Căn nhà của Vi Văn Mằn (ảnh lớn); Vi Văn Mằn, nghi phạm đã sát hại 4 người trong một gia đình ở bản Phồng (ảnh nhỏ). Ảnh: Cảnh Huệ
Truy tìm dấu vết nghi phạm
Ngày 2/7/2015, gia đình Vi Văn Mằn nhờ một số người trong bản vào rừng kéo gỗ về để dựng lại căn nhà. Bữa trưa đó, bố Mằn tổ chức mời khách dùng cơm rượu ngay ở rừng, cách lán của các nạn nhân bị giết hại trên dưới 300m. Trước bữa ăn, thấy thiếu lá chanh, Mằn chạy đến gần khu vực lán của gia đình anh Lo Văn Thọ hái. Phát hiện Mằn hái lá chanh nhà mình và thấy anh ta giẫm lên rẫy lúa, anh Thọ lên tiếng thì hai bên lời qua tiếng lại. Cạnh đó, có bà Viêng Thị Dương (60 tuổi); Lo Văn Thọ (28 tuổi, con trai bà Dương); Lê Thị Yến (25 tuổi, vợ Thọ) và cháu Lo Văn Chung (hơn 8 tháng tuổi).
Thọ từng nghi vợ mình, chị Lê Thị Yến có quan hệ riêng tư với Mằn. Chị Yến từng có một đời chồng dính vào ma túy, hiện đang thi hành án tại Trại giam số 6 (Nghệ An). Chồng đang ở tù, chị Yến “đi lại” với một người đàn ông ở Tam Hợp, sinh hạ được một đứa con gái đặt tên Như Ý (6 tuổi), Yến gửi con ở nhà bà ngoại và quan hệ với Thọ. Không đăng ký kết hôn, hai người ở với nhau, sinh được bé Lo Văn Chung (8 tháng tuổi).
“Mi lên đây tòm tèm với chị mi chứ hái lá chanh lá chiếc chi!”, anh Thọ nói. Vốn chẳng ưa gì Thọ, Vi Văn Mằn nổi xung. Hai bên cãi nhau, Mằn bật lửa đốt cháy lán canh rẫy của anh Thọ. Gió Lào thổi rát, lá khô bốc cháy rừng rực. Lo Văn Thọ và Vi Văn Mằn lao vào đánh nhau chí tử. Lê Thị Yến thấy hai người đàn ông đánh nhau, vội bồng con chạy xuống phía suối Kèn Tà (bản Phồng). Mằn vớ được con dao phát rẫy của Lo Văn Thọ, nhằm vào đối phương chém tới tấp. Anh Thọ gục xuống. Bà Viêng Thị Dương hoảng sợ bỏ chạy, Mằn lao về phía bà Dương dùng dao hạ sát bà. Lúc này, Lê Thị Yến bồng con chạy xuống gần suối Kèn Tà do vướng rào chắn nên không vượt qua được. Chị ôm con chạy dọc bờ suối tìm đường thoát thân. Vi Văn Mằn như con thú khát máu lao đến, hạ gục hai mẹ con chị Yến.
Sau khi gây án, Vi Văn Mằn theo đường mòn trở về bản Phồng. Giấu con dao đã cướp đi 4 mạng người, Mằn thay quần áo đốt chiếc áo vấy máu hòng phi tang. Chập tối ngày 2/7, y đứng lẫn trong đám đông dân bản đến xem vụ thảm sát, vừa xem vừa nghe ngóng động tĩnh.
Tối cùng ngày, Công an Nghệ An cử một tổ điều tra lên bản Phồng (Tam Hợp) bảo vệ, khám nghiệm tử thi ngay trong đêm. CQĐT khám nghiệm kỹ hiện trường, dấu vết trên người các nạn nhân và lập mô hình thực địa, đưa ra nhận định ban đầu là vụ trọng án xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân. “Án mạng xảy ra nơi rừng núi heo hút, xa khu dân cư, không có nhân chứng, quá trình điều tra gặp rất nhiều khó khăn”, đại tá Nguyễn Hữu Cầu- Giám đốc Công an Nghệ An cho biết.
Căn nhà của Vi Văn Mằn. Ảnh: Cảnh Huệ
Được sự hỗ trợ của lực lượng C45 Bộ Công an và Bộ đội Biên phòng đóng tại Tam Hợp, hàng chục mũi trinh sát do cảnh sát hình sự làm chủ công bí mật tỏa đi các hướng nghi vấn truy tìm dấu vết hung thủ. Từ nguồn tin do ba cháu bé sinh sống tại bản Phồng cung cấp, các trinh sát thu thập thêm chứng cứ, củng cố hồ sơ tập trung vào đối tượng Vi Văn Mằn. Mọi di biến động của đối tượng đều đặt dưới sự kiểm soát bí mật của trinh sát phá án. 16h chiều ngày 19/7, khi chứng cứ được củng cố vững chắc, C45 và Công an tỉnh Nghệ An quyết định “cất vó” tóm gọn nghi phạm tại bản Phồng áp giải về trụ sở Công an huyện Tương Dương trong chiều cùng ngày.
Chân dung kẻ cuồng sát
Sáng 20/7, phóng viên Tiền Phong trở lại bản Phồng. Ông Viêng Văn Ngọ, trưởng công an xã Tam Hợp cho biết, ngày 2/7, sau khi gây án xong, Vi Văn Mằn vẫn về bản và không có biểu hiện gì khác thường. Ngày tổ chức lễ tang cho các nạn nhân, Mằn cũng đến dự. Sau đó 1 ngày thì Mằn bỏ đi đâu đó, vì không nghĩ Mằn là kẻ gây ra vụ thảm án nên chẳng ai để ý. Ông Ngọ cho biết thêm, Mằn sinh ra trong một gia đình người dân tộc Tày Pọong, hoàn cảnh gia đình thuộc diện nghèo của bản, sống khép mình và ít tiếp xúc với mọi người xung quanh. Cách đây 2 năm, bố của Mằn là ông Vi Văn Tiệp đã đứng ra làm mai mối cho anh Lo Văn Thọ lấy chị Lê Thị Yến. Theo phong tục của đồng bào Tày Pọong, anh Thọ phải gọi Mằn bằng chú. Hai gia đình lâu nay sống hòa thuận, không có mâu thuẫn gì.
“Mằn, tính nó hiền, nên khi nó bị bắt ai cũng bất ngờ. Đến giờ này chúng tôi vẫn không ngờ nó lại có thể làm điều ghê rợn như vậy”, chị Vi Thị Vân (SN 1985, hàng xóm của Mằn) kể. Một người khác lên tiếng: “Bố mẹ nó đều ở bản Phồng, nhà nghèo, như bao đứa khác trong bản, Vi Văn Mằn không có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn, chưa kịp lớn đã vào khe suối để mò cua, bắt tép… kiếm sống. Không ai nghĩ rằng Mằn lại man rợ như thế”.
Vi Văn Mằn, nghi phạm đã sát hại 4 người trong một gia đình ở bản Phồng
Sau khi nhận được thông tin hung thủ của vụ thảm sát chính là Vi Văn Mằn, người dân bản Phồng bàng hoàng. Anh Vang Văn Hà, một người trú tại bản Phồng nói: “Ai cũng bất ngờ. Vì không ai nghĩ Mằn là hung thủ nên suốt nửa tháng qua chẳng ai thèm để ý tới nó”. Chị Vi Thị Thủy, một người trong xã Tam Hợp cho hay ban đầu dân bản cứ bán tín bán nghi, nhiều người nghĩ rằng hung thủ từ nơi khác đến để truy sát gia đình ông Bình. Vừa hay tin công an tìm ra kẻ gây ra vụ thảm án lại chính là người bản Phồng, ai nấy càng đau lòng thêm.
Một ngày sau khi Mằn bị bắt giữ, CQĐT đã thu được chiếc quần hung thủ mặc khi gây án; thu giữ con dao Mằn dùng để tước đoạt mạng sống của 4 người. Sau nhiều giờ lấy lời khai, củng cố hồ sơ, nhiều khả năng hôm nay (21/7) nghi phạm sẽ được di lý về trại giam Nghi Kim.
* Tối 19/7, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đã có Thư khen gửi Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Nghệ An. * Sáng ngày 20/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho biết, tỉnh Nghệ An quyết định thưởng nóng ban chuyên án 200 triệu đồng, trong đó thưởng cho lực lượng C45 Bộ Công an 100 triệu đồng và thưởng cho Công an Nghệ An 100 triệu đồng vì thành tích đặc biệt xuất sắc, điều tra làm rõ vụ 4 người trong gia đình ông Lo Văn Bình bị sát hại. |