Sáng 23/3, ông Phan Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Nông, xác nhận, cơ quan này đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam của Công an tỉnh Đắk Nông đối với ông Trần Minh Lợi (SN 1968; ngụ huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) để làm rõ hành vi đưa hối lộ.
Có vai trò đồng phạm
Theo thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng Phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Nông, kết quả điều tra ban đầu cho thấy ông Lợi đã có vai trò đồng phạm, giúp người nhà các nghi can trong vụ đánh bạc đưa hối lộ cho trung úy Lãnh Thanh Bình, trinh sát hình sự Công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.
Ông Trần Minh Lợi (thứ hai từ trái qua) bị dẫn giải lên xe về trại tạm giam
Cụ thể, tháng 1/2016, trong lúc Công an huyện Đắk Mil đang xử lý vụ đánh bạc với 6 nghi can thì trung úy Bình đã liên hệ với người nhà các con bạc gợi ý họ chi tiền nhằm “chạy” để được tại ngoại. Sau đó, 4 người nhà của các nghi can đã đưa cho trung úy Bình 60 triệu đồng. Trong việc đưa hối lộ này, theo Công an tỉnh Đắk Nông, có vai trò đồng phạm, giúp sức của ông Lợi.
Cuối tháng 2/2016, ông Lợi gửi đơn tố cáo hành vi nhận hối lộ của trung úy Bình. Sau khi Công an tỉnh Đắk Nông điều tra, trung úy Bình đã bị khởi tố, bắt tạm giam điều tra về hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can về hành vi đưa hối lộ đối với 4 người nhà con bạc.
Phân tích vụ việc trên, luật sư Hồ Ngọc Diệp, Văn phòng Luật sư Hồ Ngọc Diệp (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, theo quy định của pháp luật, trình tự thủ tục tại ngoại là do cơ quan điều tra đề xuất, Viện KSND phê chuẩn. Trong trường hợp này, trung úy Bình là trinh sát hình sự, không có thẩm quyền giải quyết vụ việc nên bị khởi tố, điều tra hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi là có căn cứ. Đối với vấn đề tại sao không phải là Cơ quan Điều tra Viện KSND Tối cao, mà do Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố trung úy Bình là bởi cơ quan này chỉ khởi tố những nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp, còn trung úy Bình phạm tội thuộc nhóm tội phạm về chức vụ.
Riêng vấn đề dư luận cho rằng, có người bị khởi tố tội đưa hối lộ nhưng không có người bị khởi tố tội nhận hối lộ, điều này cũng bình thường. Người nào hối lộ tiền, vật chất cho người có chức vụ, quyền hạn để làm hay không làm một việc gì có lợi cho bản thân, thì đủ yếu tố cấu thành tội đưa hối lộ, mà không nhất thiết phải có người bị tội nhận hối lộ.
Điều tra thêm nhiều vụ việc
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết, công an tỉnh này vẫn đang tiếp tục điều tra một số vụ việc liên quan đến ông Lợi. Sau khi có kết quả điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk sẽ chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Đắk Nông xử lý. “Việc Công an tỉnh Đắk Nông bắt ông Lợi không ảnh hưởng đến quá trình điều tra của Công an tỉnh Đắk Lắk nên chúng tôi vẫn tiếp tục công việc” - Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi nói.
Một trong các vụ việc mà Thiếu tướng Rơi đề cập có vụ ông Lợi vào nhà ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, gặp chị Doãn Phương Linh (con gái ông Long) để 10 triệu đồng trên bàn, sau đó bỏ về rồi làm đơn tố cáo. Cụ thể, ông Lợi đã đóng giả một giám đốc doanh nghiệp nhập khẩu thuốc ở Hà Nội đến đặt vấn đề làm quen để xin đấu thầu thuốc. Theo chị Linh, trong quá trình nói chuyện, ông Lợi đã để 10 triệu đồng giữa bàn cùng một hộp sữa (chị Linh mới sinh con - PV) nhưng bà không nhận. Tuy nhiên, khi chị Linh chạy vào phòng vì con khóc thì ông Lợi đã bỏ về. Sau đó, chị Linh đã nộp số tiền này cho cơ quan công an trước khi ông Lợi làm đơn tố cáo.
Theo luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng Luật sư Vì Dân - Hà Nội; người hỗ trợ pháp lý cho chị Linh), trong trường hợp này, ông Lợi phạm tội vu khống. Ngoài ra, việc ông Lợi tự tạo ra vụ việc, nhằm “gài bẫy” người khác để tố cáo về hành vi nhận hối lộ (không có thật) rồi sử dụng băng ghi hình, ghi âm đó nhằm đe dọa, khống chế ông Doãn Hữu Long đã có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản.
Trước đây, ông Lợi cũng đã làm đơn tố cáo ông Hoàng Đình Nam (điều tra viên sơ cấp Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) nhận tiền từ người nhà các nghi can trong một vụ đánh bạc khác để tại ngoại. Viện KSND Tối cao đã truy tố Nam về 2 tội: “Nhận hối lộ” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Qua tố cáo, đã xử lý nhiều cán bộ vi phạm
Ngày 28/12/2015, trong vai trò là người muốn nâng hạng bằng lái xe, ông Lợi đã gặp ông Nguyễn Văn Lai (giáo viên dạy lái xe Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên - Đắk Lắk). Ông Lai nhận lời nâng bằng cho ông Lợi từ hạng C lên hạng E và yêu cầu ông Lợi đưa tổng cộng 17 triệu đồng. Sau khi thu thập được chứng cứ, ông Lợi đã làm đơn tố cáo, ông Lai bị thu giấy phép hành nghề.
Một trong những vụ việc “đình đám” có sự tham gia của ông Lợi là vụ ông cùng một số người dân tố cáo nhiều cán bộ Công an huyện Cư Kuin để xảy ra tình trạng buôn bán, tàng trữ gỗ lậu và chạy án trên địa bàn huyện trong thời gian dài. Sau khi xác minh, đầu tháng 3/2015, Công an tỉnh Đắk Lắk đã xử lý tổng cộng 11 lãnh đạo, cán bộ công an huyện này từ mức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đến mức cảnh cáo, cách chức, chuyển công tác.
Ngoài ra, ông Lợi cũng đã lập Facebook Trần Minh Lợi, viết nhiều bài, đăng hình ảnh, clip với hàm ý “chống giặc nội xâm”, “chống tham nhũng”.