Ở đây với tư cách huấn luyện viên lẫn giám đốc kỹ thuật, ông đã có 3 chiếc cúp danh giá nhất của bóng đá Việt Nam. Xin ai đó đừng vội bĩu môi, cười ruồi cho đó là cái cúp làng, cúp bản của nơi “khỉ ho, cò gáy”, nơi “xứ mù, thằng chột làm vua”.
Chiếc cúp ấy cũng oai phong lắm, nhiều người, rất nhiều người cả đời làm bóng đá chầy chật, tơi tả khát khao vào một ngày đẹp trời nào đó được cầm trên tay chiếc cúp đồng thôi, (chứ không dám mơ được nâng cúp vàng), vậy mà đồng với họ vẫn mãi là giấc mơ!
Có thời người ta xì xào, các đội bóng Việt trốn chức vô địch. Với cái lý, vô địch phải tham gia sân chơi châu lục tốn kém, mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng, trong lúc kinh phí còn phải “giật gấu vá vai”. Dư luận thế đúng hay sai nay cũng đã qua rồi, thuộc về thời quá khứ rồi, càng xới càng buồn thêm.
Nay kinh tế chuyển sang thị trường, bóng đá cũng đã có hơn chục năm mang cái tên chuyên nghiệp. Mặc dù không ít người than vãn, chê bai, chưa chuyên nghiệp đâu, chuyên nghiệp chỉ cái áo khoác thôi, còn nội dung vẫn trăm phần trăm nghiệp dư. Nói thế là cố ý “dìm hàng”, hèn nhát không dám nhìn vào sự thật.
B. Bình Dương đón cúp vô địch quốc gia 2014.
Cho dù bóng đá Việt đang thấp thoáng cùng lũy tre làng, nhưng hơn chục năm qua đã có những bước tiến khá dài. Nhận thức, tư duy, cách làm, đời sống bóng đá đã chuyển động mạnh và hướng tới nền bóng đá hiện đại.
Dẫu trái tim tràn trề nhiệt huyết, cái đầu tinh anh, thông tỏ cổ kim vẫn khó điều khiển được thân hình ốm yếu. Khát vọng và hiện thực mâu thuẫn, giằng xé nhau. Cứ mỗi kỳ Sea Game, hay cúp vô địch Đông Nam Á là triệu triệu người hâm mộ bóng đá nước nhà lại mơ cái cúp vô địch. Nhưng đã hai thập kỷ trôi qua, bóng đá của ta chỉ mới một lần nâng cao cái cúp vàng khu vực. Như vậy là quá ít, quá bèo bọt so với khát vọng, mong chờ.
Đã thuộc và hiểu câu: Yếu thì đừng ra gió. Thế nhưng, những người làm bóng đá Việt từ lãnh đạo, quản lý cho đến huấn luyện viên lẫn cầu thủ mặc cho thân hình còn lẻo khẻo, dặt dẹo, họ chẳng coi gió má là gì.
Điếc không sợ súng nên cách đây gần 20 năm (giữa những năm 90 của thế kỷ trước), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2010, bóng đá Việt số 1 khu vực, tốp 10 châu lục. Cái đích thật hấp dẫn, nhưng khác gì hái sao trên trời. Thử hỏi các quan bóng đá trong khu vực bao giờ ta hết sợ Thái, sợ Mã, hết run trước Phi? Bóng đá ta bây giờ tốp 20, hay 40 châu lục?
Rồi chuyện thuê huấn luyện viên nước ngoài quá tốn kém, không ít huấn luyện viên nội tủi thân. Theo họ, với số tiền ấy họ cũng làm được như mấy ông “tây”, thậm chí còn làm tốt hơn.
Thực tế “cờ” cũng đã trao cho nhiều ông thầy nội, nhưng cờ không bay nổi, buông rũ ỉu sìu. Nhiều người cho các quan sính ngoại nên xem thường thầy nội. Thầy nội có tài, có tâm cũng rất khó cầm quân, chưa cầm quân đã biết thất bại. Bởi một số quan quen chỉ tay năm ngón can thiệp thô bạo vào chuyên môn. Khi bị phản ứng, nóng mặt vung quyền chèn ép, gây khó dễ.
Phán như thế cũng oan cho các quan. Ở một nền bóng đá chậm phát triển đâu dễ có đột biến sinh ra huấn luyện viên tài năng ngang tầm các quốc gia có nền bóng đá phát triển. Một số người ví von ông Hải là Mourinho của Việt Nam chỉ là sự ví von hài hước cho đời sống bóng đá đỡ khô khan mà thôi, chứ tài năng, tính cách xin đừng so đo. Chắc ông Hải cũng chẳng muốn so như thế!
Còn nhớ hơn 2 năm trước, khi câu lạc bộ Arsenal sang du đấu với đội tuyển quốc gia nước ta, tiền đạo Lê Công Vinh trả lời phỏng vấn truyền hình với thái độ trịnh thượng, coi thường các cầu thủ Arsenal. Chắc Vinh chỉ nghe nhiều hơn xem các cầu thủ Arsenal đá bóng, lại bị nhiễm quá nặng mấy câu “bình loạn”, nhận định của một số người được gắn cho cái mác giời ơi, đất hỡi:
Bình luận viên bóng đá. Chuyên môn thì ít, khoe mẽ, sính chữ, hoa hòe, hoa sói thì nhiều, khi họ gọi các học trò của ông Wenger là những đứa trẻ không chịu lớn. Những đứa trẻ ấy đã dạy cho Công Vinh và đồng đội bài học nhớ đời, một trận thua tơi tả, với tỷ số 1-7. Thế mới thấy khoảng cách trình độ cầu thủ ta với cầu thủ “tây” còn “một trời một vực”. Dẫu Công Vinh được coi là tiền đạo hàng đầu của bóng đá Việt cũng chưa đủ tầm chơi ở giải hạng 2 của họ.
Sân cỏ Âu xa quá. Bởi với sân cỏ châu lục đã thấy bóng đá Việt khiêm tốn đến nao lòng. Ra quân 3 trận ở bảng E, AFC Champions League 2015, câu lạc bộ B. Bình Dương thua cả 3, những trận còn lại coi như ra sân làm cho xong thủ tục. Không biết có giành nổi một trận thắng để rời cuộc chơi trong danh dự, hay rời cuộc chơi tay trắng bẽ bàng! Thôi ta về ta tắm ao ta, thi thố với thiên hạ mà lực bất tòng tâm như thế chẳng “nên cơm cháo” gì, xôi hỏng mà bỏng cũng không.
Về thôi. Về sân Gò Đậu thôi ông Hải ơi. Mèo nhỏ ta bắt chuột con. Ở nơi đất lành này, cố kiếm thêm vài cúp nữa, vỗ ngực trêu ngươi cho thiên hạ lác mắt, chói tai.