Nguyên liệu làm bánh từ tự nhiên
Bánh gai Yên Sở (xưa thường được gọi là bánh gai Kẻ Giá, hay bánh gai làng Dừa) được biết đến như một thức quà không thể thiếu trên ban thờ tổ tiên mỗi dịp lễ Tết. Khi hỏi về lịch sử nguồn gốc của làng nghề thì ngay đến người cao tuổi nhất trong làng cũng không còn nhớ rõ. Chỉ biết nghề bánh được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ kia, tính tới nay có lẽ cũng đã được hàng trăm năm tuổi.
Bánh gai Yên Sở - một trong những đặc sản nổi tiếng trong các dịp lễ, Tết.
Theo thống kê của UBND xã Yên Sở, năm 2016, chỉ tính riêng trên địa bàn xã đã có tới hơn 20 hộ làm bánh gai truyền thống. Đặc biệt là những ngày lễ Tết cuối năm, thì mỗi gia đình lại như một “xưởng” sản xuất nhỏ, cả làng lại cùng nhau đỏ lửa làm bánh.
Tại đây, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Ấn (thôn 7, xã Yên Sở) – một trong những hộ gia đình có truyền thống làm nghề bánh gai lâu đời nhất trong làng. Có dịp tìm hiểu về quy trình làm bánh, mới hiểu rõ hơn về những vất vả cùng lòng say nghề của người dân nơi đây. Bởi làm bánh gai theo cách truyền thống của làng cũng thực lắm công phu, tỉ mẩn. Để làm ra được một chiếc bánh đầy đủ hương sắc, chỉ dựa vào yếu tố nguyên liệu thôi thì chưa đủ mà còn phụ thuộc vào đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân trong làng. Từ cách chọn những bông gạo nếp to, mẩy, cho tới cùi dừa, đường mật, thịt mỡ, vừng lạc…tất cả đều được lựa chọn hết sức cẩn thận. Đặc biệt là lá gai - nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên màu sắc và hương vị của bánh - phải chọn lá nếp bánh tẻ loại to dày, cắt cả cành từ lúc còn tươi. Có như vậy mới có thể giữ được hương vị thơm ngon, ngọt dịu của bánh. Đỗ làm nhân phải là đậu xanh nguyên lõi, vỏ mỏng, vàng tươi, dẻo và có vị thơm tự nhiên. Đỗ xanh được đãi sạch và đồ chín sau đó chia thành từng phần nhỏ cho từng chiếc bánh. Ông chia sẻ: “ Có thể nói, điều làm nên hương vị đặc trưng của bánh gai Yên Sở chính là ở nguyên liệu làm bánh. Bởi 100% nguyên liệu (gạo nếp, lá gai, lá chuối, đậu xanh, nhân dừa...) đều lấy từ tự nhiên và được lựa chọn hết sức cẩn thận. Đặc biệt, đây đều là sản phẩm mà các hộ dân trong làng hầu hết tự trồng chứ không phải đi nhập từ bên ngoài”. Nói tới đây, ông Ấn còn hào hứng ngỏ ý dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng hơn 2 sào diện tích trồng cây gai của gia đình.
Ông Nguyễn Hữu Ấn đang hoàn thiện những khâu cuối cùng trong công đoạn gói bánh gai.
Sau khi gói xong, bánh được đưa vào nồi đun. Người làng Dừa từ xưa đã có cách đun bánh rất riêng đó là đồ bánh (hay còn gọi là đun cách thủy). Nhờ vậy, dù đã tháo lạt, nhưng bánh gai khi vớt lên vẫn giữ được hương vị nguyên bản lại vừa giữ được hình dáng ban đầu - vuông vắn theo hang lối mà mùi hương tỏa ra thơm nức lòng người. Đó như một đặc sản mà chỉ vùng đất Yên Sở mới có thể làm nên.
Vươn lên thoát nghèo từ nghề bánh
Bánh gai Yên Sở đỏ lửa quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là vào những ngày hội lớn của làng (mùng 10 tháng 3 âm lịch) và những ngày cuối năm khi Tết đến xuân về. Ông Nguyễn Xuân Hùng, một trong những hộ gia đình sản xuất bánh gai nhiều nhất ở đây cho biết:“Trung bình nhà tôi mỗi ngày đều làm khoảng 3000 chiếc bánh để cung cấp cho thị trường. Nhưng những tháng cuối năm, nhu cầu thị trường tăng mạnh nên số đơn hàng cũng tăng gấp đôi so với ngày thường. Nhiều khi khách đặt hàng đông quá, gia đình còn phải thuê thêm từ 2 - 3 nhân công để phụ giúp công việc, vừa là để kịp tiến độ giao hàng, vừa tạo điều kiện giúp người dân trong làng có thêm thu nhập”.
Theo tìm hiểu, trước đây khi chưa có nghề làm bánh gai truyền thống, người dân xã Yên Sở hầu hết đều làm nông nghiệp, trồng lúa nước là chính. Các hộ gia đình chủ yếu là nhà tranh vách đất, kinh tế vẫn thuốc diện khá khó khăn.
Giờ đây, nhờ có nghề làm bánh gai truyền thống, kinh tế của người dân đã ổn định hơn hẳn, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Đặc biệt, sau khi thương hiệu bánh gai Yên Sở đã có chỗ đứng vững vàng trên thị trường, thậm chí nhiều hộ trong vùng còn có thể làm giàu bằng nghề.
Trung bình mỗi chiếc bánh gai được bán buôn cho các nhà hàng, khách sạn, lễ hội, chùa chiền với giá 4000 đồng/ chiếc. Vào dịp lễ Tết, giá cả giao động trong khoảng từ 6000 - 7000 đồng/ chiếc. Ông Hùng cho biết: “Sở dĩ giá bánh có sự chênh lệch đôi chút bởi bánh gai ngày Tết thường được bày biện trên ban thờ tổ tiên hoặc đem làm quà biếu, nên được đóng hộp (hộp vỏ lá dừa) chỉnh chu hơn ngày thường mà hộp bánh thì dân trong làng lại phải nhập từ nơi khác về nên giá thành còn phụ thuộc vào chi phí cho mẫu mã sản phẩm”.
Bên cạnh bánh gai bọc lá chuối truyền thống, làng nghề còn sản xuất loại bánh gai trần (bánh được bọc bằng giấy bóng, trên mặt phủ một lớp vừng lạc, để trần) với hình dáng nhỏ gọn, độc đáo và lạ mắt nên được khách hàng rất ưa chuộng.
Nghề bánh gai không những tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn tạo điều kiện cho nhiều gia đình phát triển kinh tế. Không chỉ có thể lo cho con cái ăn học nên người mà nhiều hộ còn có của ăn, của để. Những ngôi nhà lợp ngói xưa nay đã được thay thế dần bởi dãy nhà cao tầng, kiên cố, khang trang và đẹp đẽ hơn. Tiêu biểu trong đó có ngôi nhà xây dựng cách đây vài năm của ông Hùng với kinh phí lên tới gần 800 triệu - đây chính là thành phẩm tích cóp của gia đình ông trong suốt 20 năm làm bánh. Không những vậy, cùng với một số hộ sản xuất lớn trong làng, gia đình ông còn tích cực mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Với nguyên liệu tinh khiết, hương vị thơm ngon, cách làm tỉ mỉ, cẩn thận, cùng với việc luôn đặt chất lượng và chữ tín lên hàng đầu, bánh gai Yên Sở đã trở thành thức quà không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về, khẳng định thương hiệu đặc sản nổi tiếng của một vùng quê văn hóa. Bởi vậy, người dân Yên Sở thường lưu truyền câu ca:
“Quê tôi có một triền đê
Có dòng sông Đáy, có nghề bánh gai
Bánh này vừa dẻo vừa dai
Bánh đi khắp cả vùng trong, vùng ngoài
Ăn vào mát dạ, mát lòng
Vừa thơm vừa ngọt, ăn xong lại thèm…”.