạm khắc tinh xảo. Ảnh T.V
Ngoài những giá trị kiến trúc, chùa Đậu còn bảo lưu được nhiều di vật quý như: 2 con chồn đá ở thềm Tam Quan có niên hiệu thời Trần, đôi rồng đá ở thềm bậc Tiền Đường, đến nay đã có hơn 500 năm tuổi; các phù điêu chạm hình tiên nữ đầu người, mình chim, những chàng trai cưỡi rồng đánh hổ, các loại gạch đất nung có hoa văn thời Mạc, thời Lê, hai bộ sách đồng…
Lễ dâng hương ở chùa Đậu. Ảnh T.V
Đặc biệt, chùa còn lưu giữ hai pho tượng ướp xác, còn gọi là xá lợi, hay tượng táng hai vị tổ thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường quý hiếm, làm nên một chùa Đậu bí ẩn và độc đáo. Theo thông tin được PGS.TS Nguyễn Lân Cường, người phát hiện ra toàn thân xá lợi của hai vị thiền sư trong một lần đến kiểm tra và tu bổ chùa Đậu đưa ra, nhục thân xá lợi của hai vị thiền sư này có niên đại gần 400 năm và đây là một hình thức thiền táng.
Nhục thân xá lợi thiền sư Vũ Khắc Minh được bảo quản trong tủ kính. Ảnh KT
Theo tư liệu để lại, thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường là hai thầy trò, đồng thời cũng là hai chú cháu. Ngay từ nhỏ, hai vị thiền sư đã vào chùa Đậu để tu hành, tụng kinh siêu độ cho nhân dân. Năm 1693, biết số đã tận, thiền sư Vũ Khắc Minh đã mang theo một chum nước, một chum dầu thắp sáng và ngồi vào trong am để tụng kinh.
Thiền sư dặn các đệ tử: “Sau 3 tháng 10 ngày, nếu không nghe thấy tiếng gõ mõ tụng kinh nữa mới được mở cửa am ra. Nếu thi thể của ta còn nguyên vẹn thì lấy sơn ta bả lên người, còn nếu đã bị hôi thối thì dùng đất lấp am”. Hết 3 tháng 10 ngày, nghe lời thầy, các phật tử mở cửa am và thấy thiền sư vẫn ngồi theo thế nhập thiền, có mùi thơm, sau đó họ đã mặc cho ngài một lớp áo bằng sơn ta. Khoảng 10 năm sau, khi biết số mệnh mình đã hết, thiền sư Vũ Khắc Trường cũng vào am gõ mõ, tụng kinh rồi hóa một cách lạ lùng như vậy. Nhục thân xá lợi của hai vị thiền sư để lại được coi như quốc bảo thiêng liêng và nhận được sự cung kính như đức Phật sống.
Nhục thân xá lợi thiền sư Vũ Khắc Trường sau khi được tu bổ và được bảo quản trong tủ kính. Ảnh KT
Vào năm 1983, do bị trận lụt lớn nên một trong hai pho tượng bị hư hỏng nặng. Để tu bổ hai pho tượng chứa xá lợi toàn thân này, năm 2003, dự án tu bổ và bảo quản hai pho tượng cổ đã được thực hiện do PGS.TS Nguyễn Lân Cường làm chủ nhiệm. Hiện tại, nhục thân hai vị thiền sư đã được tu bổ thành công và yên vị trong ngôi nhà tổ, được bảo quản kỹ càng trong tủ kính với môi trường khí ni - tơ đậm đặc. Với sự bảo quản kỹ lưỡng, nhục thân hai vị thiền sư sẽ được lưu giữ lại hàng trăm năm và là một trong những di sản văn hóa quý giá của loài người trong hành trình tìm đến sự bất tử.
Để chùa Đậu thực sự là chốn tôn nghiêm
Chúng tôi đến chùa Đậu vào đúng ngày Lễ hội chùa Đậu (mồng 8 – 10 Âm lịch, tháng Giêng). Anh Quang – người lái xe ôm cho chúng tôi biết, bất kỳ ai ở làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi cũng đều biết rất rõ và có thể kể lại một cách rành rọt về câu chuyện hai vị thiền sư chùa Đậu đến cõi Niết Bàn trong tư thế ngồi thiền và bất tử trong điều kiện bình thường. Quả thực, đây đúng là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của chùa Đậu cho các thế hệ mai sau…
Tuy nhiên, tại chùa Đậu trong ngày lễ hội, chúng tôi cũng bắt gặp những cảnh tượng chưa được ưng mắt cho lắm. Lượng người và xe đổ về đây đông nghẹt, và “Đây cũng là dịp làm ăn của người dân địa phương”, anh Quang cho hay. Mỗi một chuyến xe thường chở 2 - 3 người với giá 10.000đ/ người, nếu không mặc cả trước, du khách có thể phải trả đến 20 - 30.000đ/ người.
Không chỉ cánh xe ôm “ăn nên làm ra” mà những người bán hàng cũng nhân cơ hội này “gặt hái”. Ngoài cổng chùa bị “bao vây” bởi hàng ăn, hàng lưu niệm, hoa quả…; người khuyết tật, trẻ em tật nguyền cũng được huy động ra… bán hàng, tạo nên cảnh tượng vô cùng xô bồ, ồn ào.
Chị Thêu, một du khách ở Linh Đàm (Hà Nội) ngán ngẩm: “Tôi từng đến chùa Đậu cách đây vài năm và thực sự ấn tượng với vẻ uy nghi, trầm mặc của ngôi chùa cổ này. Nhưng năm nay đi vào chính hội thấy ồn ào, xô bồ quá. Trong chùa, rất đông người lễ bái nhưng phía ngoài là đủ mọi âm thanh, hỗn tạp mùi đồ ăn, mùi khói (các hàng bún phở, trứng vịt lộn, cá chỉ vàng, cá mực, thịt xiên, bánh tráng… nướng). Giá như Ban tổ chức có khu chợ riêng biệt, chứ cạnh chùa mà người ăn nhồm nhoàm, người lễ Phật thì thật… khó còn là chốn thiêng. Lần sau, có lẽ tôi sẽ đi vãn cảnh chùa vào ngày thường”.
Không chỉ riêng chị Thêu mà nhiều phật tử, du khách hành hương đều cảm thấy không thể vui vẻ, thanh thản thưởng ngoạn…
Một điều đáng ghi nhận là chùa Đậu không cho du khách mặc váy hay mang hương nến, vàng mã vào chùa. Thông điệp này được truyền thông bằng giấy dán từ ngoài cổng đến nhiều khu vực khác trong chùa. Ngoài ra, loa đài cũng phát đi thông điệp này thường xuyên để phòng tránh cháy, nổ và đảm bảo sự trang nghiêm.
Trí Đức/GĐTE