Vườn nhà.
Tàu cứ lắc lư, hành khách đông cứng, chắc cũng xa xứ về quê như mình!
Ừ, sao ai cũng về quê nhỉ? Nơi phố thị những ngày này đang đông vui nhộn nhịp, sao lại bỏ về quê? Nơi đấy vắng vẻ, tĩnh mịch và còn nghèo nữa…
Quê là gì nhỉ? Quê là nơi có mái ấm, là nơi ăn, chốn ở mà mình đã từng sống từ khi oa oa khóc chào đời, cho tới khi tráng niên rồi đi xa lập nghiệp. Quê là cái nhà ba gian bố com cóp cả đời mới dựng lên được.
Người dân quê mình thường chọn kiểu mẫu nhà ba gian, hai chái là kiểu mẫu kiến trúc của cả làng. Đời này nối đời khác, kiểu nhà này vẫn được dân quê ưa thích bởi phù hợp với khí hậu và thuận tiện, tạo một không gian sống hài hòa.
Xưa người giầu hay khoe căn nhà ba gian của mình: Trong nhà anh lát đá hoa / Chân táng đồng bạch, lợp nhà tiền trinh/ Cửa bức bàn anh lồng kính thủy tinh/ Hai bên bức thuận, anh chạm tứ linh, rồng chầu/ Nhà anh kín trước rào sau/ Tường xây bốn mặt, hơn đâu hỡi nàng?
Trong làng, những ngôi nhà trông khá giống nhau, đó là những ngôi nhà một tầng đơn sơ, nền làm sát mặt đất, vật liệu chủ yếu là tre, nứa lá, rơm rạ. Qua cổng đến vườn cây, vào đến sân rồi mới đến nhà chính, nhà phụ, nhà bếp, chuồng nuôi gia súc, trâu bò, vườn sau ao trước, hàng rào cây bao quanh... tạo nên sự khép kín. Nhớ khi xưa, mỗi khi tới bữa, bà thường sai ra múc bát tương dưới bếp, rồi chạy ra vườn nhặt vội nắm rau, quay lại bể nước mưa múc ấm nước…, cứ quanh quanh trong sân, ấy vậy mà cũng xong được bữa cơm đạm bạc.
Nhà ở của bố mẹ có bộ khung xoan, cũng khá vững chắc với vì kèo ba bốn cột. Lúc bố ra ở riêng, ông bà trồng cho chừng hai chục cây xoan ở góc vườn. Khoảng mươi mười lăm năm, xoan to chừng 20 - 30cm, lúc đó bố mới chặt đem ngâm ở cái ao cạnh nhà. Xoan, mít hay tre sau khi được chọn lựa, để tránh bị mối mọt và tăng độ bền, trước khi dựng nhà, người ta thường mang đi ngâm ở các ao, hồ khoảng 1-2 năm. Rồi tích rơm, tích rạ cũng phải đôi ba năm nữa. Xây được cái nhà ở nông thôn xưa là cả một ước mơ để phấn đấu của ông bà, bố mẹ. “Lấy vợ, tậu trâu, làm nhà” mà!
Việc làm nhà là một việc vô cùng trọng đại trong đời người đàn ông. Bố cũng phải nhờ thầy phong thủy, xem ngày, xem tháng, xem hướng đặt cửa. Rồi ngày khởi công, cũng làm dăm ba mâm cơm, trước lễ ông bà, sau mời trong họ và cả hiệp thợ. Vất vả nhưng bố mẹ sao hớn hở, tươi rói!
Gian giữa nhà cổ ở Bắc bộ.
Người Việt rất coi trọng việc chọn địa điểm làm nhà, sao cho thuận lợi để tận dụng giá trị của đất. Chọn đất, chọn hướng, bố cũng không xem gì nhiều, bố lấy ngay câu “Lấy vợ hiền hòa, chọn nhà hướng nam” để dặn bác thợ cả. Chả đủ tiền mua gạch, thôi thì làm tường bằng đất nện cũng được! Nó cũng ấm cúng về mùa đông, mát mẻ về mùa hè. Làm sao quên được những trưa hè nóng nực, nhưng ngoài hiên gió vẫn mát rượi ru những giấc mơ trưa. Lúc mới xây xong, ngôi nhà có đủ mùi thú vị, nào thì thơm thơm của rơm nếp, ngai ngái của vách đất, mùi hơi nặng của tre ngâm và những hôm chuyển gió có cả mùi tanh tanh ngoài ao chuyển vào… bởi cửa chưa có, chỉ che tạm bằng tấm liếp tre - “Một năm làm nhà, ba năm làm cửa”…
Ngoài mảnh vườn nhỏ, người quê đã biết sử dụng tán cây, trồng những giàn cây leo quanh nhà như mướp, bầu bí… tạo thành các tán che nắng tự nhiên, vừa tránh nắng nóng, vừa lấy rau quả làm thức ăn. Dăm cây hoa hòe, cây ổi, cây chanh, rồi hoa lan, hoa mộc, hoa ngâu… quần tụ quanh vườn, vừa làm quà vặt, làm thuốc… và còn để thưởng thức hương thơm.
Dịp Tết cũng là dịp những cây trong vườn trổ hoa, vừa về tới cổng đã ngan ngát hương. Nghỉ ngơi dọn dẹp, lau chùi ban thờ rồi ra vườn ngắt lấy một đĩa nào hồng, nào ngâu, nào sói… xêm xêm một đĩa hoa cúng, rồi ra sân trước trảy dăm quả cau, ngắt vài lá trầu là đã tạm đủ “Phù lưu, thanh thủy, tạp nhất bàn”, mang vào thắp hương kính cáo tổ tiên.
Nghe ông chú nói rằng, ngày xưa, các cụ trồng cây lá rậm, lá to như cây chuối ở mặt nhà phía Bắc để ngăn gió lạnh vào mùa đông; trồng cây có thân cao như cây cau ở phía Nam của nhà để không ngăn cản gió mát mùa hè cũng như không che ánh nắng chiếu vào nhà về mùa đông… Vì vậy, cái câu “trước cau sau chuối” là các cụ đã đúc kết lâu lắm rồi.
Vớ cái chổi rễ, quét quoàng cái sân. Vun lá thành đống trong vườn, đốt thành đống rấm… khói ngai ngái, ngàn ngạt sao mà nhớ đến thế! Qua cái sân nhà bên, hương mùi già nhà hàng xóm đã sực nức báo Tết về.
Chuẩn bị bữa cơm cúng tất niên là vừa.
Bếp đã đỏ lửa, tiếng gà quang quác xung quanh, mùi cơm gạo mới sôi sao mà nhớ… Mẹ cũng thường ngồi đây, vào cái ngày cuối năm này, quanh bếp như vẫn còn dáng gầy của mẹ...
Cơm cúng cũng đã xong, bộ ván gõ nơi gian giữa cũng đã được lau chùi gọn gàng, cơm được bầy lên, có đủ gà, giò, thịt đông, bánh kẹo… mang từ Hà Nội về. Lúc này khi xưa, bố sẽ là người kính cáo với tổ tiên, nay là mình.
Mưa xuân lắc rắc trên mái rạ, khói hương vấn vít quanh nhà, dăm tiếng thạch sùng kêu… Ừ, đã gần năm nay mới lại về quê! Mai là mồng một, ngày mốt lại trở lại làm việc. Lại ồn ào, lại tất bật… Vô số thứ lại làm ta quên lãng đi nơi đây - nơi ông bà, cha, mẹ đổ bao mồ hôi công sức dựng nên… Trong quan niệm của người Việt, ngôi nhà không chỉ là nơi che nắng, che mưa, mà còn là mái ấm dung dưỡng tình cảm, kí ức của gia đình.
Đất trời như chuyển vần, lòng người cũng xốn xang, người xưa đang về chứng giám tấm lòng của con cháu. Ôi chao, bao hương vị từ mùi rơm ngái, rượu nồng, hương ngát, mùi ẩm mốc lâu ngày không có người ở…, và cả mùi hương của không gian thiên nhiên nơi đây, tất cả quyện lại với nhau thành một hương vị người làng quê thường gọi là hương vị Tết. Còn tôi thì gọi đó là hương vị quê...
Tô Chiêm/Tạp chí GĐ&TE