Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Về quê ăn Tết có phải cách ly

Trước câu hỏi: Về quê ăn Tết, ai phải cách ly?, Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cấp cao trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) khẳng định: Các vùng cấm đi lại là các ổ dịch, vùng dịch có quyết định phong tỏa hoặc cách ly y tế, có các chốt chặt, rào chắn ngăn người qua lại.

Từ 29 Tết, người lao động bắt đầu được nghỉ Tết Tân Sửu. Tết năm nay có được về quê, đi chúc Tết?, giao thừa có bắn pháo hoa? là những câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước nghỉ liền 7 ngày liên tục, từ thứ Tư ngày 10 tháng 2 năm 2021 đến hết thứ Ba ngày 16 tháng 2 năm 2021 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu).

Về quê ăn Tết có phải cách ly - Ảnh 1.

Đối với người lao động làm việc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì người sử dụng lao động chọn một trong hai phương án nghỉ 1 ngày cuối năm Canh Tý và 4 ngày đầu năm Tân Sửu hoặc nghỉ 2 ngày cuối năm Canh Tý và 3 ngày đầu năm Tân Sửu.

Các trường đại học cho phép sinh viên nghỉ quãng thời gian dài ngắn khác nhau. Trường đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến chỉ cho sinh viên nghỉ 8 ngày. Tuy nhiên, nhiều trường cho phép học sinh, sinh viên nghỉ tới 3 tuần hoặc hơn.

Trong bối cảnh người dân bước vào đợt cao điểm đi lại dịp Tết Tân Sửu 2021 nên mỗi địa phương đều chủ động đưa ra những phương án kiểm soát, ứng phó nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Các điểm được coi là vùng dịch đa số thuộc TP Hồ Chí Minh, Hải Dương và Quảng Ninh. Như vậy, không phải cứ người Hà Nội đi về các địa phương là phải thực hiện cách ly y tế 21 ngày.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo các địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với mức nguy cơ của từng địa bàn, hạn chế tối đa các tác động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu các địa phương có biện pháp cụ thể tạo thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nhất là tại vùng có dịch, vùng bị phong tỏa.

Đến nay Hà Nội cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19. Hiện thành phố chưa có chuyện cấm, quan trọng là người dân đi như thế nào và thấy có cần thiết phải đi hay không. Chủ trương của thành phố về phong tỏa, cách ly các địa điểm có ca bệnh là "làm càng nhỏ càng tốt".

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu hạn chế di chuyển, nhất là trong dịp Tết, yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong vận chuyển hành khách công cộng, trong đó yêu cầu lập danh sách hành khách đối với hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh.

UBND TP Hà Nội quyết định dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Không tổ chức liên hoan tất niên, gặp mặt đầu xuân; thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tránh lây lan dịch bệnh.

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: Karaoke, quán bar, vũ trường, Game, Internet phải tạm dừng hoạt động cho đến khi có chỉ đạo cho phép tiếp tục hoạt động của Thành phố. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, cà phê giải khát, là nơi có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp, cần thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.

Về quê ăn Tết có phải cách ly - Ảnh 3.

Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu người dân hạn chế di chuyển, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong vận chuyển hành khách công cộng: hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, có dung dịch sát khuẩn để sát khuẩn tay; lập danh sách hành khách (họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ) đối với hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh; sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên xe.

Tại TP Hồ Chí Minh, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận huyện và TP Thủ Đức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại những khu vực có ca bệnh.

Đối với các khu vực có ca bệnh, áp dụng thực hiện giãn cách xã hội tại khu vực đó theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, đối với các khu vực lân cận xung quanh thì áp dụng theo Chỉ thị số 15/CT-TTg. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện xem xét, quyết định phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn mình phụ trách.

Yêu cầu toàn bộ người dân TP hạn chế tối đa việc đi lại, thăm hỏi, chúc Tết, liên hoan, họp mặt; đề nghị khi ra khỏi nhà và đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang. Xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang hoặc không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế và UBND TP; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công nhân viên tổ chức làm việc trong dịp tết, sinh hoạt tại chỗ...

Đảm bảo an toàn mức độ cao cho toàn bộ hành khách đi và đến Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tiến hành xét nghiệm cho các nhân viên làm việc trong nhà ga có tiếp xúc với hành khách trước 24 giờ, các trường hợp có xét nghiệm âm tính mới được thực hiện nhiệm vụ trong ngày làm việc tiếp theo.

Tạm dừng toàn bộ các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí và các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, massage, xông hơi, các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu ca nhạc - kịch, rạp chiếu phim, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer club, hát với nhau, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, các cơ sở kinh doanh thể thao (gym, fitness, billiards, yoga,...).

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.