Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Viết cho thiếu nhi - cần lắm sự đầu tư của các tác giả trẻ

Lâu nay, văn học thiếu nhi đang có những khoảng trống khó bù lấp: thiếu những tác phẩm chạm tới “góc khuất” của lứa tuổi “nổi loạn”, thiếu tác phẩm giả tưởng, thiếu truyện viết về trẻ mầm non hay tâm tư của trẻ trong thời kỳ cách ly do Covid-19… Do đó, cần lắm sự đầu tư của các cây viết trẻ để tạo ra nhiều cuốn sách mang giá trị nhân văn và giàu tính giáo dục.

Nhà văn Trần Đức Tiến chia sẻ, giao lưu với các độc giả.

Nhà văn Trần Đức Tiến chia sẻ, giao lưu với các độc giả.

Văn học cho thiếu nhi chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ

Hiện nay, trẻ em hiểu biết về thế giới hơn nhờ Internet nên đòi hỏi cũng cao hơn, vì thế những sáng tác văn học cho thiếu nhi, về thiếu nhi vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, chưa cập nhật đời sống của con trẻ. Cùng với đó là số lượng tác phẩm văn học thật sự xuất sắc do các nhà văn trong nước viết cho thiếu nhi vẫn rất hiếm hoi.

Em Hương Thi (học sinh lớp 9, Hà Nội) bày tỏ mong muốn có bộ sách viết về lứa tuổi teen, tuy nhiên không phải viết theo “lối mòn” về sự ngây thơ trong sáng hay chỉ đơn thuần là những điều liên quan đến tuổi thơ, mà là viết về những “góc khuất” của tuổi mới lớn, như những áp lực về chuyện học hành, áp lực từ gia đình, cha mẹ, những mong muốn được khẳng định mình, được “nổi loạn” và cả những vấp ngã đầu đời. Theo Hương Thi, nếu có cuốn sách như vậy sẽ rất tốt, giúp các bạn cảm thấy được sẻ chia, đồng cảm và không đơn độc, từ đó có thêm động lực vượt qua những khó khăn của tuổi mới lớn.

Bên cạnh đó, không ít em nhỏ cũng rất thích đọc truyện giả tưởng như Harry Potter, những vấn đề về tâm lý cuộc sống của những con vật trong tự nhiên… Ðó là những gợi ý cho các nhà văn, nhà thơ quan tâm đến sáng tác cho thiếu nhi.

Nhà văn Thùy Dương cho rằng, mong muốn của các độc giả nhí là điều mà rất nhiều nhà văn đang trăn trở, bởi văn học cho thiếu nhi hiện nay hầu hết chỉ nhắc tới những mảng sáng, những điều tốt đẹp của lứa tuổi này mà quên rằng các em đang phải đối diện với nhiều thiệt thòi khi người lớn vô tình tạo áp lực, đặt quá nhiều kỳ vọng khiến các em không còn thời gian vui chơi, làm những điều “trẻ con” như những thế hệ trước. Nhà văn Thùy Dương cũng chia sẻ sẽ đề cập đến vấn đề này nhiều hơn trong cuốn sách tiếp theo của mình.

“Nhà văn phải suy nghĩ nhiều hơn về viết gì và viết như thế nào cho thiếu nhi, bởi vẻ đẹp của câu chữ sẽ làm nên sự sâu sắc trong tâm hồn trẻ em”

Nhà thơ, TS. giáo dục Nguyễn Thụy Anh.

 

Tác giả nổi tiếng với nhiều tập truyện dành cho thiếu nhi - nhà văn Trần Ðức Tiến cho hay: Trong các đề tài viết cho thiếu nhi, tôi thấy hiện đang thiếu nhất là mảng truyện giả tưởng. Thời gian gần đây, những truyện sinh hoạt - chuyện có thật hàng ngày chiếm tỷ lệ lớn. Tất nhiên, đề tài này cũng hay, nhưng tính kích thích trí tưởng tượng cho trẻ em không nhiều.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thừa nhận, lâu nay, các nhà văn ít viết về văn học thiếu nhi. Vốn quen viết về những vấn đề lớn của thời đại, của xã hội, nên khi chạm vào văn học thiếu nhi thì họ lúng túng. Họ mang vào trang viết cho thiếu nhi sự cồng kềnh của người lớn, trong khi cần sự trong sáng, ngây thơ, trí tưởng tượng phong phú và kỳ diệu. Vì thế, chúng ta chờ đợi một thế hệ mới, trẻ trung và sáng tạo hơn. Tôi muốn kêu gọi các nhà văn hãy dành một phần tư quỹ thời gian sáng tác để viết cho thiếu nhi. Không cần phải đề tài gì lớn lao mà hãy viết về con, cháu, chắt của mình với lòng yêu thương, chân thật.

nhung cuon sach boi duong tam hon TE

Kêu gọi sáng tác những tác phẩm đẹp nhất, nhân văn nhất cho trẻ em

Ðể lấp những khoảng trống trong văn học thiếu nhi, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc của nhiều đơn vị. Về phía người sáng tác, cần thật sự am tường về tâm sinh lý trẻ nhỏ để có thể nhập vai trẻ, dõi theo những chuyển động của các em trong sự tác động nhiều chiều của đời sống đương đại. Tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi không chỉ mang những giá trị truyền thống mà còn là hơi thở thời đại, phù hợp với nhịp sống hôm nay. Về phía nhà xuất bản và đơn vị phát hành sách, cần đầu tư về hình thức, phù hợp với tâm lý, thị hiếu trẻ nhỏ. Về phía các cơ quan quản lý văn hóa, các hội đoàn, cần mở thêm nhiều cuộc thi viết cho thiếu nhi, tìm kiếm, phát hiện, nuôi dưỡng, ươm mầm các tài năng văn chương. Ðồng thời, cần có chiến lược đầu tư đồng bộ, có chính sách khuyến khích người viết bằng các giải thưởng và sự đãi ngộ tương xứng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh rằng, phát triển văn học thiếu nhi vô cùng quan trọng. Những đứa trẻ lúc này đang vô tư ăn, học, vui chơi nhưng tương lai chúng sẽ trở thành chủ nhân của đất nước và quyết định vận mệnh của dân tộc. Vì thế, giáo dục nhân cách, đạo đức, tâm hồn, thẩm mỹ cho thiếu nhi, hướng các em trở thành những con người có tri thức, có nhân cách không chỉ là trách nhiệm của toàn xã hội mà còn là trọng trách của những người sáng tác văn học.

Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện chiến lược văn học cho thiếu nhi để kêu gọi các nhà văn hãy viết những tác phẩm đẹp nhất, nhân văn nhất cho trẻ em và kêu gọi xã hội cùng Hội Nhà văn mang những tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc đến với trẻ em, đặc biệt là trẻ em miền núi và vùng sâu vùng xa.

Hội Nhà văn Việt Nam phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi với hai thể loại văn xuôi và thơ kéo dài trong 5 năm (từ cuối năm 2021 đến tháng 5/2025), chia làm hai đợt hướng tới mục đích thông qua sáng tác văn học, ca ngợi, cổ vũ, tôn vinh những đức tính, những hành động, những suy nghĩ tốt đẹp, từ đó khơi gợi, bồi đắp, làm giàu cho tâm hồn thiếu nhi, hướng trẻ em trở thành những con người có nhân cách, có ích trong tương lai.