Giải thích về việc này, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, ngay sau khi Formosa (FHS) nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung của Việt Nam, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hà Tĩnh, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan đưa FHS vào chế độ giám sát đặc biệt và nghiêm ngặt để thường xuyên, liên tục kiểm tra, giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của FHS, đảm bảo không để tái diễn sự cố.
Từ ngày 22/7/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh thành lập Tổ giám sát FHS trong việc thực hiện cam kết khắc phục sự cố môi trường tại 04 tỉnh miền Trung. Ngày 26/7/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa 02 Trạm kiểm định môi trường di động vào giám sát việc xử lý nước thải của FHS, tần suất lấy mẫu nước thải tại các vị trí là 03 lần/ngày. Các Trạm kiểm định môi trường di động được vận hành liên tục trong thời gian là 03 năm.
Để đảm bảo việc kiểm soát nước thải, khí thải, chất thải rắn của FHS đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế theo cam kết với Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt nguyên tắc kế hoạch, lộ trình khắc phục hậu quả vi phạm và kế hoạch giám sát môi trường đối với FHS, với thời gian thực hiện dự kiến đến hết năm 2019.
Từ tháng 7/2016 đến nay, cơ chế giám sát đặc biệt FHS đã được thực hiện bao gồm hoạt động giám sát hàng ngày của tỉnh Hà Tĩnh và Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hoạt động giám sát liên tục thông qua các thiết bị quan trắc tự động nước thải, khí thải đã được lắp đặt. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã định kỳ, đột xuất phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan và các nhà khoa học tổ chức các Đoàn kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường đối với FHS.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, kết quả giám sát cho thấy, từ tháng 7/2016 đến nay: nước thải, khí thải của FHS trước khi xả ra ngoài môi trường luôn đảm bảo đạt các QCVN; kết quả quan trắc, đo đạc mẫu nước biển ven bờ, nước mặt tại kênh thoát nước mưa, nước ngầm, trầm tích đáy và không khí xung quanh khu vực hoạt động của Dự án đảm bảo đạt quy chuẩn quy định và phù hợp với giai đoạn trước khi FHS vận hành thử nghiệm Dự án. FHS đã thực hiện phân định các loại chất thải rắn phát sinh để quản lý theo quy định; đã tiến hành hợp chuẩn, hợp quy đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường đã được phân định như tro bay, tro đáy, thạch cao của nhà máy nhiệt điện; xỉ hạt lò cao, xỉ thép của xưởng luyện gang và xưởng luyện thép để làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng... theo quy định của Bộ Xây dựng. Đối với các loại chất thải rắn khác không có khả năng tái chế và chất thải nguy hại phát sinh được FHS chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan khoa học trong nước và quốc tế kiểm tra, giám sát liên tục, định kỳ và đột xuất quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của FHS.