Hát bội là bộ môn nghệ thuật được lưu truyền từ lâu đời, thường được người dân miền Tây gọi là tuồng và rất nổi tiếng ở các tỉnh vùng Nam Bộ. Theo bước chân của ông cha ta từ thời khai hoang lập ấp, hát bội đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân vùng sông nước.
Tuy nhiên, với sự phát triển của các loại hình nghệ thuật hiện đại, loại hình nghệ thuật này đang dần vắng bóng trên sân khấu, bởi lẽ thiếu người xem và thiếu cả người diễn. Vì thế, việc giữ gìn và đưa hát bội vào làm sản phẩm du lịch của Vĩnh Long, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa là điểm nhấn níu chân du khách trong và ngoài nước tìm đến Vĩnh Long.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nên đưa hát bội diễn ở nhà văn hóa để duy trì và phục dựng. Song điều đặc biệt của loại hình này, là không thể rời xa võ ca đình thần và chỉ có thể diễn ở đình thần (Ngôi đình làng thờ Thần Thành hoàng), mới thể hiện hết cái hồn của một loại hình nghệ thuật. Vì thế việc giữ gìn và đưa hát bội vào làm sản phẩm du lịch của Vĩnh Long, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống vừa là điểm nhấn níu chân du khách trong và ngoài nước tìm đến Vĩnh Long.
Điểm đặc sắc của sản phẩm du lịch này không chỉ ở chỗ lời ca tiếng hát, mà còn cả một sự cộng hưởng khi du khách được phiêu bồng xuôi dòng Cổ Chiên, những đêm tối ánh trăng soi rọi xuống dòng nước óng ánh, gió thổi hương hoa bưởi, hoa xoài, mùi ổi chín ngoài vườn hòa quyện, tạo nên một không gian yên bình hiếm có.
Trên tàu, du khách ngồi thưởng thức tách trà nóng hổi, nhâm nhi bánh, kẹo, mứt và trái cây đặc sản của xứ Cù lao An Bình và lắng nghe những câu chuyện về nguồn gốc của loại hình nghệ thuật hát bội và ý nghĩa của đốt đuốc trong Lễ Kỳ Yên ở Vĩnh Long. Trước cổng đình, các bô lão với trang phục áo dài, khăn đóng đón tiếp và được xem trình diễn đốt đèn măng-sông.
Sau khi đến đình thần, du khách có cơ hội thắp một nén hương tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân mở cõi về vùng đất phương Nam và cầu mong bình an cho gia đình, cùng trò chuyện, giao lưu và trao đổi những câu chuyện kể về tình đất và tình người, trước khi xem hát bội.
Các vở diễn trong những tuồng hát bội, thường là những câu chuyện kinh điển về một thuở đi mở cõi, các vị anh hùng đấu tranh bảo vệ đất nước, tình yêu xóm làng, tình yêu đất nước,.. được các nghệ nhân ca diễn xuất thần. Từ đôi mắt, gương mặt, điệu bộ hòa cùng tiếng trống chầu dưới mái đình làng, sự chuẩn bị rất cầu kỳ từ trang điểm, trang phục, dàn dựng sân khấu cho đến âm thanh nhạc cụ…tạo ra một không gian xưa, những hoài niệm về những ngày ấu thơ theo chân mẹ chân bà đi xem hát bội ở đình thần.
Không chỉ có thế, du khách còn được trải nghiệm trong tay cầm ngọn đuốc dừa với chút ánh sáng héo hắt để soi đường dạo bước trên đường làng quanh co để đến đình An Bình coi tuồng. Khi vào trong đình, du khách sẽ được ngồi chiếc ghế gỗ cùng chiếc quạt mo cau trên tay với câu thơ “Cho tôi một giờ trả bạn trăm năm” thể hiện tấm lòng mến khách của người Vĩnh Long và thưởng thức vở tuồng “Câu thơ dũng tướng” do gánh hát bội Đồng Thinh biểu diễn.
Từ đôi mắt, gương mặt, điệu bộ hòa cùng tiếng trống chầu dưới mái đình làng, sự chuẩn bị rất cầu kỳ từ trang điểm, trang phục, dàn dựng sân khấu cho đến âm thanh nhạc cụ… tạo ra một không gian xưa, những hoài niệm về những ngày ấu thơ theo chân mẹ chân bà đi xem hát bội ở đình thần.