Trang tin SCMP cho biết, bộ phim nhượng quyền thương mại của Nhật Bản đã bị chỉ trích vì đưa hàng trăm người xem vào viện.
Vào ngày 16/12/1997, khoảng 4,6 triệu hộ gia đình Nhật Bản đã bật xem một tập phim về Pokemon. Trong một cảnh phim, nhân vật Pikachu đáng yêu của chương trình đã có một "cuộc tấn công sấm sét" và hiệu ứng nhấp nháy trong phim đã khiến một số người xem bị co giật.
"Hơn 520 người, chủ yếu là trẻ em, đã được đưa đến bệnh viện tối qua vì cảm thấy bị ốm" khi đang xem Pokemon, tờ SCMP đưa tin một ngày sau đó. Số người bị ảnh hưởng về sau đã tăng lên gần 700 người.
Một cậu bé nhớ lại: "Cháu đang xem tivi nhưng cháu không thể nhớ bất cứ điều gì khi tất cả kết thúc. Cháu cảm thấy rất ốm". Một người khác thì cho biết: "Tất cả mọi thứ trở thành màu trắng". Một bà mẹ tên Yukiko Iwasaki chia sẻ: “Tôi đã bị sốc khi nhìn thấy con gái của mình bị mất ý thức. Nó chỉ bắt đầu thở khi tôi đập vào lưng nó".
Hình ảnh trong phim khiến hàng trăm trẻ bị ốm.
Một bài báo đăng ngày 18/2/1997, đã viết: "Tập phim gây bệnh này có thể dẫn đến việc kiểm soát chặt hơn truyền hình" do gây ra sự "bùng nổ hiện tượng buồn nôn, run" và "chứng co giật truyền hình". Một bài xã luận cùng ngày cũng đặt vấn đề: phải chăng các bộ phim hoạt hình Nhật Bản quá dữ dội với khả năng xử lý của trẻ em?
Yêu cầu về các cảnh hành động có nhịp độ nhanh đã gia tăng khi các kỹ thuật làm phim hoạt hình được cải tiến, nhưng sự cố trên cũng đem đến một bài học quan trọng: những hiệu ứng hình ảnh có được không phải đều an toàn.
"Trẻ em không xem chương trình này theo cách mà hầu hết mọi người xem truyền hình. Bạn không thể rời mắt khỏi nó mà không bị mất các manh mối thị giác quan trọng", Toshio Okada, một nhà văn chuyên về hình ảnh động cho biết.
Sau vụ việc trên, các hướng dẫn và cảnh báo sức khỏe mới đã được các nhà làm phim và quan chức chính phủ ban hành.