Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vi phạm pháp luật trong sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tăng, hơn 2.500 cán bộ bị xử lý

(Dân sinh) - Số trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước đã tăng, trong đó cá nhân vi phạm tăng đến 128,3%; Chính phủ cũng báo cáo rõ, có 2.735 cá nhân bị đề nghị xử lý, trong đó: Đã xử lý 2.519 người (chiếm 92,1%); đang xử lý 200 người (chiếm 7,31%); chưa xử lý 16 người (chiếm 0,59%).

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa uỷ quyền Thủ tướng ký báo cáo.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa uỷ quyền Thủ tướng ký báo cáo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. 

Đang xử lý 200 cán bộ sai phạm về tài chính, ngân sách

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, số trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước đã tăng, trong đó cá nhân vi phạm tăng đến 128,3%, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin trong báo cáo của Chính phủ vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Báo cáo cập nhật kết quả xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm về tài chính, ngân sách đối với quyết toán NSNN năm 2020 theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2023).

Theo đó, tổng số tổ chức bị đề nghị xử lý 1.444, trong đó, đã xử lý theo kết luận 1.295 tổ chức, chiếm 89,68%; đang xử lý 127 tổ chức, chiếm 8,80%; chưa xử lý 22 tổ chức, chiếm 1,52%.

Về hình thức, kiểm điểm phê bình, rút kinh nghiệm 765 tổ chức, trong đó địa phương 748 tổ chức, trung ương 17 tổ chức; khiển trách 13 tổ chức, cảnh cáo 8 tổ chức.

Báo cáo nêu rõ, kết luận của kiểm toán và thanh tra đối với các tổ chức được kiểm tra, thanh tra là thu hồi số tiền phải nộp ngân sách do chi sai chế độ. Hình thức kỷ luật đối với các tổ chức là kiểm điểm nghiêm khắc tập thể đã làm sai nguyên tắc, một số tổ chức chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc.

Số tổ chức đang xử lý là các tổ chức đến nay chưa nộp đủ số tiền phải nộp theo kết luận của đoàn kiểm toán và thanh tra hoặc đang chuyển cơ quan cảnh sát điều tra thụ lý, chưa có kết luận điều tra. Theo báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương thì phần lớn các tổ chức này sẽ nộp đủ số tiền phải nộp theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán và thanh tra trong đầu năm 2023.

Vẫn theo báo cáo, tổng số cá nhân bị để nghị xử lý 2.735, trong đó đã xử lý 2.519 người, chiếm 92,1%; đang xử lý 200 người, chiếm 7,31%; chưa xử lý 16 người, chiếm 0,59%.

Chính phủ khẳng định, việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra sai phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước đã được thực hiện theo kết luận kiểm toán, thanh tra.

Đáng chú ý là số trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước đã tăng so với niên độ 2019, cụ thể: tập thể từ 640 tổ chức niên độ 2019 lên 1.444 tổ chức niên độ 2020 (tăng 125,63%); cá nhân từ 1.198 niên độ 2019 lên 2.735 cá nhân niên độ 2020 (tăng 128,3%).

Đề nghị chuyển nguồn gần 3.000 tỷ đồng của 17 địa phương

Tại báo cáo, nhắc lại Nghị quyết số 82, Quốc hội đã chấp thuận cho phép 24 địa phương được chuyển nguồn kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 sang năm 2022 hơn 5.016 tỷ đồng, Chính phủ cho biết, đến nay đã nhận đầy đủ ý kiến của 24 tỉnh, thành.

7 địa phương không có nhu cầu chuyển nguồn để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong quyết toán ngân sách năm 2021 và 1 địa phương (tỉnh Hậu Giang) chỉ có nhu cầu chuyển một phần nguồn đã được Quốc hội cho phép. Tổng số kinh phí không có nhu cầu chuyển nguồn của 8 địa phương này là trên 2.079 tỷ đồng.

17 địa phương còn lại có nhu cầu chuyển nguồn toàn bộ hoặc một phần (tỉnh Hậu Giang) với tổng số tiền trên 2.937 tỷ đồng. Trong đó, 14 địa phương đã có ý kiến của HĐND phê chuẩn số chi chuyển nguồn để chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trong quyết toán ngân sách năm 2021 hơn 1.509 tỷ đồng.

3 địa phương, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp số chuyển nguồn kinh phí chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19 vào quyết toán ngân sách năm 2021 với số tiền hơn 1.427 tỷ đồng. Cụ thể: Tỉnh Đắk Lắk hơn 91 tỷ đồng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 944 tỷ đồng, tỉnh Kiên Giang hơn 390 tỷ đồng).

Vì vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tổng hợp số liệu chuyển nguồn kinh phí chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19 của 17 địa phương có nhu cầu vào báo cáo quyết toán  ngân sách Nhà nước năm 2021 với tổng số tiền hơn 2.937 tỷ đồng.

Chính phủ báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho thấy, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.387.906 tỷ đồng, trong đó số thu ngân sách nhà nước theo dự toán là 1.591.411 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2020 sang năm 2021 là 643.406 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2020 là 140.410 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước là 12.679 tỷ đồng;

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.484.491 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách nhà nước theo dự toán là 1.708.088 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2022 là 776.403 tỷ đồng;

Bội chi ngân sách nhà nước 214.105 tỷ đồng, bao gồm: bội chi ngân sách Trung ương là 211.702 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 2.403 tỷ đồng.