Hè đến, trong túi xách đa phần của chị em đều không thể thiếu lọ kem chống nắng và áo chống nắng. Ngay cả khi đi biển, áo, kem chống nắng, mũ, kính cũng là những hành trang không thể không đem đi. Tuy nhiên, dù đã trang bị đầy đủ thì ở các bãi biển ở Việt Nam chỉ vào đầu giờ sáng hay cuối giờ chiều mới chật kín người bởi thời gian đó được tính là giờ “hoàng đạo”, ít ánh nắng nên da không bị đổi màu. Có nhiều chị em sau khi đi biển về lại buồn rầu vì làn da của mình đen đi vài phần. Thế nên một liệu trình chăm sóc da lại được lên kế hoạch.
Đối với phái đẹp Việt, làn da trắng luôn là ước ao của nhiều người. Trong khi đó, người phương Tây thì lại trái ngược, thích làn da nâu, rám nắng. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt này là do quan niệm thể hiện đẳng cấp. Trước đó, khi Tây Âu và Mỹ vẫn chủ yếu có nền nông nghiệp là chính thì làn da rám nắng bị coi là “đẳng cấp thấp” và làn da trắng thời bấy giờ rất được ưa chuộng. Bởi chỉ có những người giàu không phải làm những công việc “phơi nắng” cả ngày. Thế nhưng, khi cách mạng công nghiệp “nổ ra”, lao động xã hội lại chuyển hướng làm việc trong các công xưởng, nhà máy, văn phòng. Và lúc này chỉ có những người có điều kiện tài chính mới có thời gian đi nghỉ tại những bãi biển đầy nắng và gió, khiến màu da trông nâu hơn, bóng khỏe. Lúc này thì làn sóng “da nâu” bắt đầu “lên ngôi”.
Tương tự ở các quốc gia kém phát triển, người thu nhập thấp thường có công việc gắn liền với chuyện “dãi nắng dầm mưa”, do đó làn da luôn sẫm màu. Vì vậy, trong quan niệm truyền thống của người Việt luôn đề cao làn da trắng và lấy đó làm một trong những thước đo vẻ đẹp của người con gái. Trong các câu chuyện cổ tích hay văn thơ từ xưa, các nữ nhân vật chính như công chúa, tiểu thư ngoài các nét đẹp như môi hồng, mắt to thì đều không thể thiếu được làn da trắng hồng.
Cũng vì thế mà các mỹ nữ, người đẹp Việt lúc mới xuất hiện hầu như đều có làn da nâu hoặc “nhuôm nhoam”, nhưng cứ nổi tiếng một thời gian là y như rằng da trở nên trắng bóc. Điều này một phần cũng do làn sóng Hallyu tôn vinh các vẻ đẹp Hàn Quốc với làm da trắng sứ của xứ củ sâm khiến các người đẹp muốn đổi mệnh nổi tiếng đều muốn “thay màu da” trắng sáng.
Trào lưu tắm trắng cũng vì thế mà lan sang cả các cô gái trẻ lẫn các mệnh phụ phu nhân. Ai cũng muốn sửa lỗi của tạo hóa bằng phẫu thuật thẩm mỹ lẫn làm trắng da để có vẻ ngoài hoàn mỹ. Thế nên, chuyện các cô gái xứ nhiệt đới sợ một làn da đen đúa vì nắng là điều dễ hiểu. Nếu có ai dũng cảm tự hào với làn da nâu của mình thì cũng chỉ “đẹp” trong mắt các chàng Tây, nơi chuộng làn da nâu khỏe khoắn, đặc trưng tính địa phương. Thậm chí, không chỉ muốn mình trắng mà các cô gái trẻ bây giờ cũng đề cao vẻ đẹp cao to, sạch sẽ, trắng trẻo của các chàng trai khiến quan niệm “cao to đen hôi” thời xưa trở nên cổ hủ hơn bao giờ hết. Vậy là, trai thanh gái lịch người Việt đều sợ nắng, thứ năng lượng tự nhiên trời cho không phải nơi nào cũng có. Nhưng biết làm sao khi Việt Nam đang hòa nhập thế giới, và luôn khát khao những gì mình không có.