Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Về Đô Lương – Đất anh hùng

Những ngày giữa tháng Tư đỏ nắng, chúng tôi về thăm vùng đất lịch sử Đô Lương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình (cách TP. Thái Bình 12km) – nơi được coi là căn cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến. Tháng tư, đúng mùa lúa trổ đòng, trong niềm vui hứa hẹn một vụ mùa bội thu, khắp các ngõ xóm, người dân Đô Lương càng thêm náo nức trước niềm vui khi xã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào ngày 1/5/2015- Ngày Quốc tế Lao động, đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015).

Đất anh hùng, địa linh nhân kiệt 

Xe xuất phát từ Hà Nội lúc 6h 30 sáng, chưa đầy hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đã có mặt tại Đô Lương. Con đường dẫn về Đô Lương nằm giữa cánh đồng xanh bát ngát, thẳng cánh cò bay, những rặng cây mát rượi, xanh rì rào khiến nhiều người trong đoàn trầm trồ: “Đây là con đường làng đẹp nhất tôi từng đi!”. Đón chúng tôi tại trụ sở xã, ông Đinh Như Thuấn, Bí thư Đảng ủy xã Đô Lương chia sẻ: “Người Đô Lương xưa và nay vẫn thế, một lòng một dạ theo Đảng và Nhà nước, trong những năm tháng kháng chiến “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tất cả đồng lòng đánh giặc, thời bình cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Những người con Đô Lương dù có đi năm châu, bốn biển vẫn một lòng hướng về quê hương, góp công, góp sức xây dựng Đô Lương ngày càng giàu đẹp…”

Đên thờ Tiến Trật-Di tích lịch sử Quốc gia thờ Thái úy Đặng Thiện Thành có công lớn chống giặc ngoại xâm        (ảnh Tiến Luyến)

 Xã Đô Lương được hình thành từ hai làng Phú La và Tiến Trật với tổng diện tích 402,37 ha, 4591 khẩu, đây là vùng đất được sông ngòi bao bọc, trong những năm tháng chiến tranh, giao thông chia cắt nên nơi đây đã trở thành một căn cứ địa vững chắc, góp phần lớn lao vào công cuộc đấu tranh, thống nhất đất nước. Mặt khác, nơi đây đất được bồi tụ phù xa của lưu vực sông Hồng gồm sông Luộc và sông Trà Lý, nhờ đó mà đất đai màu mỡ, khí hậu hài hòa, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Làng Phú La theo các bút tích ở các miếu thờ có 4 cụ là cụ Bạ Điền, cụ Bạ Khang, cụ Bạ Giám, cụ Tư Đô, các cụ từ Đô Kỳ xuống lập ấp (Đô Kỳ thuộc huyện Hưng Hà ngày nay) đại diện cho 4 dòng họ là họ Vũ, họ Nguyễn, họ Đinh, họ Trần. Qua nhiều thế hệ sinh sống lập nghiệp lâu dần thành làng xã, trong thời gian đó chưa có tên gọi nên mới có tên là làng Phú La. Làng Tiến Trật cũng do cư dân ở các nơi về ngụ cư sinh sống là họ Vương, họ Nguyễn từ xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ xuống, họ Trần, họ Bùi từ Hải Dương sang, họ Đỗ từ Thanh Hóa về. Lúc đầu làng có tên Tiến Lộc, đến thời nhà Nguyễn (1826) đổi tên làng thành làng Tiến Trật.

Giờ giải lao tại trường THCS Đô Lương (ảnh Tiến Luyến)

Theo các cụ cao niên trong xã, Đô Lương là vùng đất anh hùng, địa linh nhân kiệt. Được hình thành từ rất sớm, trải qua nhiều thế kỷ, người dân Đô Lương phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, chống trả sự hoành hành của giặc nên đã hình thành nên truyền thống tốt đẹp, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, dũng cảm kiên cường trong chống giặc ngoại xâm… Là vùng đất có truyền thống yêu nước và hiếu học, xưa họ Đỗ ở làng Tiến Trật có 3 đời làm quan trong Triều là cụ Đỗ Toàn, Đỗ Toại, Đỗ Cảnh, cả ba cụ đều được dựng bia trong Văn Miếu Quốc Tử Giám. Thời Tự Đức có một danh nhân làm quan, dân trong làng thường gọi là ông Quan Huấn. Thời thuộc Pháp, nhiều người đỗ sơ học yếu lược, 11 người đỗ tiểu học, 2 người đỗ trung học là cụ Quyền (cụ giáo Lộc) và cụ Vũ Duy Lộc, 2 người đỗ tú tài là cụ Nguyễn Văn Chung (gọi là cụ Tú Chung) ở thôn Phú La, cụ Hoàng Văn Vị (gọi là cụ Tú Vị) ở thôn Tiến Trật. Nhiều người trở thành nhà giáo như cụ giáo Long, cụ giáo Đạm, cụ giáo Bất đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của xã.

Điều đáng nói, đất Đô Lương ở thế hệ nào cũng có những người con tiêu biểu trên mọi lĩnh vực hoạt động chính trị, quân sự quốc phòng, an ninh, văn hóa, khoa học, xã hội và doanh nhân. Trong đó có Anh hùng Lực lượng vũ trang Đinh Trọng Lịch. Hiện nay, ở lĩnh vực chính trị tiêu biểu có đồng chí Nguyễn Khắc Chử, hiện là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Lai Châu; công tác quốc phòng và an ninh có nhiều sĩ quan cao cấp, tiêu biểu có Thiếu tướng quân đội nhân dân Vũ Quốc Hùng. Trong lĩnh vực khoa học giáo dục có 8 người là tiến sĩ, 19 thạc sĩ, tiểu biểu có Tiến sĩ Y khoa, Đại tá Vũ Khắc Khoan, PGS.TS Vũ Văn Hà, Phó Tổng biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nữ tiến sĩ Vũ Thị Đào. Trong lĩnh vực y tế, tiêu biểu có Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Bình- Thạc sĩ Đỗ Thanh Giang, thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Văn Kháng, Trưởng khoa Ngoại bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Trên lĩnh vực văn hóa- xã hội, tiêu biểu là nhà văn Nguyễn Thành Phong, Tổng biên tập báo Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH). Trong lĩnh vực doanh nghiệp thương mại có nhiều người thành đạt, tiêu biểu có doanh nhân Vũ Duy Hải- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VINACAM, doanh nhân Nguyễn Quốc Huy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn GELEXIMCO... “Họ đều là những người con xa quê, thành đạt, nhưng dù sống và làm việc ở đâu, họ vẫn đồng lòng hướng về quê nhà bằng những việc làm thiết thực, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, góp phần dựng xây quê hương Đô Lương ngày một giàu đẹp”- ông Đinh Như Thuấn nhấn mạnh. 

Đường liên thôn (ảnh Tiến Luyến)

Phát huy truyền thống yêu nước trong thời chiến và thời bình 

Ông Đinh Như Thuấn cho biết, dân và quân Đô Lương có truyền thống kiên cường, anh dũng. Thời kỳ trước cách mạng tháng 8 và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ và nhân dân Đô Lương từ già tới trẻ, nam phụ lão ấu, tận dụng lợi thế là xã có con sông bao bọc đã kiên cường bất khuất, nhất tề đứng lên rào làng kháng chiến, nuôi giấu cán bộ, xây dựng thành căn cứ địa mở đầu cho cuộc chiến tranh du kích của tỉnh Thái Bình với những chiến tích anh hùng.

Sau cách mạng tháng 8, nhân dân Đô Lương đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Nạn đói năm 1945 đã làm 1.365 người chết đói nhưng người dân Đô Lương không nao núng, tiếp tục thành lập các đoàn thể cứu quốc để thực hiện giết giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Hưởng ứng lời kêu gọi  “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân Đô Lương quyết bám đất giữ làng, sẵn sàng sức người, sức của cho kháng chiến, kiên cường dũng cảm đánh lui hơn chục trận càn quét của địch, đồng thời hợp đồng tác chiến của các xã lân cận chống càn, bảo vệ quê hương, làng xóm. Phát huy tinh thần đó trong kháng chiến chống Mỹ, thanh niên Đô Lương nô nức lên đường nhập ngũ, chiến đấu, chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Bên cạnh đó, lực lượng dân quân du kích địa phương cũng vững tay cày, tay súng, giặc đến thì đánh, giặc đi thì tiếp tục sản xuất, đóng góp cho trận tuyến lớn “thóc thừa cân, quân vượt mức”. “Biết bao người con Đô Lương đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, có 116 người con là liệt sĩ, nhiều thương, bệnh binh các hạng, 8 bà mẹ được phong tặng, truy tặng Mẹ VNAH… Đó là sự hi sinh, tổn thất không gì so sánh được, nhưng cũng là niềm tự hào khi những người con của đất Đô Lương đã không tiếc máu xương, hi sinh cho Tổ quốc. Tên tuổi của họ đã được đất nước ghi danh.”- ông Thuấn nhấn mạnh.

Trong trường học tại trường mầm non Đô Lương                  (ảnh Tiến Luyến)

Cũng theo ông Thuấn, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Đô Lương luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đoàn kết phát huy nỗ lực, trí tuệ, năng động sáng tạo, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế không ngừng phát triển, đảm bảo đời sống tinh thần vật chất cho nhân dân. Ông Thuấn cho hay: “Trong những năm qua, Đô Lương là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện chính sách đối với gia đình thương binh liệt sĩ, người có công, chính sách xã hội và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Đảm bảo an sinh công bằng xã hội, tích cực đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội. Thời gian tới, Đô Lương tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, dự án dạy nghề, truyền nghề, phấn đấu mỗi năm có thêm 45 lao động chuyên nghề, 50% số lao động trực tiếp làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó là thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo vay vốn, bồi dưỡng kiến thức sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế để thoát nghèo, phấn đấu đến năm 2020 giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 2.5%”. 

Phát triển kinh tế, xây dựng địa phương đạt chuẩn nông thôn mới 

Về Đô Lương, điều ấn tượng với chúng tôi nhất là những cánh nón trắng thấp thoáng trên cánh đồng xanh mướt, khi nông nghiệp đang từng bước công nghiệp hóa, máy móc thay sức người thì ở Đô Lương, những người phụ nữ tảo tần vẫn không quản nắng mưa chăm sóc cho từng gốc lúa, tạo nên những vụ mùa bội thu. Là xã độc canh cây lúa, từ lâu nguồn sống chính là sản xuất nông nghiệp, người dân có bề dày kinh nghiệm thâm canh cây lúa nên năng suất ngày càng cao. Theo ông Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Đô Lương, từ năm 1960 đến nay, nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh, bền vững. Đô Lương đã đảm bảo an ninh lương thực và đóng góp cùng cả nước chi viện cho chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bên cạnh nghề trồng lúa nước, nhân dân Đô Lương còn trồng dâu, nuôi tằm, trồng bông, khéo tay kéo sợi, ươm tơ, dệt vải, nghề đan lát phát triển khắp trong xã… nhưng nay ít nhiều đã bị mai một.

Trong những năm gần đây, Đô Lương nhận thấy rõ những thuận lợi và khó khăn trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, phát huy mọi khả năng sẵn có, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó động viên mọi thành phần kinh tế phát triển, giữ vững ngành nghề đã có và phát triển nghề mới, khuyến khích dịch vụ phát triển để lưu thông hàng hóa nông nghiệp. Trong cơ chế thị trường, ngân sách còn hạn hẹp, nhưng xã phát huy nội lực, khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên để phát triển kinh tế. Ông Chính cho biết: ‘Trong 5 năm gần đây, kinh tế có mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân (theo giá cố định năm 1994) là 6,6%, theo giá hiện hành là 11,7%. Trong đó, nông lâm thủy sản tăng 2,6%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản tăng 12,3%, thương mại dịch vụ tăng 6,2%. Cơ cấu kinh tế năm 2015 dự kiến thực hiện 166,8 tỉ đồng, nông nghiệp thủy sản 49,8%, công nghiệp xây dựng 32,6%, thương mại dịch vụ 17,6%... Đây cũng là nỗ lực lớn của xã Đô Lương trong tình hình kinh tế hiện nay”.

Về xây dựng nông thôn mới, ông Chính cho biết, Đô Lương đã chỉ đạo, quyết liệt triển khai kịp thời các Nghị quyết, Quyết định, hướng dẫn về thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 -2015 đối với cán bộ, đảng viên, tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân. Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương đã ra các Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện. Đến nay, Đô Lương đã đạt 10/19 tiêu chí, đặc biệt được UBND tỉnh Thái Bình hỗ trợ xi măng nên xã Đô Lương đã huy động được sự đóng góp của nhân dân, của con em thành đạt, các công ty xí nghiệp đã xây dựng được: Đường trục thôn 1.045m, đường nhánh 9.152m, trạm bơm thôn 2, công trình phụ trợ trường mầm non, điện chiếu sáng trục đường xã với tổng số vốn huy động xây dựng nông thôn mới tại Đô Lương là 7.972.788.000 đồng. “Trong xây dựng nông thôn mới, Đô Lương đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, các công trình xây dựng đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt cho các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, tạo khí thế phấn khởi và tạo niềm tin trong nhân dân”- ông Chính nhấn mạnh.

Cũng theo ông Chính, trong thời gian tới, Đô Lương đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Trong đó phát triển nông nghiệp toàn diện, vững chắc, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống lúa, mỗi thôn có một cánh đồng mẫu, đưa các giống có năng xuất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, cơ cấu mùa vụ theo hướng xuân muộn mùa sớm, chấp hành nghiêm lịch thời vụ, tạo quỹ đất cho sản xuất vụ đông, phấn đấu hàng năm trồng từ 35 đến 40% diện tích cây vụ đông ưa ấm trên đất 2 lúa. Bên cạnh đó mở rộng hoạt động dịch vụ nông nghiệp, đến năm 2020 ước đạt 2,9 tỉ đồng, tăng trưởng 2,2%. Tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp đạt 74,4 tỉ đồng, tăng trưởng 2,2%. Tiếp tục cải tạo ao, mặt nước và 8,1 ha đất lúa sang sản xuất cá lúa kết hợp, đầu tư nuôi thâm canh, phấn đấu giá trị thủy sản đến năm 2020 đạt 3,2 tỉ đồng. Ông Chính cho biết: “Trong những năm tới, Đô Lương tiếp tục giữ vững và hoàn thiện 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đạt được, bên cạnh đó tập trung phấn đấu đạt các tiêu chí theo đề án đã xây dựng, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, giao thông, thủy lợi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tích cực chuyển giao kỹ thuật khoa học công nghệ, phát huy hiệu quả hoạt động của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp…”

Về tiềm năng phát triển kinh tế trong thời gian tới của Đô Lương, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đô Lương cho biết, khi đường cao tốc Thái Hà hoàn thành (nối từ tỉnh Hà Nam đến huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, đi qua Đô Lương 2km) sẽ mở ra nhiều tiềm năng phát triển kinh tế cho xã, mở ra cơ hội chuyển hướng ngành nghề, khi nhiều công ty, doanh nghiệp đến đặt trụ sở sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một trong những cơ hội để người dân có việc làm ổn định, phát triển kinh tế bền vững.

Chúng tôi chia tay Đô Lương khi trời đã đổ về chiều.từng tốp, từng tốp học sinh tan trường, nói cười ríu rít trên đường làng xanh bát ngát đã  tạo nên một hình ảnh thật nên thơ giữa vùng đất anh hùng… Tất cả đã gieo vào lòng chúng tôi – những người trẻ - một niềm tin mãnh liệt về sự phát triển của vùng đất Đô Lương.

 

Những thành tích đặc biệt xuất sắc của nhân dân Đô Lương trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm

  • Đối với tập thể: 

-         1 Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì

-         1 Huân chương chống Mỹ hạng Nhất

-         1 Huân chương Lao động hạng Ba

-         1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều danh hiệu khác. Được công nhận là lá cờ đầu về nạn xóa mù chữ.

  • Đối với cá nhân

-         34 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất

-         56 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (trong đó chống Pháp: 01; chống Mỹ: 55)

-         111 Huân chương K

háng chiến hạng Ba (trong đó chống Pháp: 18; chống Mỹ 93)

-         20 Huy chương chiến thắng, 82 Huy chương kháng chiến chống Pháp, 88 Huy chương chống Mỹ các hạng.

-         Có 116 liệt sĩ (chống Pháp 21, chống Mỹ 95)

-         39 thương binh (chống Pháp 10, chống Mỹ 29)

-         45 bệnh binh các hạng (chống Pháp 2, chống Mỹ 43)

-         Có 8 Mẹ VNAH (chống Pháp 3, chống Mỹ 5)

-         Có 3 thanh niên xung phong được được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang

-         Có 1 Anh hùng lực lượng vũ trang (Anh hùng Đinh Trọng Lịch)

-         1 chiến sĩ tù Côn Đảo, 30 người hưởng chế đệ chất độc da cam Dioxin

-         Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng vũ trang và dân quân du kích xã Đô Lương đã tiêu diệt được 125 tên địch, làm bị thương 50 tên, trong đó tiêu diệt 1 tên đồn trưởng, 2 tên quan Ba Pháp, 2 tên quan Hai Pháp, 40 lính Âu Phi, thu hồi 18 súng các loại, trog đó có 15 súng trường, 3 súng ngắn, 25 quả lựu đạn, hơn 300 viên đạn và nhiều dao găm, giáo mác các loại.

-         Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ 1954 -1975, quân và dân Đô Lương dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước. Đã có 922 thanh niên lên đường nhập ngũ, trên 100 thanh niên xung phong, 17 dân công hỏa tuyến, đóng góp cho nhà nước 2.572 tấn thóc, 235 tấn thực phẩm các loại và hàng ngàn ngày công lao động, lực lượng vũ trang xã nhà đã thành lập đại đội dân quân gồm 650 đồng chí, 1 trung đội cơ động 38 đồng chí, 1 trung đội dự bị động viên 32 đồng chí, tổ chức đào hào trên các đường giao thông nơi công cộng và tại gia đình, đảm bảo an toàn khi máy bay địch bắn phá.

Từ trái qua phải Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Chính, Phó bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy Trần Như Thuấn trao đổi với PV              (ảnh Phạm Tuấn)

Ông Đinh Như Thuấn, Bí thư Đảng ủy xã Đô Lương: Vinh dự lớn lao, trách nhiệm nặng nề: 

“Đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân xã Đô Lượng. Có được sự vinh dự này trước hết là sự lãnh đạo đúng đắn của các cấp ủy Đảng trong nhiều thời kỳ, là sự hi sinh xương máu, mồ hôi, nước mắt của các bậc cha ông ta trước đây. Tôi cho rằng vinh dự rất lớn lao, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề.  Điều tôi trăn trở là làm sao để phát huy danh hiệu anh hùng, tiếp tục xây dựng quê hương, nếu cứ thấy tự hào, không thấy trách nhiệm, không phát huy được thành tích, đặc biệt là thế hệ trẻ… thì rõ ràng chưa xứng đáng với sự cống hiến, hi sinh của thế hệ cha ông. Vì vậy, chúng ta phải biết phát huy, ra sức học tập, rèn luyện và cống hiến để xứng đáng với các bậc tiền bối, đưa vùng đất Đô Lương không ngừng vươn lên để góp phần tô đẹp thêm truyền thống quê hương…”