Bán cát “lạc địa chỉ”, vượt khối lượng?
Như Bao Dan sinh ngày 20/12/2016, đã phản ánh. Ngày 16/4/2015, Công ty CP thủy điện Nậm Nơn – Nậm Mô và BQL dự án thủy điện Khe Bố có tờ trình gửi UBND huyện Tương Dương về việc xin nạo vét tận thu cát, sỏi trong khu vực được phê duyệt đầu tư xây dựng công trình để phục vụ xây dựng hạ tầng cơ sở và các công trình phụ trợ có liên quan đến dự án thủy điện Khe Bố và thủy điện Bản Ang. Ngày 20/4/2015, UBND huyện Tương Dương đã chấp thuận nguyện vọng của doanh nghiệp bằng văn bản 210/UBND-KS gửi UBND tỉnh Nghệ An. Ngày 22/9/2016, Sở TN&MT Nghệ An có văn bản thông báo số 5235/STNMT-KS về việc xem xét, giải quyết đề nghị của Ban quản lý dự án Thủy điện Khe Bố, huyện Tương Dương gửi UBND tỉnh Nghệ An. Khu vực xin khai thác cát, sỏi của BQL dự án Thủy điện Khe Bố có diện tích là 2,1ha, thuộc quy hoạch lòng hồ nhà máy thủy điện Khe Bố; khối lượng cát sỏi đăng ký khai thác là 7.000m3; chiều sâu khai thác là 1m; thời hạn khai thác là trong vòng 1 năm.
Văn bản cho phép Thủy điện Khe Bố khai thác cát sỏi của UBND tỉnh Nghệ An
Ngày 23/9/2016, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản số 7093/UBND-NN về việc cho phép BQL dự án nhà máy thủy điện Khe Bố khai thác cát, sỏi, khối lượng 7.000m3 làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi lòng hồ Nhà máy thủy điện Khe Bố để xây dựng các Khu tái định cư của dự án này.
Hợp đồng ủy quyền giữa thủy điện Khe Bố và công ty Trường Vinh
Ngay sau đó ngày 26/9/2016, BQL dự án thủy điện Khe Bố do ông Phan Thế Chuyền làm Trưởng ban đã ký hợp đồng số 60-2016/HĐ-HTĐT ủy quyền khai thác cát, sỏi khu vực nói trên cho Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Trường Vinh (Sau đây gọi là Công ty Trường Vinh), có trụ sở tại xã Xá Lượng, huyện Tương Dương tiến hành khai thác.
Những bãi tập kết hàng ngàn khối cát mà công ty Trường Vinh tập kết
Các văn bản đồng ý của các cơ quan chức năng là vậy. Nhưng, theo phản ánh thì trong quá trình thực hiện việc tận thu cát, sỏi trên của BQL dự án Nhà máy thủy điện Khe Bố (ủy quyền cho Công ty Trường Vinh) đã có nhiều dấu hiệu sai phạm thậm chí làm ngược lại quy định cấp phép.
Mặc dù UBND tỉnh Nghệ An chỉ đồng ý cho khai thác tận thu cát, sỏi trong phạm vi lòng hồ Nhà máy thủy điện Khe Bố để xây dựng khu tái định cư của dự án này tại xã Thạch Giám, huyện Tương Dương. Nhưng, theo điều tra của PV thì hầu hết nguồn đầu ra cát, sỏi đều đến các dự án xây dựng khác mà không hề liên quan đến các khu tái định cư của Dự án nhà máy thủy điện Khe Bố, mà đi “lạc địa chỉ” sang các dự án như Công ty Sông Đà 2 xây dựng một số hạng mục ở khu vực Bản Vẽ; Công ty Sông Đà 4 xây dựng thủy điện Khe Ang; Công ty Hòa Hiệp xây dựng thủy điện Xoong Con tại xã Tam Thái; Công ty 185 xây dựng đường tuần tra biên giới; dự án đường Khe Kiền – Na Ngoi...
Mặc dầu trong văn bản chấp thuận của UBND huyện Tương Dương có nêu rõ chỉ khai thác phục vụ công trình đó, nhưng Công ty Trường Vinh vẫn khai thác bán cho nhiều công trình khác
Theo điều tra mới nhất của PV, hiện tại Công ty Hòa Hiệp đã mua cát của Công ty Trường Vinh về phục vụ xây dựng công trình khoảng gần 2.000m3 và thời gian sắp tới thì khối lượng có thể lên tới 30 nghìn m3. Theo đó, mỗi ngày có 3 xe tải của đơn vị này liên tục vào ra các bến cát của Công ty Trường Vinh để “ăn hàng”.
Tương tự là Công ty Sông Đà 2 khi trong tháng 12 này đơn vị nêu trên đã mua của Công ty Trường Vinh khoảng 2.000m3 cát và sắp tới khối lượng đặt hàng có thể lên đến 10 nghìn m3? Đó là chưa kể đến những đơn vị khác như Công ty Tân Hưng, Công ty Sông Đà 4, Công ty 185... thì khối lượng cát có thể lên đến hàng chục nghìn m3.
Nếu chiếu theo giấy phép tận thu tối đa vẻn vẹn 7.000m3 cát thì đơn vị nêu trên đã “hô biến” một khối lượng cát chênh lệch rất lớn đủ để cung cấp cho rất nhiều công trình xây dựng lớn như đã phản ánh ở trên quả là con số đáng... “giật mình”!
Bãi tập kết ngay tại mỏ hút, cạnh Quốc lộ 7A
Mở nhiều bến bãi không phép
Ngoài bến tập kết tại bản Mon thì đơn vị này còn mở thêm 2 bến gần khu vực Bệnh viên Đa khoa huyện Tương Dương. Theo ghi nhận của PV, tại xóm Bệnh viện, thuộc Khối Hòa Đông, thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương), đơn vị khai thác cát đã mở ra 2 bến cát “khổng lồ” nằm sát với một số hộ dân nơi đây.
Trên con đường nhỏ bằng đất lồi lõm tử quốc lộ 7 vào khu vực tập kết cát của đơn vị này chúng tôi bắt gặp nhiều xe tải nườm nượp vào ra để lấy cát. Những ổ gà, ổ voi chằng chịt do nhiều xe cát tải trọng lớn chạy suốt ngày đêm khiến cho con đường đất đã nhỏ hẹp càng trở nên trắc trở. Nhiều hộ dân sống trong khu vực hàng ngày phải đi qua con đường này vì thế cũng gặp không ít trở ngại khiến không ít người bức xúc.
Cũng theo điều tra của PV, hai bến tập kết nói trên có khối lượng cát lên đến khoảng vài nghìn m3, cao vút quá cả những nóc nhà người dân xung quanh. Thậm chí, bến cát phía dưới sát nhà dân đến nỗi những mảnh vườn vốn đã nhỏ hẹp bị một khối lượng cát không nhỏ “lấn sân”. Vì bến cát ở quá sát nhà dân nên khi nắng bụi thì không thể tránh khỏi môi trường bị ô nhiễm do bụi cát, gây không ít phiền hà, khó chịu cho nhiều hộ dân sinh sống nơi đây.
Nhiều bãi tập kết không phép
Sáng 28/12, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Kha Văn Ót, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương về các vấn đề xung quanh sự việc trên. Thế nhưng, vị lãnh đạo này lại tỏ ra khá bình thản đến mức thờ ơ cho rằng: “Huyện Tương Dương không có mỏ cát cũng như trữ lượng cát quá ít, vì thế khi tỉnh đồng ý chủ trương cho doanh nghiệp tận thu cát sỏi ở lòng hồ Khe Bố thì cũng giải quyết được phần nào nhu cầu cát sỏi trên địa bàn”.
Khi được hỏi về vai trò, trách nhiệm của huyện Tương Dương trong việc giám sát khối lượng cát mà doanh nghiệp tận thu cũng như địa chỉ tiêu thụ có đúng mục đích như chủ trương cho phép của UBND tỉnh Nghệ An là chỉ phục vụ các khu tái định của dự án Nhà máy thủy điện Khe Bố thì vị phó chủ tịch này nói “sẽ giao cho các phòng chuyên môn kiêm tra trong thời gian tới”? Vị này cũng thừa nhận các bến tập kết cát của đơn vị tận thu nêu trên là chưa được cấp phép, chưa chuyển mục đích sử dụng đất...
Mặc dầu chưa làm thủ tục thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất nhưng Công ty Trường Vinh vẫn làm bãi tập kết cát