Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Văn hóa - Giải trí

Vẻ đẹp nàng Kiều trong tranh các họa sĩ

(Dân sinh) - Từ khi ra đời đến nay, Truyện Kiều được đánh giá là một kiệt tác thơ ca sống lâu bền trong tâm thức người dân. Ở đó, không chỉ đẫm chất thơ dân gian mà còn đầy chất nhạc, chất họa. Cũng từ Truyện Kiều, dân ta đã sáng tạo ra các trò: Bói Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, vẽ tranh Kiều, minh họa tranh cho Truyện Kiều... Nhiều họa sĩ Việt Nam từ lớp họa sĩ học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đến nay đã vẽ về Truyện Kiều theo nhiều phong cách, kể cả tranh minh họa. Nhưng thế hệ họa sĩ như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Tiến Chung... là thành công hơn cả.

Niềm cảm hứng vô tận

Truyện Kiều không chỉ có giá trị nghệ thuật, văn hóa lâu bền mà còn được nhiều ngành nghệ thuật khác quan tâm. Nguồn cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du gợi cho những văn nghệ sĩ khác là vô tận. Với giới họa sĩ, họ vẽ mãi cũng không hết đề tài này. Ở mỗi thời đại, mỗi thế hệ họa sĩ lại có cách tưởng tượng, sáng tạo riêng. Nhưng vẽ tranh Truyện Kiều là một sự thử thách hiểu biết về vốn văn hóa, dân gian của các họa sĩ. Ai đã từng đọc đều mê Kiều và với con mắt nhà nghề của các họa sĩ, rất nhiều câu thơ trong Truyện Kiều đều có thể phóng tác thành tranh. Lớp họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng đã vẽ dựa theo gợi ý của những câu thơ lục bát thiết tha, dung dị, thân phận mà đầy chất nhân văn của đại thi hào Nguyễn Du. Những nhân vật như: Thúy Kiều, Thúy Vân, Từ Hải, Mã Giám Sinh... không chỉ là những số phận đóng đinh vào nhiều thế hệ người dân Việt Nam mà còn chảy trong lòng các họa sĩ và là những nhân vật được đặc tả nhiều nhất.

Bức “Chị em Thúy Kiều” của họa sĩ Đặng Tiến.

Bức “Chị em Thúy Kiều” của họa sĩ Đặng Tiến.

  Các họa sĩ đương đại vẽ Truyện Kiều với cái nhìn khác so với những họa sĩ lớp trước như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân... Đơn cử, họa sĩ Phạm Cung đã vẽ khá nhiều tranh về Truyện Kiều với phong cách hiện đại như: Một mình trước ngọn đèn khuya, Sẵn đây ta thắp một vài nén hương, Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, Cũng may dây cát được nhờ bóng cây, Chàng Vương quen mặt ra chào, Bốn dây như khóc như than, Kiều và Từ Hải... Người xem nhận ra những nhân vật trong tranh không vận trang phục Việt mà là trang phục Trung Hoa. Có người thắc mắc, họa sĩ Phạm Cung bảo, đó là trang phục thời nhà Minh bên Tàu. Khi trả lời phỏng vấn, Phạm Cung cũng nói: “Mở đầu Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du viết: “Rằng: Năm Gia - Tĩnh triều Minh. Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng...”. Ai cũng biết Truyện Kiều do cụ Nguyễn Du dựa vào Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) mà sáng tạo ra. Những người khác minh họa Kiều mặc áo tứ thân, áo dài... thật là lộn xộn. Theo tôi, minh họa là làm sáng tỏ chứ không phải để biến tướng”.

Hay họa sĩ Lê Trí Dũng đã vẽ hàng trăm bức tranh theo kiểu dân gian. Có những bức, anh thể hiện cách điệu khá hài hước, đi vào đặc tả tính cách nhân vật. Nàng Kiều vẫn là nhân vật anh vẽ nhiều nhất và thành công nhất. Còn họa sĩ Phạm Lực đã vẽ nhiều bức về Thúy Kiều và chiếc đàn Tỳ bà mà Kiều nâng niu ở nhiều cung bậc tình cảm, tâm trạng và tư thế khác nhau. Anh cho biết thích nhất nhân vật nàng Kiều, cũng nhiều lần vẽ về nghĩa tình của Thúy Kiều với Kim Trọng, Từ Hải, Mã Giám Sinh. Kiều là người nết na, có tài cầm kỳ thi họa, nổi hơn cả là tiếng đàn, thậm chí tiếng đàn của Kiều còn đẹp hơn nhan sắc của cô.

Ngọc Mai là nữ họa sĩ mê Truyện Kiều đến nỗi bỏ nhiều công phu để vẽ nàng Kiều cùng một số nhân vật trong danh tác này ròng rã 12 năm, với hàng chục bức đầy chất thơ. "Tôi không minh họa Truyện Kiều, chỉ "trích" ra những tình tiết mình yêu thích và thể hiện nó lên tranh", họa sĩ Ngọc Mai chia sẻ. Nhưng thi phẩm lớn dày dặn tình tiết và nặng trĩu tư tưởng này có quá nhiều "đất" để khai thác, đã làm nữ họa mất đến hơn 1 thập niên sáng tạo. Tranh của chị đẹp ở chất lụa, hình cách tân, bố cục kết hợp thư pháp. Đời người không có hạnh phúc nào bằng ước mơ dai dẳng triền miên mà thực hiện được. Nó chạm đến mảng trí tuệ mênh mông của biển nghệ thuật hội họa, đòi hỏi người họa sĩ phải có quyết tâm cao.

Giàu chất xuân

Với thể loại tranh minh họa Truyện Kiều, hình ảnh được miêu tả chân thực, chi tiết hơn. Về tranh minh họa tả chân, người họa sĩ khéo léo thể hiện được trung thành tính cách nhân vật như Nguyễn Du đã miêu tả là thành công. Nhiều họa sĩ vẽ tranh minh họa nghiêng về bề nổi, cốt gây ấn tượng cho bức vẽ, tác động vào thị giác của người xem. Người vẽ loại tranh này cũng phải hiểu được những biến cố trong cuộc đời mỗi nhân vật để thể hiện.

Tranh “Kiều” của họa sĩ Ngọc Mai.

Tranh “Kiều” của họa sĩ Ngọc Mai.

Năm 2004, họa sĩ Lê Anh Tuấn đã cho ra đời cuốn sách “Tranh minh họa Truyện Kiều” tập hợp những tranh minh họa được sưu tầm qua nhiều ấn phẩm từng xuất bản bằng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ từ năm 1875 đến nay và những bản dịch Truyện Kiều được dịch và in ở: Pháp, Trung Quốc, Ba Lan, Nga, Tiệp Khắc, Nhật Bản, Đức, Anh... Trong cuốn sách, các họa sĩ vẽ nhân vật trong Truyện Kiều đều là những người tài danh: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung.... Các nhân vật Thúy Kiều, Thúy Vân, Từ Hải với y phục đã được Việt hóa, được thể hiện qua nhiều chất liệu như: Sơn mài, thuốc nước, khắc gỗ, bột màu, lụa... Sự đa dạng về chất liệu đã làm nên sự đa dạng trong thế giới tranh minh họa.

Tranh minh họa nàng Kiều của Phạm Đức Hạnh

Tranh minh họa nàng Kiều của Phạm Đức Hạnh

Khi vẽ tranh minh họa, những câu thơ gợi đầy xúc cảm và hình sẽ được các họa sĩ vẽ minh họa chọn để làm điểm nhấn. Ví dụ như: “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”, họa sĩ sẽ vẽ bức tranh XUÂN bát ngát trải rộng đến tận chân trời, có thảm cỏ non tơ xanh rợn. Một gam màu nền của bức tranh ngày xuân tươi đẹp. Trên nền thảm cỏ xanh ấy điểm thêm vài bông lê trắng. Màu sắc của bức tranh thật hài hòa. Tất cả cho thấy ngày xuân ở đây thật mới mẻ, thanh tân, dạt dào sức sống trong không khí trong lành, thanh thoát. Với câu “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”, người họa sĩ có thể vẽ bức tranh mùa thu vào buổi hoàng hôn lãng mạn và yên tĩnh, với nước thu trong veo, long lanh đến nỗi cả bầu trời có thể soi mình. Còn với những câu: “Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”, “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”, người họa sĩ cũng mặc sức tưởng tượng và sáng tác theo ý riêng tạo nên những bức tranh tuyệt đẹp.

Nguyễn Du diễn tả đôi mắt đẹp của Thúy Kiều long lanh như nước hồ thu, mờ ảo như nét núi mùa xuân, khiến hoa ghen tức vì không tươi thắm bằng và liễu giận hờn vì không được xanh tốt qua những câu thơ đầy ước lệ như: “Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Đọc thơ, ai cũng biết Kiều đẹp nhưng chưa ai nhìn thấy một nàng Kiều thật ngoài đời. Vậy để vẽ được nàng Kiều như trong thơ không đơn giản. Ngay cả chuyện nàng Kiều thường dùng đàn gì cũng gây ra các cuộc tranh cãi.

Kiều có đến 15 năm lưu lạc. Nàng có nhiều lần đàn, lại đàn ở nhiều nơi, một người có tài đàn hát như Kiều thì có thể sử dụng được nhiều loại đàn dây. Vì vậy, các họa sĩ minh họa nhiều loại đàn, dáng đàn khác nhau trong Truyện Kiều cũng không có gì khó hiểu. Mỗi họa sĩ một sự tưởng tượng và những “phiên bản” Kiều ôm đàn trên tranh cứ thế ra đời.

Vẽ về các nhân vật và minh họa Truyện Kiều không đơn thuần chỉ là cái thú, niềm đam mê của các thế hệ họa sĩ. Đó còn thể hiện sự kính trọng, tình yêu đối với đại thi hào Nguyễn Du. Và vẽ về Truyện Kiều đem lại những cảm giác trữ tình cho họa sĩ bởi đề tài và cảm hứng trong truyện vô cùng đa dạng, phong phú. Thêm nữa, đó còn là cuộc đua cảm xúc trong mỗi mùa xuân. Ai vẽ Truyện Kiều đều nghĩ đến chất XUÂN trong tác phẩm. Chưa cần nói ai là người vẽ đẹp và hay nhất vì ít nhất mỗi người vẽ đều đã góp vào vườn XUÂN một... giọt XUÂN.