Thời điểm này, các nhà sách, hiệu sách trên địa bàn thành phố Hà Nội đã sẵn sàng chuẩn bị những cuốn sách hay để phục vụ các em học sinh đón đọc trong dịp hè. Tuy nhiên nhiều chủ hiệu sách lo lắng là sách có bán được không khi mà sách đang bị cạnh tranh gay gắt với các loại hình giải trí khác. Phóng viên nhận thấy, các nhà sách, hiệu sách thường bán sách ở tầng 1, còn tầng 2 lại kinh doanh vui chơi cho trẻ em, tầng 2 đông đúc, nhộn nhịp bấy nhiêu thì tầng 1 lại đìu hiu, vắng vẻ bấy nhiêu.
Theo chị Nguyễn Thị Linh, người bán hàng tại Nhà sách Tiến Thọ ở số 36 Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), thời điểm này, sách thiếu nhi được nhà sách nhập về nhiều hơn. “Dịp hè là thời điểm nhà sách sẽ có đông phụ huynh và học sinh đến mua và đọc sách hơn. Còn hiện tại, nhà sách thường có đông khách vào buổi tối, các buổi chiều, và tối thứ 7, chủ nhật. Truyện tranh, truyện cổ tích, sách văn học… vẫn bán chạy hơn các sách khác. Nhưng khách đến với nhà sách thì phần nhiều là đến với khu vui chơi được mở ra ở trong nhà sách”, chị Linh chia sẻ.
Tại nhà sách ADC Book ở số 135A Trần Phú (quận Hà Đông), chị Nguyễn Nhật Hà (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) đưa 2 con, một cháu lớp 5, một cháu lớp 2 đến chọn mua sách. Cầm cuốn truyện Doraemon, chị Hà than vãn: “Ở nhà các cháu mê xem ti vi, điện thoại. Gia đình tôi phải dành thời gian đưa con đến hiệu sách để tạo thói quen cũng như tạo niềm cảm hứng với đọc sách cho con nhưng mọi việc phải tiến hành một cách từ từ, không thể nóng vội được. Đọc sách rất quan trọng cho việc hình thành và phát triển tư duy, trí tưởng tượng của bé nhưng đáng tiếc hiện nay ở các nhà trường và trong các gia đình việc này còn đang bị bỏ bê”.
Theo thống kê của Nhà xuất bản Kim Đồng – “đầu mối” cung cấp sách thiếu nhi của cả nước, các cuốn sách “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Những tấm lòng cao cả”, “Đất rừng phương Nam”, “Quê nội”, “Tuổi thơ dữ dội”, “Những truyện hay viết cho thiếu nhi”… luôn được các em đón đọc, vì thế năm nào Nhà xuất bản cũng tái bản.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng phân tích: “Thực ra số lượng đầu sách tăng lên nhưng số lượng bản in giảm đi. Điều đó cho thấy sự lựa chọn đa dạng của người đọc và cũng cho thấy việc đọc mới chỉ tập trung ở một số thành phố lớn. Trước đây, một cuốn sách chúng tôi có thể in từ 20 đến 30 nghìn bản, còn hiện nay chỉ in từ 2 đến 5 nghìn bản. Như vậy, tính trên số trẻ em thì số lượng đó còn rất khiêm tốn”, bà Liên nói thêm.
Hãy gương mẫu, đọc sách cùng con
Phân tích rõ hơn về việc trẻ em lười đọc sách, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Gen Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012) được định nghĩa là một thế hệ sáng lập, thế hệ đam mê tốc độ, một thế hệ bị ám ảnh với các màn hình, dành nhiều thời gian tương tác với màn hình hơn là tương tác với người trong tình huống thực. Cùng với hội chứng FOMO (sợ bị bỏ lỡ), trường chú ý của Gen Z ngày càng ngắn lại so với các thế hệ trước, thậm chí chỉ chú ý khoảng 8s cho một thông tin họ tiếp cận được. Nó tạo ra một thách thức với văn hóa đọc truyền thống, đọc nghiền ngẫm nội dung để phát triển tư duy phản biện.
Trẻ em lười đọc sách gây ra nhiều hệ lụy mà nhiều bậc phụ huynh còn chưa nghĩ đến. PGS.TS Trần Thành Nam cảnh báo, những khảo sát dịch tễ học gần đây cho thấy tỷ lệ trẻ bị tăng động giảm chú ý thuộc thế hệ Gen Z đã tăng cao hơn so với thế hệ trước (khoảng 11%). Việc ưu tiên tốc độ khiến Gen Z có xu hướng giao tiếp bằng hình ảnh biểu tượng nhiều hơn, từ tin nhắn đến mạng xã hội.
Với các bản tin, họ hình thành thói quen đọc lướt, chỉ đọc các tiêu đề, các từ khóa theo phong cách vuốt xuống liên tục. Chính vì vậy, họ rất dễ dàng hiểu sai hoặc hiểu chệch hướng các nội dung đang được tiếp cận. Nhiều người trở nên quá lệ thuộc vào thiết bị công nghệ và ngày càng yếu hơn trong nhận thức về tình huống xã hội thường nhật… Điều này cũng tạo ra một thế hệ Gen Z dễ vỡ và dễ bị tổn thương bởi các vấn đề tâm lý và sức khỏe tâm thần nhất.
Để hỗ trợ phát triển văn hóa đọc gia đình, tạo cảm xúc và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ, thời gian qua đã có nhiều Câu lạc bộ đọc sách ra đời và đã thu hút được sự quan tâm của các gia đình, như “Đọc sách cùng con”, “Sách ơi mở ra”... Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, điều quan trọng nhất là bố mẹ, thầy cô phải là người gương mẫu đọc sách cùng con cũng như tạo niềm hứng khởi để các con đọc sách. “Trẻ em có tính “bắt chước” rất cao, vì thế khi thấy cha mẹ, thầy cô lướt điện thoại thì trẻ em cũng chẳng tha thiết gì với việc đọc sách”, bà Liên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đó, nhà thơ Lữ Mai cho rằng, ngày nay không thiếu những đầu sách hay nhà sách bố trí thu hút hấp dẫn. Điều đó được chứng minh qua số liệu thống kê xuất bản, giải thưởng cho văn học thiếu nhi, đổi mới nâng cao chất lượng sách và dịch vụ nhưng đó là những nền tảng “cứng” còn nền tảng “mềm” lại thiếu. Đó là sự khuyến khích từ phía gia đình, nhà trường... Chúng ta không thể hy vọng có một thế hệ măng non mê sách khi mà người lớn lại mê mạng xã hội, ôm điện thoại tối ngày thay vì đọc sách cùng con. Hay những nhà trường lịch học dày đặc, không tổ chức được nhiều chương trình khuyến đọc và đôi khi là chính thầy cô lười đọc sách.
Là người có nhiều năm công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng và có nhiều sáng tác văn học cho thiếu nhi, nhà văn Lê Phương Liên cho rằng, muốn trẻ em đọc sách, ngoài sự vào cuộc của gia đình, nhà trường thì cần sự vào cuộc của truyền thông. Trên tờ báo, tờ tạp chí của người lớn cũng nên có góc giới thiệu cuốn sách hay cũng như hướng dẫn cách đọc sách cho trẻ em. “Tất cả thiên tài đều có tuổi ấu thơ rất chăm đọc sách. Nếu không có thói quen đọc sách ngay từ nhỏ thì người đó sẽ mất đi khả năng đam mê đọc sách khi lớn lên. Đó chắc chắn sẽ là thiệt thòi rất lớn với mỗi người”, nhà văn nhấn mạnh.