Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp với ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên đêm 8 và ngày 9/12, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa đã có mưa to đến rất to như Đà Nẵng 635mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 426.5mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 377.7mm, Quảng Ngãi 149.2mm, Hoài Nhơn (Bình Định) 159.4mm.
Cũng theo ông Lâm, trong đêm 8 và ngày 9/12/2018, các tỉnh phía Nam của Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Bình Định mưa to hơn so với khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế vì tại các tỉnh phía Nam có sự kết hợp của 3 yếu tố gây mưa to đến rất to đó là: Gió Đông Bắc tầng thấp, địa hình và gió Đông đến Đông Nam trên cao bổ sung thêm hơi ẩm. Còn ở khu vực Trung Bộ từ Huế trở ra Thanh Hóa thuần túy là gió Đông Bắc và địa hình. Tại đây trên cao là gió Đông Nam thổi dọc theo địa hình nên hầu như không có tác dụng làm tăng hội tụ ẩm dẫn đến lượng mưa tại Huế có phần nhỏ hơn so với các tỉnh nằm ở phía Nam.
Đà Nẵng khốn đốn vì mưa ngập (Ảnh: Khánh Hồng)
Nước ngập sâu ở đường Hùng Vương, TP Hội An khiến giao thông ngưng trệ trong ngày 9/12. (Ảnh: Công Bính).
Trong 5-7 ngày tới, không khí lạnh sẽ tạm suy yếu và rút lui về phía Bắc trong ngày 10/12 và sẽ được tăng cường trở lại trong ngày 11/12. Do đó, mưa tại các tỉnh ven biển Trung Bộ cũng sẽ giảm và dịch ra phía Bắc, trọng tâm mưa trong đêm 9 và ngày 10/12 sẽ là ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định, trong đó đáng lưu ý khu vực Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
"Từ ngày 12/12, không khí lạnh lại tràn xuống ảnh hưởng tới khu vực ven biển Trung và Nam Trung Bộ và nhiều khả năng mưa to đến rất to trên diện rộng lại lặp lại trong các ngày giữa tháng 12/2018" - Tiến sĩ Lâm nói thêm.