Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vì sông Mê Kông không rác

Dự án "Vì sông Mê Kông không rác – Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ" vừa có buổi tổng kết và chia sẻ kết quả sau 1 được thực hiện bởi Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển Nông thôn (RECERD). Dự án được sự ủng hộ, đồng hành của chính quyền và người dân địa phương thành phố Cần Thơ.

Tàu vận chuyển rác từ cồn Sơn vào bờ để xử lý. Tàu được mua bằng vốn của Dự án và đối ứng của địa phương.

Tàu vận chuyển rác từ cồn Sơn vào bờ để xử lý. Tàu được mua bằng vốn của Dự án và đối ứng của địa phương.

Sau 1 năm được khởi động và triển khai, Dự án đã tổ chức các khóa tập huấn cho người dân về phân loại, thu gom rác thải, các biện pháp giảm rác và xử lý rác thải hiệu quả tại hộ gia đình. Từ đó, giúp người dân thay đổi tư duy, hình thành thói quen xử lý rác thải một cách khoa học, thân thiện môi trường và hiệu quả. Người dân tại hai điểm triển khai dự án làm quen và bước đầu triển khai các mô hình Vòng tròn chuối - ủ phân từ rác hữu cơ và Làm nước tẩy rửa sinh học từ vỏ trái cây. Những biện pháp này hiệu quả, thân thiện môi trường, tiết kiệm chi phí vận chuyển rác cũng như chi phí mua phân bón, mua nước tẩy rửa, được người dân hết lòng ủng hộ.

Người dân cồn Sơn gom rác hữu cơ vào Vòng tròn chuối để ủ phân.

Người dân cồn Sơn gom rác hữu cơ vào Vòng tròn chuối để ủ phân.

Ông Mai Hồng Sử, Bí thư, trưởng khu vực 1 Cồn Sơn, nhận định: “Nhờ các tập huấn về phân loại và thu gom rác thải, người dân đã có ý thức hơn. Trước đây, người dân địa phương thường xử lý rác bằng cách đốt, gây ô nhiễm môi trường. Bây giờ, rác thải được thu gom mỗi tuần 2 lần đưa về nhà máy rác xử lý. Thông qua lớp tập huấn, người dân còn học cách tái chế, tái sử dụng để phục vụ gia đình và làm quà lưu niệm phục vụ du khách”.

Ngoài ra còn các mô hình thu gom nông sản cho bếp ăn từ thiện, thu gom vỏ dừa từ các hộ kinh doanh trên và ven chợ nổi làm chất đốt, hay tận thu phụ phẩm nông sản để chăn nuôi bò sữa, cũng được người dân đồng tình ủng hộ. Đến tháng 4 năm 2023, đã có hơn 30 tấn nông sản được đưa đến các bếp ăn; khoảng 13 tấn vỏ dừa được thu gom làm chất đốt, và 150 tấn phụ phẩm nông sản đã được thu gom và sử dụng hiệu quả cho chăn nuôi.

Cô Nguyễn Thị Bé, tình nguyện viên thu gom rác từ các hộ dân trên ghe dân sinh khu vực chợ nổi Cái Răng.

Cô Nguyễn Thị Bé, tình nguyện viên thu gom rác từ các hộ dân trên ghe dân sinh khu vực chợ nổi Cái Răng.

Tại chợ nổi Cái Răng, rác được thu gom hàng ngày từ các ghe dân sinh. Đến nay, có khoảng 10 tấn rác thải được thu gom từ các hộ gia đình sinh sống trên chợ nổi Cái Răng, trong đó hơn 8 tấn là rác thải nhựa có giá trị tái chế thấp.

Bên cạnh đó, dự án còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hệ thống thu gom rác có giá trị tái chế thấp từ các hộ gia đình tại các điểm triển khai dự án. Tại Cồn Sơn, rác được thu gom 2 lần/tuần, cân xác định khối lượng và chuyển về điểm tập kết rác chung của phường bằng tàu vận chuyển rác được mua từ nguồn kinh phí của dự án và đối ứng của địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, PCT UBND Phường Bùi Hữu Nghĩa, nhận định: “Tại Cồn Sơn và phạm vi sông thuộc phường rất khó khăn trong việc xử lý rác, phương tiện vận chuyển rác. Nhờ Dự án mà trước mắt địa phương đã xử lý được hai khó khăn đó. Việc Dự án tổ chức cho bà con nhân dân và các tình nguyện viên thu gom rác góp phần tạo hiệu ứng trong công tác tuyên truyền, thể hiện rõ trong ý thức, trách nhiệm của người dân Cồn Sơn, tiến tới tạo thành thói quen để bà con giữ gìn môi trường sạch đẹp hơn”.

Ông Tiêu Chí Nguyện, PCT UBND Phường Lê Bình, Quận Cái Răng, chia sẻ: “Dự án và địa phương đã phối hợp với nhau rất hiệu quả. Rất mong Dự án tiếp tục trong thời gian tới để bà con duy trì được thói quen này, và địa phương cũng tiếp tục vận động bà con tiếp tục thực hiện việc này từ kinh phí xã hội hóa”.

Thông qua các hoạt động tổ chức hệ thống phân loại, thu gom và xử lý rác thải, và triển khai các mô hình xử lý rác hữu cơ hiệu quả, Dự án Vì sông Mê Kông không rác – thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ đã góp phần giảm thiểu tình trạng rác thải ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo sức khỏe cho người dân và cải thiện cảnh quan, môi trường sống của người dân.