Câu hát mượt mà, mời gọi khiến ai cũng muốn được một lần sống trong ân tình xứ Nghệ, nghe câu ví đò đưa trên dòng Lam đầy huyền tích. Sự chân thành, mộc mạc của những người con xứ Nghệ thể hiện qua thổ âm và những phương ngữ đặc biệt, cho phép loại bỏ hầu hết những yếu tố xã giao, khách sáo.
Người xứ Nghệ chịu thương, chịu khó, cần cù, chăm chỉ… Có lẽ bởi vậy, người Nghệ thường uống nước bằng bát, dân dã chứ không cầu kỳ kiểu cách. Nắng, gió, sự khắc nghiệt của thời tiết dường như khiến cho mọi người trở nên vội vã chứ không thư thả để pha từng ấm trà như người Bắc, nhưng cũng không quá phóng khoáng như người Nam. Ấm nước chè xanh vừa dùng tiếp khách tại nhà lại có thể mang theo mỗi khi lao động sản xuất. Xứ Nghệ dường như là nơi đón nhận và trung hoà văn hoá của cả hai miền Nam Bắc. Mà cũng phải, bởi xét về phương diện địa lý, xứ Nghệ đứng giữa hai miền, là điểm giữa của Miền Trung. Nhưng cũng chính từ đặc điểm địa lý đó, đất và người xứ Nghệ luôn chịu nhiều khó khăn và thử thách do ảnh hưởng của nhiều hệ thống thời tiết. Bởi vậy, ai đã từng sống ở xứ Nghệ luôn để lại nhiều niềm thương, nỗi nhớ mỗi khi đi xa.
Về miền Tây xứ Nghệ với những cảm xúc vẹn nguyên như vậy. Nhưng sẽ thật khiếm khuyết nếu không nói đến cái bỏng rát của gió Lào. Cái nắng, cái nóng như thiêu đốt làm cây cỏ chuyển sang màu vàng cháy, bàng bạc đến hoang hoải. Trái lại, mùa đông lại lạnh thấu xương, đêm ngủ không dám cựa mình vì lạnh. Nói vậy để thấy cái khắc nghiệt hơn mức bình thường của miền Tây xứ Nghệ, cũng để thấy chính cái khắc nghiệt đó đã hun đúc nên những phẩm chất đặc biệt của những người lính nơi đây - Người lính Trung đoàn 335 – Đoàn Thảo Nguyên anh hùng.
Đóng quân trên địa bàn miền Tây xứ Nghệ, với 100% cán bộ, chiến sĩ là những người con của các tỉnh trên địa bàn miền Trung, 59,66% là những người con xứ Nghệ. Trung đoàn 335 được mệnh danh là "Trung đoàn thép" trên "vùng đất thép", rèn luyện nên những "Chiến sĩ thép". Chất thép kiên cường, mạnh mẽ đó lại ẩn sau cái tên đầy chất thơ – Đoàn Thảo Nguyên. Lần giở những trang sử của đơn vị, mới thấy dấu chân những người lính Trung đoàn đã đi từ thảo nguyên Mộc Châu, qua các chiến trường Lào, về với xứ Nghệ yêu thương. Trong những chặng đường hành quân đó, nhiều người lính đã ngã vào lòng đất mẹ, cũng có người gửi lại cả cơ thể mình trên đất nước Triệu Voi xinh đẹp. Máu, mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ đã viết nên truyền thống: "Trung dũng – Kiên cường – Mưu trí – Sáng tạo – Đoàn kết – Chiến thắng".
Về với miền Tây xứ Nghệ, dù không muốn nhưng những người lính vẫn phải làm "bạn đồng hành" với nắng gió biên thùy và xem sự khắc nghiệt của tự nhiên như thứ "gia vị" không thể thiếu trong "thực đơn" mỗi ngày. Nắng gió biên thùy có thể bào mòn thể lực, "nâng chất" phong trần lên mái tóc, làn da, nhưng chưa bao giờ đánh gục ý chí, làm chậm bước chân của người lính… Nắng và gió dường như chỉ tô điểm, hun đúc thêm ý chí quyết tâm, khiến cho nụ cười chiến sĩ thêm rạng ngời.
Mỗi người lính nơi đây dường như thấm đẫm cả cốt cách, tinh thần và văn hoá xứ Nghệ, chịu thương, chịu khó, hăng say luyện rèn, vượt nắng, thắng mưa, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; lấp lánh niềm tin, ý chí và nghị lực trong từng đôi mắt. Ngay từ khi bước chân vào cổng đơn vị, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp như một điểm… du lịch sinh thái. Các khu doanh trại được xây dựng khang trang, chính quy… thì ấy là do cấp trên đầu tư xây dựng, chẳng nói làm gì. Nhưng kết nối các ngôi nhà, các khu vực là những con đường bê tông thẳng tắp, hai bên miên man những hàng cây lấy gỗ, cây ăn quả tỏa bóng rười rượi. Trước sân, sau nhà là những luống hoa, lối cỏ, chậu cây cảnh… được cắt xén, chăm sóc rất điệu nghệ. "Điệu" đến nỗi, mọi nơi đều có thể trở thành nơi thư giãn của bộ đội.
Về miền Tây xứ Nghệ để thấy sắc xanh trên vùng đất sỏi sạn gan gà. Khu tăng gia rau, củ, quả tập trung là một bức tranh đa sắc đủ màu, thật sinh động và "ngon mắt". Nắng ấy, gió ấy, đất ấy mà vẫn bị bộ đội ta khuất phục để có được những khu doanh trại xanh mát như ốc đảo giữa sa mạc; để tự túc đủ 100% rau, củ, quả, thịt, trứng và 60% cá tươi… thì thật đáng nể phục vô cùng. Công sức của bộ đội thấm vào trong từng tấc đất, khiến cho "đất trở nên có hồn". Để ai đến đó cũng sẽ yêu và mến, để mỗi người lính nơi đây thêm gắn bó với nơi mình sống. Dù nắng hè đổ lửa hay gió đông lạnh căm, đôi bàn tay của những người lính vẫn không ngừng nghỉ để hoa vẫn luôn nở, cây luôn đủ xanh màu lá. Kết quả đó không chỉ bằng lời nói mà là phương châm làm việc được đúc kết hết sức gần gũi: Nghe bộ đội nói, nói bộ đội nghe, làm bộ đội tin.
Thật thiếu sót nếu không nói về ân tình của con người xứ Nghệ. Ở đây, bộ đội thực sự sống trong lòng nhân dân, doanh trại ở xen lẫn cùng người dân mà chưa hề xảy ra điều tiếng gì, thân thiết và bình yên đến lạ. Mỗi hoạt động của bộ đội luôn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân và chính quyền địa phương. Người dân sẵn sàng nhường đất đai, thậm chí là hi sinh hoa màu để bộ đội phục vụ diễn tập; trong những ngày lễ tết, bộ đội và nhân dân lại vui vẻ, quây quần bên nhau. Bằng mệnh lệnh từ trái tim, những người lính Trung đoàn luôn tích cực giúp đỡ, chia sẻ vô điều kiện mỗi khi nhân dân gặp khó khăn. Tình cảm đó được đắp đổi ngay từ những ngày đầu khi người lính Thảo Nguyên dừng chân tại miền Tây xứ Nghệ. Qua thời gian, đôi bàn tay và những giọt mồ hôi của người lính đã giúp bà con nhân dân có những con đường, sân chơi, những con mương phục vụ sản xuất… mỗi khi biến cố xảy ra, bão lụt, cháy rừng, bộ đội lại sẵn sàng đón lấy những nhiệm vụ hiểm nguy nhất để đổi lại sự bình an cho nhân dân. Đất và người nơi đây là vậy, sẵn sàng ôm ấp, sẻ chia, giúp đỡ, ủng hộ bộ đội… đáp lại tình cảm đó, bộ đội thực sự là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân.
Đất và người miền Tây xứ Nghệ là vậy, những người lính Đoàn Thảo Nguyên là như thế. Mộc mạc, tự nhiên, giản dị, chân thành mà chịu thương, chịu khó, bền bỉ đến vô ngần. Chừng ấy đức tính đã khiến cho con người và vùng đất nơi đây ngày càng đẹp hơn. Để mỗi chiến sỹ khi về Đoàn Thảo Nguyên học tập và công tác thực sự coi đơn vị là gia đình lớn, mỗi đồng đội đều là anh em.
Tạm biệt miền Tây xứ Nghệ, tạm biệt những người lính Đoàn Thảo Nguyên anh hùng, bất chợt nhớ đến lời thơ: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn.