Đứng dậy ngột gây chóng mặt có thể khiến nhiều người lo ngại cho sức khỏe của mình.
Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của tình trạng này lại phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gốc rễ của nó, Reader’s Digestdẫn lời bác sĩ Nadia Sutton tại Trung tâm tim mạch thuộc Đại học Michigan (Mỹ).
Chóng mặt sau khi đứng lên quá nhanh rất có thể xuất phát từ vấn đề huyết áp. Khi đứng lên đột ngột, máu vẫn còn dồn xuống phần dưới của cơ thể do tác động của trọng lực và gây hạ huyết áp.
Hiện tượng này gọi là hạ huyết áp tư thế đứng. Huyết áp sẽ giảm đặc biệt ở phần đầu, gây ra cảm giác chóng mặt, bác sĩ Sutton giải thích.
Thông thường, các mạch máu ở phần nửa trên của cơ thể sẽ co lại khi chúng ta đứng dậy, từ đó giúp huyết áp được ổn định. Nếu huyết áp tụt, người bệnh có thể gặp triệu chứng chóng mặt do tuần hoàn máu kém. Hiện tượng này thường chỉ xảy ra chớp nhoáng. Cơ thể sẽ kịp lấy lại cảm giác thăng bằng, hết cảm thấy chóng mặt khi đã kịp điều chỉnh, theo Reader’s Digest.
Ngoài ra, nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến huyết áp như tình trạng mất nước, bệnh tim, sử dụng một số loại thuốc hay cơ thể đang gặp một số vấn đề thần kinh, bác sĩ Sutton cho biết.
Đối với một số người, hiện tượng đứng dậy đột ngột gây chóng mặt có thể liên quan đến tình trạng rối loạn chức năng của các tế bào thụ cảm áp suất. Tình trạng này khiến cơ thể mất khả năng điều chỉnh những thay đổi đột ngột trong huyết áp, khiến hạ huyết áp tư thế đứng tái đi tái lại, theo Reader’s Digest.
Những người hay bị chóng mặt khi đứng dậy đột ngột không nên đứng dậy quá nhanh mà hãy đứng dậy một cách từ từ để không tạo ra sự thay đổi quá đột ngột với cơ thể. Hãy đến gặp bác sĩ để có thể xác định nguyên nhân gốc rễ gây ra hiện tượng này, theo Reader’s Digest.
Một số nguy cơ khi hạ huyết áp tư thế đứng tái đi tái lại là sẽ làm tăng nguy cơ bị ngất xỉu, té ngã, có thể dẫn đến gãy xương ở người già. Nguy cơ đột quỵ cũng sẽ cao hơn nếu việc lưu thông máu lên não thường xuyên bị ảnh hưởng, các chuyên gia cho biết.