Sư thầy Thích Hạnh Nhẫn giới thiệu những cuốn sách, tập vở được các nhà từ thiện tặng.
Tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Cầm, Chùa Cầm Sơn (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được biết như là ngôi nhà chung “cứu rỗi” những số phận, những mảnh đời không may mắn. Người cha của ngôi nhà chung là đại đức Thích Hạnh Nhẫn, Trưởng ban hoằng pháp Ban trị sự phật giáo Hà Tĩnh, chánh đại diện phật giáo huyện Cẩm Xuyên trụ trì. Vượt qua 405 bậc thang để lên đến đỉnh chùa, trước sân những đứa trẻ đang ngồi tụng kinh niệm phật, những bát hương nghi ngút khói của những người đi lễ chùa cầu an khiến chúng tôi càng xúc động hơn.
Như một mối nhân duyên, từ thuở bé thầy Hạnh Nhẫn đã gắn liền với câu kinh, giáo lý nhà Phật. Năm 2011, sư thầy thi đậu thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm của Học viện Phật giáo. Khoảng thời gian dùi mài kinh sử ở Hà Thành, thầy thường xuyên hoằng pháp tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ.
Sinh ra và lớn lên tại Phan Thiết rồi cắp sách học ở Thủ đô, nhưng sau khi tốt nghiệp, thầy không trở về quê hương mà trở lại Hà Tĩnh xin ở chùa Cầm Sơn, Cẩm Xuyên. Năm 2006, khi chùa được tu sửa lại thầy Hạnh Nhẫn bắt tay ngay đi tìm lại những mảnh đời đã bắt gặp trong những lần hoằng pháp trước đây. “Ngày ấy nhận con nuôi đứa nhỏ nhất chỉ mới hơn 3 tuổi, đứa lớn gần 19, những đứa trẻ đến với tôi cũng là một cơ duyên. Vào một chiều đông buốt giá, có 3 mẹ con kéo đến chùa xin được xuất gia tu hành nhìn đến tội nghiệp, tôi nhận cậu bé hơn 3 tuổi, cháu gái và mẹ tôi gửi ra chùa Ni ở Hà Nội, bây giờ Đà học tiểu học rồi, tuy ít tuổi hơn các sư đệ nhưng Đà rất ngoan”, thầy tâm sự.
Ngôi chùa thường được các nhà hảo tâm, từ thiện đến tặng quà giúp đỡ với tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều giúp đỡ các em.
Từ đấy, ngôi nhà trên đỉnh núi Thiên Cầm được dựng lên, đã có một trụ cột chính trong gia đình, sư thầy vừa là cha, vừa là mẹ nuôi nấng những đứa con của mình. Giờ đây, ngôi nhà chung có gần 20 đứa trẻ, 5 cháu học trung cấp Phật giáo chuẩn bị liên thông Đại học Phật giáo ở Thừa Thiên - Huế, 3 cháu học THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Dương, Cẩm Xuyên), 2 cháu học THCS Cẩm Nhượng và 6 cháu học tiểu học. Khi nói về những đứa trẻ, sư thầy luôn ánh lên niềm hạnh phúc đầy tự hào, bởi các em đều chăm ngoan, học giỏi, không ngại khó, ngại khổ biết vượt lên số phận, vượt lên hoàn cảnh để học tập tốt.
Được sư thầy dẫn theo lối đường mòn từ đỉnh chùa xuống biển Thiên Cầm, nơi đây cứ chiều về thầy lại dẫn những “tiểu đoàn” con nuôi của mình đi tập bơi, tắm biển. Trong khi những sư đệ đang thích thú với sóng biển, chúng tôi bắt gặp ánh mắt chăm chú của một đứa trẻ đang miệt mài lấy cát giọt hình tháp, Đà tâm sự: “Lên ba tuổi, con được thầy nhận nuôi và chăm sóc như cha ruột, thầy là người con luôn quý trọng, là người cho con ánh sáng và ước mơ. Con mong sao hình tháp này giống như ngôi chùa trong lòng con”.
Trời nhá nhem tối, chúng tôi rời chùa Cầm Sơn, nhìn từ xa hình ảnh sư thầy và những đứa con vẫn đang cười đùa vui vẻ trên bãi cát.