Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vì những mùa xuân phía trước

 
Ô nhiễm trắng
 
Việt Nam là một trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương mỗi năm - đây là nhận định của ông Albert T. Lieberg, Trưởng đại diện Tổ chức Liên hợp quốc ở Việt Nam. Ước tính, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, với con số “khổng lồ” 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm và lượng nhựa tiêu thụ này còn tăng. Theo đó, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.
 
Một điều đáng lưu ý là việc phân loại, thu hồi và xử lý rác thải tại Việt Nam còn rất hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Khoảng 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn ra ngoài môi trường. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí có thể dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng” mà các chuyên gia đã “gọi mặt, chỉ tên”. Chúng ta cũng biết rằng, một chiếc túi nilon nhỏ nhưng phải mất khoảng 100 năm mới có thể phân hủy, một chiếc chai nhựa nhỏ cũng cần khoảng 200 năm mới phân hủy được.
                                                         

Cần hướng dẫn trẻ bỏ rác đúng nơi quy định, tạo thói quen bảo vệ môi trường.
 
Hãy hành động, cứu lấy hành tinh xanh
 
Rác thải nhựa gồm túi nilon, ống hút, cốc nhựa dùng một lần, hộp xốp, chai nhựa… chủ yếu được tái chế từ những sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, một số hóa chất có trong các sản phẩm nhựa này như: chất hóa dẻo, phẩm màu, chì, cadimi… sẽ thôi nhiễm vào thức ăn, sau đó được hấp thụ vào cơ thể người qua quá trình sử dụng. Các hóa chất này tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển não bộ ở trẻ, làm thay đổi mô, biến đổi nhiễm sắc thể, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ luỵ khác cho sức khỏe con người. Tác hạị được chỉ ra rất rõ ràng, tuy nhiên vì lẽ gì mà mối nguy hại ấy có thể tồn tại? Câu trả lời là do thói quen và sự vô ý thức của con người. Thói quen vứt rác bừa bãi, xử lý rác thải thiếu trách nhiệm đã biến những món đồ nhựa tưởng chừng vô hại, trở thành “loài ăn thịt” hung bạo nhất trong hệ sinh thái. 
 
Các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đã “báo động đỏ” tới con người, kêu gọi toàn nhân loại hãy cứu lấy lá phổi xanh của hành tinh, trong đó có các hoạt động loại bỏ dần rác thải nhựa ra khỏi đời sống.
 
Hưởng ứng lời kêu gọi từ các tổ chức UN, NGOs, đóng góp vào các mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững, ngày 9/6/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội và Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa. Tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi mỗi người dân Việt Nam, mỗi cơ quan, tổ chức cùng chung tay “nói không với rác thải nhựa” để bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính bản thân, bảo vệ tương lai thế hệ con cháu chúng ta.
 
Theo đó, nhiều bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nhiệp, cá nhân… đã có những hành động thiết thực để loại bỏ rác thải nhựa, như: Tập đoàn khách sạn Mường Thanh từ tháng 8/2019 đã chính thức thay thế và loại bỏ các vật dụng làm từ chất liệu nhựa/nilon sang chất liệu thân thiện với môi trường như vải, giấy tại hệ thống gần 60 khách sạn trên cả nước.
 
Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đà Nẵng cũng phát động phong trào “chống rác thải nhựa” bằng nhiều hoạt động thiết thực như: 2 ngày một lần, các chị em đến từng hộ thu gom các loại rác có thể tái sử dụng để bán gây quỹ hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo; tổ chức tuyên truyền tại các điểm chợ, khu dân cư về tác hại của túi nilon khó phân hủy đối với môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người. Từ đó, vận động các tiểu thương thay thế túi nilon đựng thực phẩm khó phân hủy bằng túi nilon thân thiện. 
 
Ngày 26/9, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM phát động Cuộc thi viết “Nói không với rác thải nhựa”. Qua cuộc thi, Ban Tổ chức mong muốn tìm ra những ý tưởng, sản phẩm hạn chế rác thải nhựa thông qua các bài dự thi, từ đó kết nối tác giả với các doanh nghiệp, đơn vị để tìm ra mô hình hiệu quả nhất đối với việc hạn chế rác thải nhựa hiện nay…
 
Ngày 23/11, Công ty Mondelez Kinh Đô đã tổ chức Ngày Hội Xanh với chủ đề “Tái chế rác thải nhựa” cho 3.500 em học sinh tại Bình Dương. Chương trình dự định sẽ tiếp tục diễn ra tại miền Bắc, tiếp cận khoảng 1.500 em học sinh tại tỉnh Hưng Yên vào cuối tháng 12/2019.
 
Rất nhiều bộ, ngành, cơ quan, trường học, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cũng đã có các hoạt động “nói không với rác thải nhựa” như tổ chức tuyên truyền, hội thảo, tọa đàm chủ đề liên quan, hay các hoạt động như thu gom rác thải nhựa mang đi tái chế, thay thế các vận dụng nhựa, túi nilon bằng những sản phẩm khác như cốc thủy tinh, ống hút bằng cỏ, mì ống thay ống nhựa, túi vải, túi giấy, túi nilon thân thiện,… đồng thời trồng thêm nhiều cây xanh quanh nơi sinh sống để góp phần bảo vệ môi trường sống trong lành.


Các em học sinh tại Bình Dương tham gia Ngày Hội Xanh với chủ đề “Tái chế rác thải nhựa”. 
 
Mùa xuân phía trước
 
Để đẩy lùi vấn nạn rác thải nhựa, bên cạnh những chiến dịch tuyên truyền thì còn cần đến những hoạt động giáo dục thói quen cụ thể. Bắt đầu từ chính thói quen sinh hoạt trong các hộ gia đình, như hạn chế sử dụng sản phẩm túi nilon, thay vào đó là sử dụng túi giấy; phân loại rác thải sau khi sử dụng; tái chế rác thải nhựa. Đặc biệt, để gìn giữ mùa xuân tương lai thì các bậc cha mẹ cũng như thầy cô giáo cần giáo dục cho con trẻ ý thức và thói quen bảo vệ môi trường và bồi đắp nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên cho trẻ ngay từ mùa xuân này. Hãy nhắc con bỏ rác đúng nơi quy định; không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; cùng người lớn trồng nhiều cây xanh… để mùa xuân phía trước luôn trở nên đúng nghĩa. Mùa xuân tràn ngập màu xanh của hành tinh xanh.
 
 Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Mục tiêu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị.
 

Thúy Hằng/GĐTE