Thưa ông, năm nay đánh dấu 25 năm thành lập World Travel Awards (WTA). Xin ông cho biết, WTA đã ra đời như thế nào?
Tôi khởi đầu World Travel Awards năm 1993, với mục tiêu nhằm công nhận, trao giải và tôn vinh những tên tuổi vượt trội trên khắp các lĩnh vực trong ngành công nghiệp dịch vụ du lịch. Năm nay, chúng tôi kỉ niệm 25 năm ngày thành lập WTA, với sứ mệnh vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu, đó là: tiến tới những chuẩn mực trong ngành bằng cách vinh danh những tổ chức là người dẫn đầu trong lĩnh vực của họ, và để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch theo cách bền vững.
Điều thay đổi có lẽ chỉ là quy mô của chương trình World Travel Awards. Những ngày đầu, chúng tôi chỉ tổ chức mỗi năm một lần, giờ đây, chúng tôi tổ chức trao giải theo vùng địa lý trên năm châu lục với hàng trăm hạng mục xuyên quốc gia và cấp bậc vùng miền. Những tổ chức đạt giải của mỗi vùng sẽ tiếp tục tham gia lễ trao giải lớn nhất được tổ chức hàng năm. Và năm nay, điểm đến được chọn lựa là thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha.
Chúng tôi cũng đã cho ra đời các chương trình kết hợp, để phản ánh sự tăng trưởng của các thị trường ngách trong ngành du lịch. Năm 2013, WTA đã tổ chức giải thưởng World Ski Awards, theo sau đó là giải World Golf Awards và World Spa Awards – mỗi chương trình đều công nhận những tổ chức có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực của họ. Chúng tôi sẽ lập thêm một giải thưởng mới vào năm 2019, hãy chờ xem nhé!
WTA được ví như giải “Oscar của ngành du lịch thế giới” bởi để được trao giải WTA là một vinh dự cho bất kì tổ chức nào trong ngành. 25 năm qua, tiêu chuẩn và quy trình bình chọn các giải thưởng của WTA đã có sự thay đổi như thế nào?
Mỗi năm, World Travel Awards tổ chức một chương trình toàn diện với một chuỗi các giải thưởng được triển khai, nhằm công nhận những tổ chức xuất sắc nhất thuộc các lĩnh vực và sản phẩm quan trọng nhất của ngành công nghiệp du lịch. Các giải thưởng được chia theo ba cấp bậc: quốc gia, vùng và thế giới.
Quy trình bình chọn được thực hiện trực tuyến suốt một năm và truyền thông nhằm khuyến khích sự tham dự bình chọn của du khách trên quy mô toàn cầu. Các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, du khách toàn cầu đều có quyền tham gia bình chọn. Mỗi đơn vị của từng hạng mục giải thưởng nhận được nhiều phiếu bầu nhất sẽ dành chiến thắng.
Năm nay, Việt Nam có đại diện InterContinental Danang Sun Peninsula Resort được vinh danh “Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường nhất thế giới năm 2018”. Điều gì đã khiến khu nghỉ dưỡng này được công nhận toàn cầu với giải thưởng lần đầu tiên được WTA đưa vào hạng mục trao giải?
Sự cống hiến của InterContinental Danang Sun Peninsula Resort nhằm giảm thiểu lượng các-bon thải ra môi trường đã tạo nên một chuẩn mực cho ngành, và tôi vô cùng vui mừng rằng điều đó đã được công nhận bởi cả ngành du lịch và cộng đồng thế giới, bằng những lá phiếu bình chọn cho danh hiệu “Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường nhất thế giới”.
Theo quan điểm của ông thì yếu tố “xanh” quyết định đến chất lượng và cấp bậc của một khu nghỉ dưỡng như thế nào?
Chìa khóa dẫn đến sự ổn định sinh thái chính là việc hợp nhất một chuỗi các hệ thống đo lường nhằm bảo vệ những điểm đến tuyệt đẹp mà chúng ta yêu thích, để truyền cảm hứng cũng như thực thi các giải pháp bảo vệ môi trường. Các khu nghỉ dưỡng xem trọng yếu tố xanh là những khu nghỉ có sự đóng góp nhất định trong việc bảo tồn, có những chương trình đào tạo về môi trường, có sự tích hợp văn hóa…
Một khu nghỉ dưỡng khác của Tập đoàn Sun Group, JW Marriot Phu Quoc Emerald Bay cũng đã đạt được thành quả lớn tại WTA 2018, với 4 giải thưởng. Trong mắt một chuyên gia giàu kinh nghiệm về các khu nghỉ dưỡng như ông, khu nghỉ dưỡng này độc đáo thế nào?
JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay là một khu nghỉ dưỡng vô cùng độc đáo, và cũng là một trong những điểm dừng chân ưa thích của tôi và tôi đặc biệt yêu thích bể bơi hình con sò ở đây. Sự độc đáo trong câu chuyện về Đại học Lamarck chính là minh chứng cho sự tài hoa đầy sáng tạo của Bill Bensley, và vị trí tọa lạc tại bãi biển nguyên sơ của Phú Quốc đưa khu nghỉ dưỡng này thành thiên đường tuyệt vời nhất ở Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!