Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Vị thế mới, tầm cao mới

“Thành phố đáng sống”, “trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực miền Trung”, “thành phố trẻ năng động nhất Việt Nam”,…đó không chỉ là những mỹ từ sáo rỗng, mà là sự phản ánh chân thực về tình hình phát triển của TP. Đà Nẵng. Minh chứng rõ nét nhất cho tốc độ phát triển như vũ bão của thành phố bên bờ sông Hàn chính là xét về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Trong 10 năm trở lại đây, Đà Nẵng luôn nằm trong Top đầu về PCI, thậm chí trong những năm gần đây, luôn dẫn đầu cả nước.

*Dấu ấn từ những công trình

          Không thể phủ nhận rằng, TP.Đà Nẵng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế to lớn để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng nếu chỉ có vậy là chưa đủ khi những người quản lý không biết cách khai thác triệt để các thế mạnh này. Và, người Đà Nẵng đã làm rất tốt việc triệt để hóa những thế mạnh đó để biến chúng thành động lực thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của thành phố.

Cầu Rồng, một trong những cây cầu hiện đại bắc qua sông Hàn

          Về phương diện du lịch, TP. Đà Nẵng đã dành sự đầu tư lớn, ưu tiên những vị trí đẹp, những ưu đãi thỏa đáng cho các dự án du lịch quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế, góp phần nâng cao sự hấp dẫn và sức cạnh tranh của du lịch thành phố. Nhiều dự án du lịch lớn đã được đầu tư, đưa vào hoạt động như: Khách sạn Furama, khu du lịch Silversore Hoàng Đạt, Pullman Beach Resort, sân Golf Hòa Hải, Khu nghỉ dưỡng Fusion Maia, Vinpearl Luxury Resort (vượt chuẩn 5 sao), Hyatt Regency, Intercontinental Sun Peninsula Resort, Pulchra Resort, khách sạn Novotel, khu vui chơi giải trí Fantasy Park tại Bà Nà,... Đến nay, thành phố đã có 75 dự án du lịch đã và đang triển khai với tổng vốn đầu tư  8,7 tỷ USD, trong đó 15 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư 1,7 tỷ USD.

          Hạ tầng thương mại cũng được tập trung đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn được đưa vào hoạt động, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân và du khách như: Vĩnh Trung Plaza, Indochina Center, siêu thị Coopmart, Metro, Big C, Lotte Mart, khu siêu thị điện máy Nguyễn Kim, trung tâm thương mại Parkson,…

Trung tâm hành chính TP. Đà Nẵng 

          Công cuộc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị được thực hiện quyết liệt, mang tính đột phá, tạo nên những đổi thay đáng kể cả về tầm vóc, quy mô và diện mạo của thành phố. Các công trình trọng điểm có kỹ thuật hiện đại và tầm cỡ đã được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới như: Hầm đường bộ Hải Vân, Cung thể thao Tuyên Sơn, đường Nguyễn Văn Linh nối dài, đường Trần Hưng Đạo nối dài, đường Võ Chí Công, đường Võ Văn Kiệt, đường nối từ cầu Hòa Xuân và Khu đô thị sinh thái Hòa Quý, đường vành đai phía Nam; các khu tái định cư phục vụ giải tỏa sân vận động Chi Lăng, quần thể du lịch sinh thái Sơn Trà, Bà Nà - Suối Mơ, bệnh viện Ung thư, bệnh viện Phụ sản - Nhi, nâng cấp bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng quy mô 1.100 giường, nhà ga sân bay Quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm Hành chính thành phố, nút giao thông khác mức ngã ba Huế, và một số dự án đang triển khai như: Khu công nghệ cao, công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, sân vận động Hòa Xuân, đường vành đai phía Nam (giai đoạn 2), khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi,... Nhiều cây cầu hiện đại cũng được xây dựng nối liền hai bờ sông Hàn như: cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Tiên Sơn, cầu Cẩm Lệ, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Hòa Xuân...

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đà Nẵng còn được biết đến là thành phố có tốc độ xây dựng, chỉnh trang đô thị nhanh và hiệu quả. Nổi bật từ năm 1997-2010, thành phố đã thực hiện di dời và bố trí tái định cư cho hơn 95 nghìn hộ dân. Các khu ổ chuột ven hồ Thạc Gián-Vĩnh Trung, dãy nhà chồ bờ đông sông Hàn đã không còn, nhiều tuyến đường được xây mới, mở rộng nối các điểm đầu thành phố lại gần nhau hơn.

 Song song với đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, UBND TP. Đà Nẵng cũng quan tâm xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách linh hoạt, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Công trình nút giao thông khác mức ngã ba Huế vừa được khánh thành đưa vào sử dụng nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng.

*Trung tâm kinh tế, văn hóa của miền Trung

40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 2015), trải qua các chặng đường xây dựng và phát triển, lãnh đạo và nhân dân TP.  Đà Nẵng đã chung sức, chung lòng, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa thành phố phát triển đạt được nhiều thành tựu to lớn và đáng tự hào.

Trong 10 năm sau giải phóng (1975-1985), kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các ngành sản xuất công nghiệp và thương mại. Tuy nhiên, nền kinh tế còn mang tính sản xuất nhỏ, chủ yếu là gia công dựa vào nguyên liệu nhập khẩu, trình độ trang thiết bị lạc hậu, năng suất lao động thấp,…

Ngày 1/1/1997, TP. Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới. Giai đoạn 1997-2010, kinh tế - xã hội của thành phố phát triển có tính đột phá, tạo được thế và lực, cũng như xác lập được vị thế trong cả nước, khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, giai đoạn 2011-2015, trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được của giai đoạn trước, TP. Đà Nẵng tiếp tục xây dựng, phát triển thay đổi tích cực diện mạo đô thị, quan tâm giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, môi trường. GDP giai đoạn 2011-2015 ước tăng bình quân 9,7%/năm; thu thập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 56,1 triệu đồng/người, gấp 1,5 lần so với năm 2011; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 9,4%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp với tỷ trọng dịch vụ, thuế nhập khẩu năm 2015 ước đạt 61,6%, công nghiệp - xây dựng 36% và nông nghiệp 2,4% và từng bước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ và tỷ trọng hàm lượng kỹ thuật, công nghệ trong các ngành sản xuất.

Từ năm 2005 đến năm 2013, TP. Đà Nẵng luôn xếp hạng “tốt” hoặc “rất tốt” về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, dẫn đầu cả nước trong 4 năm 2008 - 2010-2013-2014; trong 6 năm liên tục (2009-2014) TP.Đà Nẵng cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế hạ tầng, TP. Đà Nẵng còn được biết đến là địa phương ban hành nhiều chính sách mang đậm tính nhân văn, nhiều giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, được người dân tin tưởng và ủng hộ....