Bạn sẽ hiểu thế nào là “ăn” nỗi nhớ niềm thương, bởi “Về Huế ăn cơm” không chỉ viết về những đặc sản của ẩm thực bình dân xứ Huế như bún bò, bánh bột lọc, dưa hường, chột môn, con hến, con giông, cá phá, cá biển, cá đồng…, mà còn là vị Huế, hương Huế quyện cùng cái tình của người Huế, tạo thành những món ngon “thấm đậm” rất Huế mà không nơi nào có…
Trong phần Lời tựa của cuốn sách, người bạn của tác giả Phi Tân, Dương Xuân Dũng chia sẻ: Huế không chỉ có bốn mùa xuân hạ thu đông mà Huế có tới hơn tám mùa, Huế còn có những mùa “ai ải”, đông không ra đông, xuân không ra xuân, thu không ra thu, nên hoa trái cũng theo mùa mà thuận với trời đất. Một ngày ở Huế đôi khi cũng có nhiều mùa. Buổi sáng là mùa xuân tao nhã tỏa ánh vàng, đến trưa là đã mùa hè nắng rọi, rồi đến buổi chiều đã có gió heo may man mác của cuối thu, để đêm về choàng thêm áo đầu đông. Đêm choàng thêm áo đi ra đường hưởng gió, để rồi chẳng biết nhớ ai, chợt nhớ điều gì, và lại ghé quán bình dân dưới ánh đèn vàng góc phố, bên người chưa quen mà tha thiết lạ.
Món ăn bình dân mộc mạc là vậy, mà người người cùng lúc tấm tắc bởi vì món bình dân còn thấm đẫm hương và vị của những câu chuyện đời thường. Món ngon bởi vì người ta thương nhớ, và người ta thương nhớ một món ăn chưa chắc do nó quá ngon mà bởi ký ức làm con người ta nhớ quay quắt.
Ăn trong ký ức là vậy, người đi xa nhớ quê nhà, đôi khi nấu một món ăn gì hơi đậm đà một tý là xuýt xoa: Ước chi bây chừ ngồi dưới hiên mưa lành lạnh ở Huế thì hết rượu, hết cơm. Ăn trong hồi tưởng nhớ thương vì mới ngày nào bên mâm cơm bình dân với cá khoai, cá dét sum vầy cùng với ba mạ, với anh chị em, rộn tiếng cười trong ánh trăng treo đầu ngõ mà giờ xa vắng lạ. Ăn trong tình thương vì vừa ăn vừa nhớ, món chột môn hay cá lệch chị vừa nấu thơm nồng, lại thương đứa em đứt ruột vì nó không về mà ăn. Ăn trong ngậm ngùi mà nhớ thuở hàn vi, miếng ăn khó kiếm. Đôi khi ăn mà còn thòm thèm mới ngon, mới tinh túy. Ăn còn để dành cho hôm sau hay để dành cho người thân yêu, ăn lấy thơm lấy thảo. Ăn trong thi vị thì các món bình dân dễ làm dễ kiếm, vị mặn mòi sứa biển dưới góc sân nhà đón gió nồm nam hay một chiều nao ta về nhà bạn ăn cúng đất thoảng mùi nhang khói, ấm nồng tiết trời tháng 2, tháng 8. Về đầm phá Tam Giang, qua bến đò Ca Cút, ghé bữa cơm chiều cuối mùa thương nhớ, vợi xa câu hát bolero mà thấm mưa rơi. Món ăn là mùi, là vị, là âm thanh, là màu sắc, là nỗi nhớ, là tình thân, là bóng hình xứ sở...
“Về Huế ăn cơm” với 70 câu chuyện thú vị đặc tả các món ăn xứ Huế: Canh trìa khế chua đi mô cũng nhớ, Cá dét đồng quê, Ngọt ngào đường bát, Mùa bứa chín, Me đất nấu canh cá cơm, Cây vả trong vườn Huế, Cuối năm ngồi với bạn quê... được đúc kết từ những điều giản dị, cũng như không quên đưa người đọc về với những bữa cơm thấm đẫm hồn quê, tình quê.