Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

VỊ ĐẮNG SAU PHIÊN XỬ CỦA TÒA GIA ĐÌNH VÀ NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Vụ việc đầy bạo lực của một nhóm côn đồ
 
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 21h30 ngày 30/5/2017, Vũ Trần Quốc Long điều khiển xe máy đến quận 5 (TP.HCM) tìm gái bán dâm để thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Long gặp chị C. và cả hai thỏa thuận mua bán dâm với giá 300 ngàn đồng. Sau đó, Long chở chị C. đến chân cầu Chà Và ở quận 8 để quan hệ tình dục. Trước khi hành sự, chị C. yêu cầu Long phải trả tiền nhưng anh ta không đồng ý nên cả hai xảy ra cãi vã. Chị C. bỏ chạy thì bị Long đuổi theo bắt lại.
 
Thấy nhóm của anh Lâm Quốc đang ngồi nhậu gần đó nên chị C. kêu cứu. Anh Quốc đến can ngăn, trong lúc lời qua tiếng lại, Long bị anh Quốc đánh vào mặt; thấy yếu thế, Long bỏ đi.
 
Về tới nhà, ấm ức vì bị đánh, Long rủ một nhóm bạn gồm Châu Đức Thanh, Vũ Trần Trọng Hiếu, Lê Hùng Sơn (30 tuổi), Lê Thanh Duy (24 tuổi), Lê Anh Hào (25 tuổi), Nguyễn Tấn Nhiều (30 tuổi) và Lê Quốc Việt (22 tuổi) đi trả thù giúp mình. Sau đó, Duy gọi thêm Lê Anh Hào, Sơn gọi Nguyễn Văn Nhiều. Tương tự, Châu Đức Thanh điện thoại cho Lê Quốc Việt lấy 2 con dao tự chế mà Thanh gửi Việt trước đó.
 
Quay lại chỗ anh Quốc đang ngồi nhậu, Thanh hung hăng xông tới chém anh Quốc. Thấy cha bị chém, cháu H. (13) tuổi liền dùng ghế đánh lại, Thanh liền quay lại chém một phát vào ngực khiến cháu H. tử vong ngay sau đó. Lúc này, Long và Hiếu cũng xông vào chém hai người bạn của anh Quốc, gây thương tích.
 
Sau khi gây án, Thanh, Long, Nhiều và Hiếu đến công an đầu thú. Các đối tượng liên quan khác cũng bị bắt sau đó. Riêng đối tượng Lê Anh Hào bỏ trốn nên công an phát lệnh truy nã và bị bắt giữ sau đó. Các đối tượng Long, Thanh, Hiếu, Duy, Sơn và Việt bị khởi tố, điều tra và bị truy tố về các tội Giết người thuộc trường hợp giết trẻ em, có tính chất côn đồ và tội Cố ý gây thương tích. Ngoài ra, Nguyễn Tấn Nhiều biết nhóm tội phạm vừa gây án xong nhưng không đi tố giác mà bao che nên bị truy tố về tội Không tố giác tội phạm.
 
Đáng ra Tòa Gia đình và Người chưa thành niên không nên xử vụ này
 
Nạn nhân duy nhất của vụ việc đau lòng là bé trai 13 tuổi bị chém chết tức tưởi. Cháu là nạn nhân, lại không có mặt ở trên đời nữa thì việc gì Tòa Gia đình và Người chưa thành niên phải đứng ra xử vụ án này?! Một trong những mục đích cơ bản của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là thường xử kín để bảo vệ trẻ em. Ở phiên tòa này, trẻ em có còn sống nữa đâu mà bảo vệ?
 
Viện Kiểm sát xác định bị cáo có hành vi côn đồ, giết trẻ em nên đề nghị tòa tuyên án tử hình. Tuy nhiên, tòa cho rằng bị cáo đầu vụ gây án không nhằm tước đoạt mạng sống của cháu bé nên cân nhắc, giảm cho bị cáo một phần hình phạt.
 
Hội đồng xét xử nhận định trong vụ án này các bị cáo đã có cùng ý chí, có vai trò giúp sức để đi đánh bị hại, và gây ra cái chết cho cháu H. Hành vi của bị cáo đã đủ cấu thành tội giết người, thuộc trường hợp giết trẻ em mang tính chất côn đồ. Vì vậy, cần phải có hình phạt thích đáng cho các bị cáo mới tương xứng với hành vi phạm tội.
 
Sau gần một tuần xét xử và nghị án kéo dài, ngày 14/7/2020, Tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND TP.HCM) đã tuyên phạt bị cáo Châu Đức Thanh (26 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) chung thân; Vũ Trần Quốc Long (32 tuổi); Vũ Trần Trọng Hiếu (30 tuổi) 27 năm tù cùng về các tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”. Các bị cáo khác bị phạt mức án từ 17 năm đến 20 năm tù. Riêng bị cáo Nguyễn Tấn Nhiều (SN 1990) bị phạt 1 năm tù về tội Không tố giác tội phạm.
 
Phiên tòa nặng nề khép lại, vị đắng chát của nó có lẽ còn kéo dài...

                                                             
Các bị cáo tại tòa. 
 
Có điều chưa thông trong lập luận của Hội đồng xét xử
 
Sau khi đọc kỹ tường thuật của một số cơ quan báo chí về phiên tòa, tôi suy nghĩ rất nhiều. Ban đầu, tôi đồng ý với các hình phạt mà Hội đồng xét xử đã tuyên vì tôi cũng không muốn có người chết thêm nữa. Tuy nhiên, đến chiều ngày 15/7/2020, tôi đã thay đổi ý kiến khi đọc báo thấy cháu Trần Hoàng Quân, 13 tuổi, trong lúc bảo vệ một nhóm học sinh yếu thế đã bị một nhóm Triệu Văn Sơn (19 tuổi) đánh chết bằng điếu cày tại quán trà sữa ở xã Động Quan, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. 
 
Trong cả hai trường hợp, những bé trai mới 13 tuổi đã hành động để bảo vệ người khác. Ở đây, chúng ta cần đánh giá cao tinh thần hào hiệp và sự dũng cảm của các cháu. Vì thế, chúng ta càng căm tức bọn côn đồ đã là người lớn nhưng hung ác, tàn bạo. Khi xử án, Hội đồng xét xử Tòa Gia đình và Người chưa thành niên cũng cho rằng, hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp giết trẻ em và có tính chất côn đồ. Viện Kiểm sát đã đề nghị tòa tuyên bị cáo Thanh án tử hình.
 
Song, Hội đồng xét xử lại cho rằng, hành vi của Thanh ban đầu không nhằm tước đoạt sinh mạng cháu bé nên không cần thiết phải loại bỏ bị cáo vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội. Do đó, tòa chỉ tuyên phạt bị cáo Thanh mức án chung thân – giảm một mức so với đề nghị của Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, dù chỉ giảm một bậc nhưng bị cáo đã không bị trừng trị ở khung hình phạt cao nhất là tử hình.
 
Tôi muốn hỏi Hội đồng xét xử: Căn cứ vào đâu mà Hội đồng xét xử cho rằng, hành vi của Thanh ban đầu không nhằm tước đoạt sinh mạng của cháu bé?
 
Đương nhiên là mục tiêu ban đầu của nhóm côn đồ không phải là cháu bé, mà là bố cháu. Nhưng với một nhóm đông người, lại mang theo hung khí thì việc cố ý gây thương tích cho người khác là đã rõ. Khi cháu H. cầm ghế đánh trả nhóm côn đồ để bảo vệ bố mình và bị Thanh đâm chết, chứng tỏ Thanh cố ý giết cháu H. để loại trừ nguy cơ bị đánh trả chứ không phải như nhận định của tòa là “không nhằm tước đoạt sinh mangh cháu bé”.
 
Để bảo vệ trẻ em khỏi những cái chết oan uổng, tòa án cần phải cứng rắn và nghiêm khắc hơn nữa. Tội giết trẻ em cần phải phạt ở mức cao nhất.
 

 

Trần Nghiêm/GĐTE