Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Vi phạm bản quyền báo chí: Chuyện dài chưa hồi kết

(Dân sinh) - Những vụ vi phạm bản quyền báo chí diễn ra thường xuyên và khó có thể đếm hết. Nhiều sản phẩm ngay sau khi xuất bản đã bị các trang web, các tài khoản mạng xã hội... tự ý lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không trích dẫn nguồn, dẫn link. Quy mô vi phạm ngày càng phức tạp và tinh vi. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cần có quy định, chế tài bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí một cách hiệu quả...

Vi phạm bản quyền diễn ra tràn lan

Phóng viên ảnh Phạm Nguyễn Phú Thọ (bút danh Phạm Nguyễn, báo điện tử Dân Trí tại TP.Hồ Chí Minh), phát hiện một bức ảnh được chụp trong khu cách ly tập trung Covid-19 tại Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh của mình đã bị sử dụng lại mà không xin phép hay ghi tên tác giả. Anh kể, "hôm đó, tôi đang đi trên đường Đồng Khởi (Quận 1) thì thấy một bức ảnh của tôi chụp trong khu cách ly Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh được trưng bày tại một triển lãm của Thành phố. Lạ hơn nữa là ban tổ chức (BTC) triển lãm đăng tấm ảnh này nhưng không đề tên tác giả và cũng chưa xin phép tôi".

Phóng viên Hữu Long (Tạp chí Du lịch TP.Hồ Chí Minh) cũng cho biết, các tác phẩm của anh thường xuyên bị trang điện tử chuyên về du lịch lấy đăng lại nhưng không liên hệ với anh. Chỉ khi nào anh liên hệ thì các đơn vị này mới thêm tên tác giả và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với tác phẩm được sử dụng…

 Những vụ vi phạm bản quyền báo chí như thế diễn ra thường xuyên, hằng ngày và khó có thể đếm hết. Nhiều sản phẩm ngay sau khi xuất bản liền đã bị các trang web khác, các tài khoản mạng xã hội… tự ý lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không trích dẫn nguồn, dẫn link. Có khi báo vừa xuất bản một phóng sự điều tra độc quyền thì ngay sau đó đã có những trang tin tức trên mạng lấy lại và xuất bản trái phép trên trang của họ để câu view. Thậm chí, nhiều website, fanpage còn giả thương hiệu các đơn vị báo chí chính thống để đưa những thông tin chưa được xác thực.

Vi phạm bản quyền báo chí: Chuyện dài chưa hồi kết - Ảnh 1.

Phóng viên Phạm Nguyễn và bức ảnh bị BTC tại TP.HCM tự ý trưng bày mà không xin phép, không đề tên tác giả

Theo quy định của pháp luật, việc sử dụng thông tin phải tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhưng trên thực tế việc sao chép, rồi tùy tiện chỉnh sửa tít tựa, thêm bớt nội dung là chuyện tràn lan ở các trang thông tin điện tử hiện nay. Trong khi đó, về nguyên tắc, "trang thông tin điện tử tổng hợp phải trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí và ghi rõ tên tác giả, tên cơ quan báo chí, thời gian đã đăng, phát thông tin đó".

Khó xử lý

Mặc dù vi phạm diễn ra thường xuyên và ai cũng nhìn thấy nhưng trên thực tế, việc rà soát, xử lý các hành vi vi phạm bản quyền báo chí lại không dễ dàng. Như trường hợp của phóng viên Phạm Nguyễn, sau khi phát hiện, anh đã tìm cách liên hệ BTC triển lãm và BTC đã có lời xin lỗi. Và việc xử lý cũng chỉ dừng ở lời xin lỗi. "Hướng xử lý của các đơn vị xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay chủ yếu là xin lỗi và bày tỏ quan điểm mong muốn được tác giả thông cảm bỏ qua. Cũng vì nể nang đồng nghiệp, e ngại kiện cáo rồi đưa nhau ra tòa tốn thời gian nên tôi cũng chọn cách bỏ qua", phóng viên Phạm Nguyễn nói.

Còn đối với những đơn vị "mạnh" như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), việc xử lý những vụ việc vi phạm bản quyền dường như thuận lợi hơn. Đơn vị này đã từng yêu cầu 2 công ty bồi thường 500 triệu đồng vì khai thác trái phép phim "Bí thư Tỉnh ủy" và "Chạy án". Đầu năm 2020, VTV cũng yêu cầu một công ty truyền thông bồi thường thiệt hại gần 300 triệu đồng do khai thác trái phép chương trình của VTV trên YouTube…

Tại Diễn đàn "Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí" do Bộ TT&TT tổ chức cuối năm 2020, Tiến sĩ Trịnh Tuấn Thành, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) cho biết: Sự sao chép, đánh cắp bản quyền tác giả xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tinh vi hơn, không chỉ đối với mạng xã hội mà còn phổ biến ở các cơ quan báo chí hiện nay. Tình trạng này đã ảnh hưởng tới môi trường sáng tạo, đầu tư, đặc biệt là đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm còn hạn chế; các chủ thể quyền chưa chủ động áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Theo nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo tuổi trẻ TP.Hồ Chí Minh, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về tình hình vi phạm bản quyền báo chí ở Việt Nam; chưa có số liệu thống kê kết quả xử lý, chế tài vi phạm.

 "Hiện các báo lấy bài của nhau có thể ở dạng xin phép hoặc không xin phép; lấy toàn bộ, lấy một phần, hay chỉ lấy hình ảnh hoặc câu trích. Việc vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí đã gây cho cơ quan báo chí bị thất thu về mặt kinh tế, uy tín, thương hiệu, trong khi đó đối tượng xâm hại không phải đầu tư công sức mà vẫn ngang nhiên hưởng thành quả lao động của các đơn vị nắm bản quyền", ông Trung nói và cho biết: Báo Tuổi trẻ bị lấy nguyên văn hơn 16 nghìn tác phẩm báo chí. Việc lấy lại các tác phẩm báo chí diễn ra rất phổ biến, công khai dưới nhiều hình thức như: Dẫn lại, trích nguồn mà không xin phép. Cùng với vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí, còn có tình trạng vi phạm thương hiệu báo chí, Báo Tuổi trẻ đã đề nghị rút giấy phép 2 trang mạo danh báo Tuổi trẻ...

Tổng Thư ký tòa soạn Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh Đinh Đức Thọ cho biết, trung bình trong 1 tháng, Tổ bảo vệ bản quyền Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh xử lý khoảng 70 - 80 trường hợp vi phạm bản quyền để tổng hợp đề xuất các phương án xử lý theo quy trình, theo từng cấp độ như: Gọi điện thông báo nhắc nhở, gửi công văn đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý... Tuy nhiên, khó khăn nhất trong xử lý vấn đề vi phạm bản quyền đến từ những trang web, tài khoản mạng xã hội "3 không": Không rõ địa chỉ, không rõ người quản lý cũng như cơ quan chủ quản, không có giấy phép. Các trang mạng này tự ý lấy lại sản phẩm báo chí, khai thác sử dụng, nhưng cơ quan báo chí không biết phải liên hệ với ai để xử lý vấn đề bản quyền.

Vi phạm bản quyền báo chí: Chuyện dài chưa hồi kết - Ảnh 2.

BTC triển lãm đã xin lỗi PV Phạm Nguyễn và vụ việc chỉ dừng lại ở đó

Liên kết để bảo vệ bản quyền

Mặc dù Việt Nam đã có hệ thống các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, tuy nhiên tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là đối với các sản phẩm báo chí điện tử. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của các tờ báo, mà nguồn thu nhập từ quảng cáo của các cơ quan báo chí cũng bị ảnh hưởng. Các cơ quan báo chí chính thống sẽ không còn cơ hội tăng nguồn thu nếu việc vi phạm bản quyền tràn lan không được kiểm soát.

Theo Cục Báo chí, để bảo vệ bản quyền tác phẩm của mình, các cơ quan báo chí không thể làm một mình mà cần thành lập một liên minh, trong đó các thành viên phải tôn trọng bản quyền của nhau, thực thi nghiêm Luật Sở hữu trí tuệ và bản quyền báo chí. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí phải nâng cao nhận thức cho phóng viên, biên tập viên về những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền, từng bước chấm dứt hành vi sử dụng nội dung, hình ảnh trong các tác phẩm báo chí của đơn vị khác mà chưa xin phép.

Khi có hiện tượng vi phạm bản quyền, các cơ quan báo chí cần hình thành bộ phận lưu vết những vi phạm, đối chiếu thông tin, có kiến nghị bằng văn bản gửi lên cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý.