Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vì một tương lai an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Trận bóng đá giao hữu “Tô cam giấc mơ” nhấn mạnh tầm quan trọng của thể thao trong việc ủng hộ sự đa dạng, bình đẳng và thách thức các chuẩn mực giới có hại. Từ đó, xóa bỏ phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới, gốc rễ của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Trận bóng đá giao hữu “Tô cam giấc mơ” để mọi cá nhân, nam, nữ, trẻ em gái, trẻ em trai và các giới khác được phát huy hết tiềm năng cá nhân và thực hiện giấc mơ của mình.

Trận bóng đá giao hữu “Tô cam giấc mơ” để mọi cá nhân, nam, nữ, trẻ em gái, trẻ em trai và các giới khác được phát huy hết tiềm năng cá nhân và thực hiện giấc mơ của mình.

Ngày 11/11, tại Hà Nội, gần 100 học sinh đến từ Hà Giang và Hà Nội đã có cơ hội được đá bóng, giao lưu cùng các tuyển thủ nữ bóng đá quốc gia Việt Nam dưới sự hướng dẫn trực tiếp từ Huấn luyện viên Mai Đức Chung tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình. 

Trận bóng đá giao hữu “Tô cam giấc mơ” nhấn mạnh tầm quan trọng của thể thao trong việc ủng hộ sự đa dạng, bình đẳng và thách thức các chuẩn mực giới có hại để mọi cá nhân, nam, nữ, trẻ em gái, trẻ em trai và các giới khác được phát huy hết tiềm năng cá nhân và thực hiện giấc mơ của mình. Từ đó, xóa bỏ phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới, gốc rễ của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Caroline Nyamayemombe, Quyền trưởng văn phòng UN Women Việt Nam cho biết: “Trong những năm gần đây, thể thao đã chứng tỏ khả năng to lớn trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Bóng đá nói riêng có thể kết nối cộng đồng, cải thiện sức khỏe, giải tỏa áp lực và kiểm soát những hành vi bạo lực.”

Số liệu thống kê cho thấy bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn là một trong những thách thức lớn tại Việt Nam. Theo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ (2019) của Chính phủ, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Trong khi đó, Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ năm 2020-2021 chỉ ra rằng hơn 68% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực.

Ngoài việc tham gia và cổ vũ cho trận bóng đá giao hữu, các em học sinh tại Hà Nội và Hà Giang còn có cơ hội giao lưu, trò chuyện với các nữ tuyển thủ bóng đá quốc gia Việt Nam như Thanh Nhã, Hải Yến, Vũ Thị Hoa, hai cựu cầu thủ Hiền Lương, Minh Nguyệt và trọng tài nữ FIFA đầu tiên Bùi Thị Thu Trang Họ là những hình mẫu tiêu biểu về phụ nữ trong thể thao Việt Nam, cho thấy tiềm năng không giới hạn của phụ nữ và trẻ em gái.

Các em có cơ hội giao lưu, trò chuyện với các nữ tuyển thủ bóng đá quốc gia Việt Nam.

Các em có cơ hội giao lưu, trò chuyện với các nữ tuyển thủ bóng đá quốc gia Việt Nam.

Bà Miki Nozawa, Trưởng Ban Giáo dục của UNESCO Việt Nam vui mừng ghi nhận sự tự tin khi chia sẻ, giao lưu; niềm vui khi học tập cũng như chơi thể thao và tinh thần hợp tác các em học sinh Trường Dân tộc bán trú TH và THCS Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang. Đây là một trong những trường học đã tham gia tích cực vào Dự án Chúng tôi CÓ THỂ giai đoạn 1 do UNESCO và Bộ GD-ĐT triển khai với sự tài trợ của Quỹ Malala, tập đoàn CJ, phối hợp với Bóng đá cộng đồng Việt Nam FFAV. UNESCO tin tưởng nền tảng này sẽ giúp các em không chỉ theo đuổi học tập bền bỉ vì một tương lai tươi sáng mà còn ươm nên những nhà lãnh đạo nữ tài năng. 

Trận bóng đá “Tô Cam Giấc Mơ” do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Đại sứ quán Na-Uy tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và dự án Football for All Viet Nam (FFAV) tổ chức. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày hành động chấm dứt bạo lực giới (25/11-10/12) của Liên hợp quốc và Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới (15/11-15/12).