Du học tại Vũ Hán vừa trở về Hà Nội cách đây 8 ngày, L.P.T (20 tuổi, ở Hà Đông) sống trong vùng được Chính phủ Trung Quốc thông báo là an toàn, nhưng 4 ngày trước bắt đầu sốt không rõ nguyên nhân, đau rát họng, ho khan, kiểm tra cúm A, B và sốt xuất huyết đều âm tính. Hiện nữ sinh nghi viêm phổi cấp do coronavirus đang được cách ly và đợi kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Trong khi đó, TP HCM đã phát hiện 2 người Trung Quốc dương tính với coronavirus là hai cha con đến từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, hiện đang được cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trước diễn biến của bệnh viêm phổi cấp do coronavirus , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra công điện khẩn yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương công tác phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo tổ chức kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu, bao gồm đường bộ, đường thủy và đường hàng không.
Nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải lập tức tổ chức cách ly, quản lý kịp thời, có phương án đáp ứng phù hợp, hiệu quả với tình hình dịch bệnh.
Các chuyên gia đánh giá hiện là thời điểm dịch bệnh dễ xâm nhập vào Việt Nam do điều kiện thời tiết nồm ẩm thuận lợi cho virus sinh sôi và trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, lượng khách du lịch đông.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế và các bệnh viện bổ sung thiết bị y tế và vật tư, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh ở mức cao nhất. Các khu vực khám bệnh di chuyển theo đường một chiều nhằm hạn chế nguy cơ lây lan bệnh dịch. Bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cấp cứu ví dụ máy thở, ECMO và vật tư để sẵn sàng hành động nếu có dịch xảy ra.
Những người trở về hoặc tới từ vùng dịch và có biểu hiện sốt, cúm đều được cách ly ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam. Mẫu xét nghiệm của các trường hợp nghi mắc viêmphổi cấp do nCOV sẽ được gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các đơn vị liên quan.
Bệnh viêm phổi do nCOV bùng phát tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đây là bệnh lây theo đường hô hấp. Nguồn lâynCOV từ động vật và có bằng chứng rõ ràng bệnh lây từ người sang người. Người nhiễm nCOV sẽ ủ bệnh trong 14 ngày sau đó bị sốt và có biểu hiện giống với bệnh cúm thông thường. Tới khi khởi phát, nCOV gây viêm và tổn thương phổi rồi khiến bệnh nhân tử vong.
Hiện chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh viêmphổi cấp do nCOV, các bác sĩ chủ yếu điều trị triệu chứng. Bệnh có tỷ lệ tử vong từ 3-4%, thấp hơn nhiều so với các dịch bệnh khác như SARS, Mer-COV, cúm A (H7N9).
Bệnh viêm phổi do nCOV bùng phát tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay đã có hơn 570 người dương tính, 17 trường hợp tử vong. Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore đã phát hiện có người mắc bệnh.
Các triệu chứng khi nhiễm virus corona
Các chủng virus này khiến con người sinh bệnh, thường là các bệnh liên quan tới đường hô hấp trên ở mức từ nhẹ tới trung bình, tương tự như chứng cảm lạnh thông thường.
Các triệu chứng biểu hiện của nhiễm virus corona gồm chảy nước mũi, ho, đau họng, có thể đau đầu và sốt. Các triệu chứng này có thể kéo dài trong vài ngày.
Với những người có hệ miễn dịch yếu, người cao tuổi và trẻ em, có khả năng virus corona còn gây các bệnh liên quan đường hô hấp dưới như viêm phổi hay viêm cuống phổi.
Đã có một số chủng virus corona lây sang người đáng sợ. Đó là virus Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) lần đầu tiên phát hiện tại Trung Đông năm 2012. Virus này cũng gây ra các vấn đề về hô hấp, nhưng những triệu chứng nghiêm trọng hơn nhiều. Cứ 10 người nhiễm virus này lại có từ 3-4 người chết, theo dữ liệu của CDC (Mỹ).
Trong khi đó, virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) là một chủng virus corona khác có thể gây những triệu chứng nghiêm trọng hơn. Chủng virus này được phát hiện lần đầu tại tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Chủng virus gây bệnh SARS không chỉ gây ra những vấn đề về hô hấp mà còn có thể gây tiêu chảy, mệt mỏi, thở gấp, suy hô hấp, suy thận. Tùy theo tuổi người bệnh, tỉ lệ tử vong vì SARS rơi vào khoảng từ 0-50% số ca nhiễm, những người càng lớn tuổi thì nguy cơ càng cao.
Cách thức lây lan
Các chủng virus corona có thể lây nhiễm qua tiếp xúc giữa người và vật. Các nhà khoa học cho rằng dịch MERS khởi đầu từ loài lạc đà, trong khi đó các nhà khoa học nghi cầy hương là loài vật làm dịch SARS bùng phát.
Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.
Virus này cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân đôi khi cũng bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh, theo CDC (Mỹ).
Phòng bệnh do virus corona gây ra
Hiện chưa có vắcxin phòng ngừa virus corona. Các thử nghiệm vắcxin phòng chủng virus gây bệnh MERS vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Để phòng tránh bệnh, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo các biện pháp dự phòng cá nhân, tránh tiếp xúc với người đang bị viêm phổi cấp/viêm đường hô hấp cấp, thường xuyên rửa tay sạch, trong trường hợp bắt buộc tiếp xúc với người có ho, hắt hơi nên đứng/ngồi song song thay vì đối diện và khoảng cách tối thiểu là 2m.
Nếu bạn là người bệnh, hãy ở nhà và tránh đám đông, tránh tiếp xúc với những người khác. Che miệng và mũi khi ho hay hắt hơi. Khử trùng các vật dụng và bề mặt đồ dùng bạn chạm vào để tránh lây bệnh cho người khác.