Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời bà Hương như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản quy định:“Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con;”
Điều 17 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số quy định:“Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình. 1. Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân không tách rời nhau trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền và phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội.
Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền: Quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với quy mô gia đình ít con, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chính sách dân số của Nhà nước trong từng giai đoạn; phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp Vợ chồng, cá nhân trên cơ sở bình đẳng; Lựa chọn, sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp với điều kiện kinh tế, sức khoẻ, tâm lý và các điều kiện khác; Được cung cấp thông tin và dịch vụ về kế hoạch hoá gia đình.
Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có nghĩa vụ: Thực hiện quy mô gia đình ít con - có một hoặc hai con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững; Sử dụng biện pháp tránh thai, thực hiện kế hoạch hoá gia đình; Tôn trọng lợi ích của Nhà nước, xã hội, cộng đồng và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức trong việc kiểm soát sinh sản và điều chỉnh quy mô dân số; Thực hiện các quy định của pháp luật về dân số; các quy chế, điều lệ hoặc các hình thức khác của cơ quan, tổ chức; quy ước, hương ước của cộng đồng về dân số và kế hoạch hoá gia đình; Thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình”.
Như vậy, các quy định của pháp luật về dân số có quy định về quyền và nghĩa vụ của cặp vợ chồng, cá nhân quyết định về thời gian và khoảng cách giữa các lần sinh, còn thời gian và khoảng cách cụ thể do cặp vợ chồng, cá nhân tự quyết định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì khoảng cách lý tưởng giữa hai lần mang thai và sinh nở là 3-5 năm. Khoảng cách này giúp cho người mẹ có đủ thời gian chăm sóc bé trước; có đủ thời gian để chăm sóc, dạy dỗ con và thời gian để phục hồi sau những áp lực ở lần mang thai trước; tránh được những rủi ro trong thai nghén và sinh nở, đặc biệt là “bồi đắp” dinh dưỡng, sẵn sàng cho lần mang thai kế tiếp. Đồng thời, tạo cơ hội cho người mẹ có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình và hoà nhập xã hội.
Việc lựa chọn khoảng cách giữa hai lần sinh thế nào cho phù hợp nhất còn phụ thuộc vào những điều kiện thực tế của cặp vợ chồng. Nếu trong trường hợp người mẹ sinh con thứ nhất khi đã trên 35 tuổi mà vẫn muốn có đứa thứ hai thì họ cần phải có kế hoạch cụ thể để sinh bé tiếp theo, tránh sinh con ở độ tuổi quá cao. Ngược lại, nếu cặp vợ chồng còn trẻ thì có thể sinh bé thứ hai cách xa hơn… Tuy nhiên, mỗi gia đình sẽ có kế hoạch cho riêng mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh, kinh tế… cụ thể của mình. Mỗi gia đình đều có những lý do riêng trong việc lựa chọn khoảng cách giữa hai lần sinh, nhưng dù thế nào thì khi lựa chọn khoảng cách bạn cũng cần tính đến các yếu tố như: đảm bảo được sự phát triển của bé, sức khỏe của người mẹ, phù hợp với hoàn cảnh gia đình và kế hoạch gia đình.