Trẻ thích cắn vì:
Ngứa răng, ngứa lợi: Nếu bé nhà bạn đang mọc răng thì đừng nổi giận đùng đùng nếu bạn thấy con đang hăng say gặm góc bàn ăn hay “bập” một nhát vào tay mẹ.
Khám phá thế giới: Các em bé không chỉ sử dụng đôi tay để khám phá xung quanh, mà chúng còn thích dùng răng và lưỡi để cảm nhận mặc dù sự trải nghiệm này đôi khi phải trả giá đắt, ví dụ như sưng miệng vì cố cắn một cuốn sách gáy cứng hay bỏng miệng vì cắn một miếng thức ăn vừa mới nấu xong.
Cắn xem người khác cảm thấy thế nào: Đang chơi vui vẻ, trẻ có thể tự dưng chạy ra cắn anh chị của mình một phát để xem nó thế nào nhỉ. Nếu người bị nạn ái lên một cái rõ to thì có khi trẻ sẽ thấy thích thú lắm vì hình như cắn có một tác dụng nào đó.
Cắn để thu hút sự chú ý: Bạn cứ mải nấu cơm để trẻ chơi một mình. Bực mình, trẻ ra gặm chân mẹ một cái để mẹ biết rằng, con đây nè, sao mẹ không chơi cùng con.
Cắn vì tức giận và thất vọng: Trẻ nhà bạn bị một đứa trẻ khác giằng lấy đồ chơi. Nhưng con nhà bạn không thể giằng lại được, ức quá, nó cắn luôn bạn của mình. Trong trường hợp này, trẻ cắn để bảo vệ mình và tỏ thái độ phản đối, tức giận.
Nhưng cho dù trẻ cắn vì bất cứ lý do gì thì cắn không phải là hành vi tốt. Một số trẻ sẽ tự từ bỏ thói quen xấu này khi lớn nhưng nếu được cha mẹ nhắc nhở, trẻ có thể sớm giã từ tật “khủng bố cắn” sớm hơn.