*Nóng chuyện điều hành
Các mặt hàng có kim ngạch XK lớn như thủy sản, gạo, cà phê... trong 4 tháng đầu năm 2015 đều giảm so với cùng kỳ. Trong đó giảm mạnh nhất là cà phê với kim ngạch chỉ đạt 986 triệu USD, giảm 38,3%. Tương tự, thủy sản đạt 1,9 tỷ USD, giảm 15%, gạo đạt 889 triệu USD, lượng XK giảm 0,5%, trị giá giảm 5%. “Dưa thối ngoài ruộng, hành ế trên đồng... thực trạng của nông sản Việt qua câu chuyện của dưa hấu và củ hành trong những ngày qua thật sự là điều đáng lo ngại cho một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam” - TS Đào Thể Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp chia sẻ. Cũng theo ông Anh, hệ thống tổ chức quản lý, điều hành nhà nước về thị trường nông sản hiện nay đang rất lúng túng: Bộ NN&PTNT chủ yếu chỉ quản lý sản xuất, Bộ Công Thương quản lý khâu thương mại, nhưng giữa hai Bộ dường như đứt đoạn, không có sự liên kết.
Cần có cách làm bài bản hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân.
Tại hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp XK, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trần tình: “Bộ Công Thương không thể đi bán vải, bán cá, bán dưa hấu. Điểm mấu chốt trước tiên là khâu chính sách”. Đại diện của Hiệp hội rau quả cho rằng, việc xúc tiến thương mại của lĩnh vực rau quả không đều, không thường xuyên phần nào ảnh hưởng tới việc mở rộng thị trường mặt hàng rau quả. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, thì Nga là một thị trường tiềm năng nhưng việc đưa rau quả vào thị trường này hiện chưa đáp ứng được.
Đồng tình vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề nghị trong bối cảnh thị trường khó khăn, khâu xúc tiến thương mại cần phải được Bộ Công Thương làm quyết liệt và chuyên nghiệp hơn nữa. Bởi nếu xúc tiến thương mại mà chỉ là một gian hàng, trưng bày hình ảnh… sẽ không hiệu quả, cần phải thay đổi liên tục, thường xuyên về cách làm, cả về hình ảnh và thông điệp.
*Tháo gỡ như thế nào?
Trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu nông sản, thủy sản, Bộ Công Thương và các Hiệp hội ngành hàng đã nhất trí đưa ra 4 giải pháp gồm: Thị trường; phát triển sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm; giải pháp tiền tệ tín dụng và giải pháp về tài chính.Theo đó, về giải pháp về thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tập trung đàm phán mở rộng thị trường, tháo gỡ các rào cản về thương mại, kỹ thuật không phù hợp đối với nhóm hàng này trong quá trình đàm phán các FTA; ưu tiên phê duyệt các đề án xuất khẩu thương mại đối với nhóm nông lâm thủy sản thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia theo hướng bổ sung kinh phí và số lượng đề án.Tuy nhiên, về mặt chất lượng, an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp và nông dân nuôi trồng thủy hải sản cần nghiêm túc thực hiện.
Trao đổi về điều này, ông Trần Thành Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty thương mại Sài Gòn SATRA than thở: “Chúng tôi không ít lần rơi vào cảnh bị trả lại các container hàng trái cây, nông sản, phải bồi thường đơn hàng vì bị kiểm tra ra có vấn đề về chất lượng. Khi nông dân, các hợp tác xã đưa mẫu chào hàng với chúng tôi thì chất lượng rất tốt, nhưng khi nhận được đơn hàng lớn thì họ cung cấp hàng không đạt chất lượng như cam kết ban đầu”.
Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa nông dân với nông dân, doanh nghiệp với doanh nghiệp đã ép giá nhiều loại nông sản giảm mạnh, là một trong những nguyên nhân khiến một số mặt hàng XK bị kiện bán phá giá gây ảnh hưởng chung cho cả ngành sản xuất.
Để tháo gỡ, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằn,bản thân các doanh nghiệp cũng phải có sự chủ động hơn nữa trong việc xây dựng mối quan hệ đó. Và rõ ràng chỉ có quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ với người nông dân sản xuất thì mới đảm bảo được sự chủ động của doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu cũng như chiến lược kinh doanh của mình.
Theo TS Đào Thể Anh, trách nhiệm tiêu thụ hàng hóa nông sản thuộc về cả hai ngành là ngành NN&PTNT và Công Thương. Bởi lẽ, trong khi ngành công thương để mặc nông dân, doanh nghiệp “tự bơi” bằng con đường tiểu ngạch mà thiếu đi thông tin chính xác, đa dạng về thị trường tiêu thụ, thì ngành nông nghiệp cũng chưa làm được trách nhiệm quy hoạch vùng sản xuất, sơ chế, bảo quản, kho chứa nông sản...
Do vậy, chừng nào nông dân, doanh nghiệp mà đa phần nhỏ và yếu còn phải “tự bơi” tìm đầu ra cho nông sản mà thiếu vắng vai trò, trách nhiệm khơi dòng của cơ quan quản lý nhà nước, thì tiêu thụ nông sản còn tắc cùng điệp khúc “được mùa, rớt giá” sẽ còn tiếp diễn.