Nhắc đến Trung tâm Vì Ngày Mai (Thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội), là nhắc đến một đơn vị điển hình đã có nhiều đóng góp cho công tác thiện nguyện và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, dạy nghề kết hợp tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật: vận động, khiếm thị, khiếm thính, trí tuệ, và các dạng tật khác (có độ tuổi từ 15 đến 35). Đến với Vì Ngày Mai là đến với “ngôi nhà” ấm áp nghĩa tình, ở đó không có sự phân biệt văn hóa, vùng miền, nguồn gốc tật nguyền...
Tạo điểm tựa, thay đổi số phận
Gần đây, tham gia tình nguyện tại Trung tâm Vì Ngày Mai, các bạn trẻ Câu lạc bộ Tình Nguyện Trẻ Học viện Tài chính (Hà Nội) chia sẻ rằng, đã thật sự ấn tượng, nhất là khi cùng làm đồ handmade với các bạn khuyết tật. Với nhiều bạn trẻ, đây là lần đầu tiên chứng kiến từ tờ báo, mẩu bìa, vải vụn, những đôi tay tài hoa của các thành viên Vì Ngày Mai đã làm nên các sản phẩm thú vị là chiếc lọ, cốc, rổ, gối, hộp đựng kim chỉ, tấm lót chân, hay các thú cưng… Đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, mà các bạn trẻ khuyết tật dồn công sức tạo nên có tính thẩm mỹ và sử dụng cao. Ngưỡng mộ hơn, sản phẩm các em làm ra như: hoa lụa, bưu thiếp, tranh sơn mài... đã và đang xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Đức…
Nói về công tác dạy nghề nơi đây, chị Nguyễn Thị Hương - Phó giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai chia sẻ, đã gặp nhiều khó khăn do trình độ văn hóa, nhận thức xã hội, hoàn cảnh gia đình… của học viên thì mỗi người mỗi vẻ. Vì thế trước khi dạy nghề, Trung tâm phải dạy chữ, dạy kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống tập thể, và cả sự tự tin hòa nhập cho học viên. Học viên là những người khuyết tật, mỗi người mỗi dạng tật, người thì yếu về vận động tay, về trí tuệ, người thì không nghe, nói được. Nên, người truyền nghề phải có phương pháp dạy phù hợp cho từng học viên, phải am hiểu, biết xử lý tình huống hiệu quả với từng loại tật… Được vậy mới mong đạt yêu cầu: Học viên đã học thì phải hiểu, phải biết viết, biết đọc, biết ra cử chỉ ký hiệu…, có thế mới cùng sống, cùng học nghề cùng làm việc và giao lưu được…
Theo Phó giám đốc Nguyễn Thị Hương, dạy nghề cho người khuyết tật, để họ cùng ăn ở, học tập và làm việc trong cùng môi trường sống là việc rất khó, đặc biệt với người khiếm thị. Tuy nhiên, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, nếu như dạy người bình thường làm thành thạo một bông hoa chỉ mất 2-3 ngày. Nhưng, với người khuyết tật trí tuệ phải mất hơn 6 tháng. Thế rồi, còn gì hạnh phúc hơn khi thày trồng cây, cây đã cho trái ngọt, còn gì hạnh phúc hơn khi sản phẩm - những cành hoa do người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị làm ra nhìn thật bắt mắt, thật có hồn… Chưa hết, để có được chương trình dạy và học phù hợp luôn là vấn đề nan giải. Dạy gì, để tất cả học viên đều có thể tham gia, rồi khi học xong có tay nghề khá, có việc làm, có thu nhập.
Quan trọng hơn, khi rời Trung tâm các em về hòa nhập cộng đồng luôn có khát vọng vươn lên, có bản lĩnh trong cuộc sống, làm chủ được bản thân, sống lạc quan, tự tin và hòa nhập tốt… Để làm được điều này, việc dạy nghề phải hướng tới sản phẩm đầu ra phải đa dạng, phong phú. Và mặt hàng thủ công quà tặng trở thành tâm điểm khơi gợi cảm hứng, thổi bùng sự sáng tạo trên nền tảng các nghề truyền thống: May, thủ công mỹ nghệ, sơn mài, thêu, mộc, họa, điêu khắc... Nhờ vậy, khi ra trường học viên đều tự tin, có tư duy làm việc không thua kém người bình thường.
Để người yếu thế khởi nghiệp được nâng đỡ và vươn xa
Hệ lụy từ chiến tranh và những vấn đề xã hội (ô nhiễm môi trường, tai nạn, thức ăn độc hại…) khiến số người khuyết tật không ngừng tăng lên trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê, nước ta có khoảng 28 triệu người thuộc diện yếu thế, trong đó số người khuyết tật chiếm tới 9% dân số. Thương Thương là một trong số hàng triệu người khuyết tật Việt Nam, nhưng không chịu khuất phục số phận. Nhiều năm trước, em cùng một số cộng sự quyết tâm lập nghiệp, với mong muốn tạo việc làm cho chính mình và giúp đỡ người yếu thế như mình. Thương Thương mắc bệnh xương thủy tinh không đi, không ngồi được, chỉ cao như bé 1 tuổi. Ngày đầu đến Vì Ngày Mai còn run sợ, bố mẹ em lo lắng: “Chúng tôi không dám đưa con ra đường vì bị dị nghị, xa lánh. Khi bố mẹ già mất đi, con sống thế nào…”. Sau nhiều năm cần mẫn, bố mẹ đưa em đến Vì Ngày Mai, cùng sự nỗ lực vươn lên, em đã thay đổi được nhận thức, số phận để bản thân không thua kém ai. Giờ đây, Thương Thương là một chủ doanh nghiệp, giúp hơn 10 bạn khuyết tật có việc làm ổn định.
Việc làm, với người bình thường đã rất quan trọng. Với người khuyết tật còn quan trọng và đặc biệt hơn rất nhiều. Việc làm không chỉ giúp tạo nên thu nhập, mà còn giúp người khuyết tật tự tin vươn lên, hòa nhập xã hội, được kết bạn, được yêu thương, được xây dựng gia đình hạnh phúc… Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Tổng giám đốc Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tuyết Thái, kiêm giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai cho biết, là một tổ chức từ thiện xã hội, được Giáo sư Nguyễn Tài Thu ra quyết định thành lập cách đây 20 năm, đến nay Vì Ngày Mai đã đào tạo dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 1.600 thanh thiếu niên khuyết tật trong cả nước, trong đó hơn 80% các bạn ra trường đều có việc làm ổn định. Tính đến nay, đã có 6 nhóm tự lực như Vì Ngày Mai ban đầu và 5 doanh nghiệp do các bạn làm chủ, tại đây cũng đang giúp cho khoảng 400 bạn khuyết tật khác có việc làm. Đặc biệt, Trung tâm là cái nôi kết duyên mang lại hạnh phúc cho hơn 70 đôi vợ chồng là người khuyết tật.
Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết cho biết, Ban lãnh đạo Trung tâm đang nỗ lực tiếp tục hỗ trợ các em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, trên tinh thần: Tạo một cơ sở ăn ở và làm việc ổn định cho các em; Phối hợp với các tổ chức hướng nghiệp dạy nghề cho các em; Tìm đầu ra cho các sản phẩm do các em làm ra; Tìm các nguồn tài trợ giúp đỡ cho các em có nghề nghiệp và cuộc sống ổn định. “Tôi rất mong được sự quan tâm giúp đỡ hơn nữa của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, sẽ sát cánh cùng chúng tôi chung tay tạo lập cho các em một môi trường sống thực sự hạnh phúc”, chị Bạch Tuyết bày tỏ.
Tạo dựng được uy tín trong cộng đồng xã hội nói chung, trong lĩnh vực dạy nghề tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật nói riêng, thương hiệu “Vì Ngày Mai” đã, đang ngày một lan tỏa, được khẳng định.