Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Việc học của con nhà giàu

 Ảnh minh họa KT


Từ câu chuyện của người giúp việc…


Chị nhờ tôi cài đặt lại nhạc chuông chiếc smartphone vừa được gia chủ tặng, trước đó chị dùng điện thoại cục gạch nên hoàn toàn mù tịt về công nghệ. Tôi trông con chơi ở khu vui chơi tòa nhà, còn chị trông cháu bé 5 tuổi, con ông bà chủ. Bỗng nhiên chị cởi mở, nhà chị ở Chương Mỹ, chị ở với gia đình này hơn một năm rồi. Nhà nó giàu lắm, có công ty buôn bất động sản. Giữa lúc bệnh dịch mà nhà nó mua một lúc 10 căn biệt thự Vinhome Osean Park, nhìn xuống hồ. Chao ôi! Tôi làm cho nhà nó lương tháng 6 triệu nhưng mẹ nó hay cho thêm lắm. Tháng dịch vừa rồi cho thêm 4 triệu. Mẹ nó thì trẻ xinh, diện lắm, nhưng chả biết dạy con gì cả. Tôi về nhà có 3 ngày nghỉ lễ mà khi ra, thấy thằng bé lớp 6 ngồi chơi game, mẹ nó mang thức ăn vào tận phòng cho nó ăn, còn phải dỗ dành nó mới chịu ăn cho. Tôi bảo không được, cứ chiều như thế, bố mẹ đi cả ngày, ở nhà tôi không quản được. Nếu đã tin tưởng tôi trông con thì phải để tôi dạy dỗ chúng nó nữa. Tôi chỉ dạy những điều tốt thôi. Ăn cơm phải ra bàn ăn ngồi. Giờ ăn thì không điện thoại. Ngồi ăn cũng phải ngay ngắn, ăn chậm rãi từ tốn, chứ chúng nó giờ cứ cắm đầu cắm cổ ăn không ngẩng mặt lên, món gì thích thì ăn lấy ăn để, còn món khác không thích là không đụng đũa, bố mẹ cũng kệ. Tôi dạy cho biết cách ăn, cách nói đấy. Nói trống không là tôi không làm theo, bao giờ nói đủ chủ ngữ vị ngữ thì mới được. Giờ bố nó tin tưởng tôi lắm rồi, giao hẳn tôi dạy chúng nó đấy.


Tôi hỏi chị: Thế nhà họ có thuê gia sư về dạy con không? Chị bảo: Có chứ, chiều con như thế mà không thuê gia sư thì chúng nó biết gì. Đứa đầu thì đi học lớp 10 ở Úc rồi, đứa con trai giữa thì đang lớp 6 đấy. Tối nào cũng gia sư dạy cả 3 môn Văn, Toán, tiếng Anh. Còn con bé này sang năm vào lớp 1, chắc cũng thế!


… đến việc học của con nhà giàu


Câu chuyện của chị giúp việc gợi cho tôi những suy nghĩ về việc học của trẻ em trong các gia đình giàu có thời nay. Gia đình ấy cũng như nhiều gia đình giàu có khác mà tôi biết, đã cho con vào học ở những trường học phí cao ngất đã đành, lại không nhà nào không có gia sư. Cha mẹ bận công to việc lớn, gia sư trở nên cần thiết như một người lo lắng, cai quản, dạy dỗ, giám sát toàn bộ việc học của con cái họ.
Ra bể bơi, tôi trò chuyện vu vơ với vài bà mẹ trẻ trông con đi bơi, nhà họ cũng có gia sư. Bạn tôi hai đứa con tiểu học, cũng 3 gia sư để dạy Văn – Toán và tiếng Anh.


Con gái tôi là sinh viên, lịch gia sư kín các buổi tối và ngày nghỉ. Tôi thường xuyên hỏi chuyện con gái xem bọn trẻ con nhà giàu học hành như nào, cách thức bố mẹ chúng quan tâm dạy chúng ra sao. Vì tôi cũng đang nuôi con lớp 2, cần những góc nhìn khác để tham chiếu cho việc dạy con của mình. Con gái tôi xác định với em trai lớp 2 ở nhà: “Em tự học đấy nhé, thỉnh thoảng chị sẽ kiểm tra kiến thức nghiêm túc đấy”, và nói thật là thằng bé “hơi hãi” mỗi lần bị chị “sờ đến”.


Hóa ra, việc học của con nhà giàu bây giờ phức tạp và kỳ công hơn tôi tưởng rất nhiều, nhưng có thể cũng vẫn lỏng lẻo. Có lẽ vì hoàn cảnh mình không giống họ nên mình có lựa chọn khác, đơn giản gọn gàng ít tốn kém hơn, để con “tự bơi” là chính và mình chỉ giám sát, nhắc nhở, hỗ trợ khi con cần. Còn việc học của con nhà giàu, nó phức tạp, kỳ công thật sự. Phải thuê đến mấy gia sư cho mấy môn chính, lương gia sư không hề thấp, thời lượng dạy và học nhiều, nhà đông con thì mỗi đứa lại gia sư khác nhau. Kết quả thế nào cho mọi trường hợp thì tôi chưa biết rõ, nhưng tôi nghĩ, ở đây việc tưởng chặt chẽ, quy củ mà vẫn lỏng lẻo và chưa chắc đã hiệu quả. Vì giao phó cho gia sư, các con vẫn thiếu sự sát sao quan tâm của bố mẹ, các con trở nên ỷ lại, mất khả năng tự học; chỉ học khi đến giờ gia sư đến, bài tập gia sư hướng dẫn làm, khả năng suy nghĩ và tìm tòi của các con chắc chắn giảm sút. Trong khi ở trường thì áp lực thành tích khiến nhiều khi có cả điểm ảo, cha mẹ ngày nay mà chỉ nhìn vào điểm số của con ở trường thì chưa chắc đã biết thực chất trình độ con mình thế nào.


Tôi hỏi một phụ huynh là con gái tôi dạy cho con cô ấy có được không? Bọn trẻ thích học không? Cô ấy trả lời, con em thì dễ lắm vì nó quen từ bé đã học gia sư rồi, ai dạy nó cũng được, cứ đến giờ, gia sư đến là ngồi vào bàn học. Tôi hiểu mức độ quan tâm của cô ấy đến việc học của con không đến nỗi khắt khe như tôi. Cô ấy lại bảo, con em học vừa vừa thôi, không cần giỏi, mình có giỏi đâu mà đòi con giỏi (cười).
Một phụ huynh khác thì kể nhà cô có gia sư đã 3 năm nay, ngày nào cũng đến tầm 3 tiếng buổi tối, vừa trông vừa dạy hai đứa nhỏ, tiện bữa thì ăn cơm luôn. Tôi bảo thế thì vất vả nhỉ, mình tưởng kèm một thời gian, con vững vàng hơn, có thể tự học được thì thôi chứ, cứ gia sư mãi con sẽ ỷ lại? Nhưng cô ấy nói, không chị ạ, con em học được, điểm Văn – Toán tốt, chỉ tiếng Anh hơi kém. Dường như cô không hiểu ý tôi lắm, còn tôi hiểu là đối với cô, khoản đầu tư không quan trọng, con cô ấy có điểm tốt là được. Và cứ thế, không lẽ con không có khả năng tự học mà gia sư sẽ đi theo suốt thời đi học của con?!

 Ảnh minh họa KT


Không nên để con mất ý thức về nhiệm vụ học tập


Khi con tôi học lớp 10, bị điểm 2 thi học kỳ môn Toán, tôi quyết không xin cô giáo nâng điểm lên cho con dù được cô “gợi ý”, mà thuê gia sư về dạy con. Nhưng tôi yêu cầu con cam kết, chỉ 3 tháng để bồi đắp kiến thức thiếu hụt, rồi con phải tự học để đạt điểm mong muốn, vì tôi biết con có năng lực, chỉ cần cố gắng hơn là được, chứ tôi không có điều kiện thuê gia sư mãi. Cô gia sư cách nhà tôi 20 cây số, yêu cầu tôi trả 300 ngàn cho 2 tiếng đến dạy, tuần 3 buổi. Sau 3 tháng, tôi mất chục triệu lương gia sư, nhưng con tôi đạt 7,75 điểm Toán và việc học gia sư dừng ở đó.


Tôi hơi ngạc nhiên về việc các gia đình thuê gia sư triền miên cho trẻ ngay từ lớp 1 và cứ thế kéo dài. Học phí ở trường đã cao, lại học thêm tiếng Anh ở các trung tâm, rồi lương gia sư… Nhưng có thể người có điều kiện họ lại suy nghĩ khác. Giao con cho gia sư khiến cha mẹ rảnh rang, có thời gian cho những công việc khiến họ thu được nhiều lợi nhuận, nên đó là cách họ lựa chọn chăng?


Đành rằng có điều kiện thì đầu tư cho con, đó là quyền của mỗi người. Nhưng tôi chỉ nghĩ, phụ thuộc vào gia sư lâu dài, con gần như mất ý thức về nhiệm vụ học tập, không có khả năng tự học, không phát huy năng lực sáng tạo của bản thân, vậy đó có phải mục đích của giáo dục?

Thiên Trang/TC GĐ&TE