Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vén màn bí ẩn “nhà ma” 20 năm không người ở giữa Thủ đô

Ngôi nhà số 300 phố Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình tọa lạc tại một vị trí đắc địa vào loại bậc nhất Thủ đô.

 

Ngôi nhà 300 Kim Mã tọa lạc tại vị trí đắc địa

 

Thế nhưng suốt 20 năm qua, kể từ khi hoàn thành xây dựng, ngôi nhà này vẫn không có người vào ở khiến nhiều người đồn đoán, thêu dệt vô khối những câu chuyện ma mị.

“Chuyện ma mãnh chỉ là đồn thổi”

Đã có thời, những lời đồn thổi hay các câu chuyện thêu dệt được đẩy đến mức cao trào. Đầu tiên là những âm thanh kỳ bí phát ra từ căn nhà giữa lúc đêm khuya khiến không ít người dân xung quanh cũng như những người đi đường phải giật mình. Có người đồn rằng nhìn thấy những bóng ma ngồi vắt vẻo trên cửa, người bảo nghe thấy tiếng trẻ con khóc... Nhưng không lâu sau đó, người ta phát hiện đó là những tiếng rên rỉ của... các con nghiện “phê thuốc”.

Hay như sự việc, một thanh niên chụp ảnh tại khu vực ngôi nhà này và bắt vào trong hình ảnh là một bóng trắng của cô gái đang nhìn thẳng về phía ống kính, từ đó lời đồn đại ngày càng lan truyền. Cũng không lâu sau, người ta đã chỉ ra đó thực chất chỉ là ánh sáng phản chiếu vào chiếc cột màu trắng bên trong ngôi nhà và tạo nên hình bóng.

Một ngày giữa tháng 7, PV Báo Giao thông có mặt tại ngôi nhà nói trên và ghi nhận, ngôi nhà vẫn chưa có ai đến ở. Ông Thắng - người bảo vệ già quê ở Hưng Yên ở lại trông coi cho hay, không rõ ngôi nhà thuộc sở hữu của ai, chỉ biết nhận nhiệm vụ bảo vệ do công ty phân công với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. “Đội bảo vệ chúng tôi có 6 người thay nhau ngủ lại đây. Tôi thường xuyên ngủ lại qua đêm nhưng không thấy có gì bất thường. Tôi cũng chẳng tin có chuyện ma mãnh như đồn thổi!”.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn (trú phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), làm nghề xe ôm gần 20 năm qua trước cửa số nhà 300 Kim Mã cho biết, anh cũng đã nghe nhiều đồn đại về ngôi nhà nhưng bản thân không tin. “Nhiều hôm tôi làm đến sáng nhưng cũng có thấy tiếng rên rỉ hay bóng trắng nào đâu! Ấy vậy mà không hiểu sao thỉnh thoảng vẫn có người đi đường qua đây dừng xe lại, chắp tay hướng vào trong ngôi nhà rồi... khấn vái!”.

Còn anh Chung, trước đây là lái xe cho Đại sứ quán Bulgaria được hơn 10 năm, hiện cũng đang chạy xe ôm ở khu vực này thông tin: “Mọi chuyện trong khu nhà này không có bất thường gì cả, làm gì có ma mãnh“. Lý giải việc ngôi nhà bị bỏ hoang suốt nhiều năm không được sử dụng, rất lãng phí, anh Chung cho rằng đây là do thỏa thuận ngoại giao. Các cán bộ Đại sứ quán Bulgaria khi về nước nếu chưa làm thủ tục bàn giao ngôi nhà này thì cũng không cơ quan đơn vị nào có thể vào được.

 

Người bảo vệ được trả 4,5 triệu/tháng để trông coi khu nhà

 

Lời kể của người trong cuộc

Đại tá Trần Đăng Lâm, nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng Thành An (thuộc Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng), từng là Phó chỉ huy (Phó giám đốc) phụ trách về quy hoạch và kỹ thuật công trường xây dựng ngôi nhà số 300 Kim Mã khẳng định không có chuyện ma mãnh như đồn đại.

Theo một nguồn tin, sau khi nhận bàn giao, phía Việt Nam đã chuẩn bị kế hoạch đưa vào khai thác, sử dụng ngôi nhà 300 Kim Mã. Liên quan đến thông tin khu đất vàng này được giao cho một tập đoàn lớn, nguồn tin này cho hay, đó là thông tin không chính xác. “Không có cơ sở nào để bán cho một tập đoàn nào cả, vì đây là tài sản đã được giao cho Bộ Ngoại giao quản lý thì không thể nào có thể bán đi bán lại một cách dễ dàng như vậy được”, nguồn tin khẳng định.

Theo ông Lâm, khu đất đó trước là đất của quân đội, cụ thể là của Sư đoàn 361, nhưng sau khi được Nhà nước quy hoạch thành khu ngoại giao đoàn thì Sư đoàn 361 mới chuyển về địa điểm như hiện nay. Về việc vì sao Bulgaria lại có được khu đất đó, Đại tá Lâm cho biết: “Mặc dù là 1 trong 4 người đại diện cho phía Việt Nam sang Bulgaria đàm phán về việc xây dựng ngôi nhà đó, những việc liên quan đến vấn đề ngoại giao trước đó, tôi không nắm được”, ông Lâm nhớ lại.

Theo Đại tá Lâm, năm 1987, khi tiến hành đàm phán xong các thỏa thuận trao đổi với phía nước bạn, đến năm 1988 mới chính thức thi công công trình. Lúc đó, Binh đoàn 11 đã giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 524, sau đó Lữ đoàn đã thành lập công trường xây dựng, lấy tên là công trường 78001. Khi đó, ông Lâm mang quân hàm Thượng úy, Phó chỉ huy công trường, phụ trách Kế hoạch - Kỹ thuật. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1988 đến năm 1991 thì hoàn thành.

Chia sẻ về việc có một số tin đồn cho rằng khu đất đó trước khi xây dựng là một nghĩa trang trẻ em, Đại tá Lâm cho biết: “Đất đó trước khi giao cho Đại sứ quán Bulgaria là đất của quân đội. Còn trong quá trình đào móng xây dựng, chúng tôi có phát hiện 2 phần mộ, lúc đó chúng tôi có thông báo rộng rãi trên truyền hình nhưng không ai đến nhận và các chiến sĩ thi công đã làm lễ an táng. Ngoài ra, chúng tôi không gặp bất cứ vấn đề gì nữa. Còn việc xa xưa chúng tôi không bình luận, là những người lính, thấy gì chúng tôi nói vậy”.

Trong quá trình xây dựng, Đại sứ quán Bulgaria có cử sang 34 người, trong đó một người đại diện chủ đầu tư, một người là đại tá sang bảo vệ công trường. “Tôi vẫn còn nhớ như in, ngày đó khi xong phần thô và bàn giao bên khu nhà A, phía nước bạn đã cử 20 người sang hoàn thiện phần điện nước và cắt cử bảo vệ nghiêm ngặt ở phía hai đầu cầu thang lên. Từ đó cho đến khi bàn giao công trình, chúng tôi không được tiếp cận khu đó nữa. Còn phía nhà B của công trình chúng tôi vẫn tiếp tục xây dựng cho đến khi hoàn thiện và bàn giao lại”, Đại tá Lâm kể.

Theo chia sẻ của Đại tá Lâm, sau khi hoàn thành và bàn giao công trình vào năm 1991, anh em công trường mỗi người một đơn vị và lại bắt đầu đi làm nhiệm vụ mới. Còn công trình này, do phía Bulgaria chưa trả hết nợ cho Việt Nam nên chúng ta vẫn phải cử một đồng chí bảo vệ ở đó cho đến năm 1997 mới bàn giao hoàn toàn. “Từ đó đến nay, anh em mỗi người một đơn vị, một công việc khác nhau, chúng tôi cũng chẳng quan tâm đến những lời đồn thổi hay biệt danh ngôi nhà ma đó, vì chúng tôi là người xây dựng, ở đó có gì chúng tôi là người nắm rõ nhất”, Đại tá Lâm khẳng định.

Sớm đưa vào khai thác, sử dụng

Được biết, chiều 8/5 vừa qua, tại Hà Nội, ông Nguyễn Trắc Bá, Cục trưởng Cục Phục vụ ngoại giao đoàn, Bộ Ngoại giao và bà Marinela Milcheva Petkova, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam đã ký Biên bản bàn giao, tiếp nhận nhà số 300 Kim Mã.

Thực hiện Hiệp định ký ngày 14/12/1982 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Bulgaria về việc trao đổi đất, mua và xây dựng các ngôi nhà để sử dụng cho các cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước, phía Việt Nam đã cấp khu đất tại số 300 phố Kim Mã để Đại sứ quán Bulgaria xây dựng trụ sở và nhà riêng Đại sứ. Sau đó, phía Bulgaria đã tiến hành xây dựng ngôi nhà có diện tích 1.307m2 trên khu đất có diện tích 3.243m2 và công việc xây dựng được hoàn thành vào năm 1991. Tuy nhiên sau khi xây dựng xong, do không còn nhu cầu sử dụng nên phía Bulgaria đã bỏ trống từ đó đến nay.

Sau quá trình đàm phán lâu dài về việc trao trả các khu đất không còn nhu cầu sử dụng, ngày 22/9/2016 hai Chính phủ đã ký Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Bulgaria về bất động sản của Cơ quan đại diện ngoại giao hai nước thay thế cho Hiệp định đã ký năm 1982 (có hiệu lực từ 14/12/2017). Như vậy, căn nhà số 300 Kim Mã đã được trao lại cho phía Việt Nam để sử dụng theo đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.