Ảnh minh họa
Theo phản ánh của bà Lê Hà (tỉnh Đồng Nai), tại khoản 3, Điều 94 Luật BHXH quy định mức đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động nhưng tối đa bằng 20 tháng lương tối thiểu chung (1.150.000 đồng x 20 tháng = 23.000.000 đồng).
Nhưng tại Điều 58 Luật Việc làm lại ghi, người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH (với mức tối đa là 20 tháng lương tối thiểu chung là 1.150.000 x 20 tháng = 23.000.000 đồng). Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (vùng 1: 3.100.000 đồng x 20 tháng = 62.000.000 đồng) tại thời điểm đóng BHTN.
Bà Hà hỏi, trường hợp người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định có mức lương 40.000.000 đồng thì tiền lương tháng đóng BHTN là như thế nào? Vì theo tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH với mức tối đa là: 23.000.000 đồng hay theo mức lương thực tế vì mức lương này cao hơn mức tối thiểu chung nhưng lại thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 1 là 62.000.000 đồng.
Trường hợp người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định với mức 25.833.333 đồng/tháng hoặc trên mức này thì mức hưởng tối đa hàng tháng đều bằng nhau (không quá 5 tháng tối thiểu vùng là 3.100.000 đồng x 5 tháng = 15.500.000 đồng). Như vậy không khuyến khích người lao động đóng BHTN với mức lương cao hơn 25.833.333 đồng.
Mặc khác điều này dễ bị các doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh lợi dụng để chiếm đoạt tiền BHTN của Nhà nước vì họ có thể đóng BHTN với mức lương cao trong vòng 1 năm để hưởng BHTN nhiều.
Luật BHXH hiện nay theo hướng không phân biệt lao động trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài quốc doanh (tư nhân). Tại sao Luật Việc làm lại phân biệt lao động làm việc trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài quốc doanh (tư nhân), như vậy tạo sự bất bình đẳng trong xã hội.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời bà Hà như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 Luật Việc làm thì người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn 20 lần tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm đóng BHTN.
Như vậy, người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định có mức lương 40.000.000 đồng; người lao động làm việc tại địa bàn thuộc vùng 1 theo quy định nên 20 tháng lương tối thiểu vùng 1 hiện nay là: 62.000.000 đồng, do đó, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHTN của người lao động này là 40.000.000 đồng/tháng.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Sở dĩ phải khống chế mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là do theo quy định tại Luật Việc làm thì người lao động khi thất nghiệp không chỉ được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp mà còn được hưởng các chế độ khác như: hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; ngoài ra, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm thì “bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.
Trợ cấp thất nghiệp được tính theo nguyên tắc mức hưởng được tính trên mức đóng, do đó, để đảm bảo tính công bằng thì cần phân biệt giữa người lao động làm việc trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài quốc doanh do mức lương tối thiểu của 2 khu vực này là khác nhau.
Trợ cấp thất nghiệp còn được tính dựa trên thời gian đóng BHTN và có sự chia sẻ giữa những người tham gia BHTN. Trợ cấp thất nghiệp chỉ là một trong số các khoản chi từ Quỹ BHTN nhằm hỗ trợ tài chính tạm thời cho phần thu nhập bị mất của người lao động khi bị thất nghiệp trong thời gian nhất định để người lao động ổn định cuộc sống, nhanh chóng tìm được việc làm. Ngoài ra, Quỹ BNTN có sự hỗ trợ của Nhà nước và được Nhà nước bảo hộ, ngoài khoản chi cho chế độ trợ cấp thất nghiệp, Quỹ BHTN còn được chi cho các hoạt động như tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, BHYT, hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Do đó, để đảm bảo sự an toàn của Quỹ BHTN, Luật Việc làm quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp như tại Điều 50 Luật này là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.