Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em khi cấm trẻ em đi học

Do phản đối triển khai dự án Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước, người dân huyện Mê Linh (Hà Nội) đã cho con nghỉ học. Cao điểm có những ngày lên tới hơn 2.000 trẻ không được đến trường. Dù đến thời điểm hiện tại, số lượng học sinh quay trở lại lớp học có chiều hướng tăng. Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho rằng, việc ngăn cản, không cho trẻ em đến trường là vi phạm các quy định của pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng, hành vi trên là trái pháp luật, không nhân văn. Việc phụ huynh ở huyện Mê Linh cho con nghỉ học là không được phép vì các em chưa đủ tuổi công dân. Các em chưa đủ tuổi thành niên nên các em làm gì phải có sự giám hộ của người lớn như cha mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật. Theo quy định hiện hành, việc một số người dân có thể có các hình thức khác nhau để thể hiện chính kiến của mình nhưng không được xúi bẩy, lôi kéo người khác cùng tham gia, đặc biệt với trẻ em.

 "Quyền được đi học của trẻ em là quyền Hiến định, được quy định trong Hiến pháp và các Luật, văn bản dưới Luật. Do vậy, bất cứ ai có hành vi ngăn cản việc đến trường của các em, dụ dỗ các em không đi học để gây sức ép với chính quyền địa phương đều là hành vi đáng lên án vì trái pháp luật, trái với ứng xử nhân văn trong xã hội", ông Phạm Tất Thắng nói.

Vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em khi cấm trẻ em đi học - Ảnh 1.

Trường tiểu học Tam Đồng học sinh đã bắt đầu đi học trở lại.

Ông Thắng cũng cho rằng, để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng này, phải xem xét việc ngăn chặn các em đến trường xuất phát từ đối tượng nào. Nếu từ những đối tượng có chủ đích thì hành vi đó vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. "Nếu các bậc phụ huynh ngăn cản các em đến trường thì dù đó là hành vi trái pháp luật, nhưng cần xem xét các yếu tố văn hóa truyền thống. Do đó, nhà trường, chính quyền địa phương, các ngành các cấp cần phải tích cực vận động, tuyên truyền để các phụ huynh nhận thức đúng về các quy định của pháp luật, về trách nhiệm của mình với con cái, tạo điều kiện cho các em thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập, tạo điều kiện để các em tiếp tục đến trường", ông Phạm Tất Thắng nêu quan điểm.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cũng khẳng định, đây hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về quyền hợp pháp của trẻ em. Việc được đến trường học tập là quyền lợi chính đáng của trẻ em, được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và cả trong Công ước của Liên hợp quốc. Cho nên, dù có bất kỳ vấn đề gì (không phải do thiên tai, bệnh dịch, lý do sức khỏe…) thì không một ai có quyền ngăn cản hoặc ép buộc các con nghỉ học. Bởi vì, khi không đến trường học trẻ em không những không được học kiến thức mới mà còn có thể gây ra những bất ổn tâm lý, ảnh hưởng đến sự trưởng thành và phát triển của trẻ em.

Dưới góc độ bảo vệ quyền trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, nếu có bất cứ vướng mắc gì, phụ huynh có thể nêu ý kiến với cơ quan chức năng để được giải quyết chứ không nên cho trẻ em nghỉ học để gây áp lực. Về phía các cơ quan quản lý, Cục trưởng Đặng Hoa Nam đề nghị cần phải tích cực vận động, tuyên truyền để các phụ huynh nhận thức đúng về các quy định của pháp luật, về trách nhiệm của mình với con cái, tạo điều kiện cho các em thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập, tạo điều kiện để các em tiếp tục đến trường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, những ngày qua, các cơ quan chức năng huyện Mê Linh đã trực tiếp tới các địa phương, đến từng gia đình tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiểu hơn về quyền lợi của trẻ em, dù với bất cứ lý do nào, trẻ em vẫn có quyền được đi học. Nhằm bảo đảm chương trình học cho học sinh, các nhà trường trên địa bàn vẫn duy trì công tác giảng dạy theo thời khóa biểu; bất kỳ học sinh nào cần sự giúp đỡ, đội ngũ cán bộ, giáo viên đều tận tình bổ sung kiến thức cho các em. Cùng với đó, UBND huyện Mê Linh đã báo cáo vụ việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đề nghị Sở hỗ trợ phương án giải quyết hợp lý đối với những học sinh nghỉ học dài ngày, giúp các em nắm vững kiến thức bước vào đợt thi học kỳ 1 năm học 2019 - 2020.

Bà Trần Thị Lan, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh cho biết, 5 trường có học sinh nghỉ học gồm: Mầm non Tam Đồng, Tiểu học Tam Đồng, Trung học cơ sở Tam Đồng (xã Tam Đồng); Mầm non Thanh Lâm A, Tiểu học Thanh Lâm A (xã Thanh Lâm). Ngày 22/11, tổng số học sinh nghỉ học là 1.534 em, trong khi ngày 18/11 có 2.028 em; ngày 19/11 còn 1.991 em; ngày 20/11 còn 1.875 em.