Khi muốn sửa đổi những hành vi không tốt của con, bố mẹ thường áp dụng phương pháp cấm đoán, dọa nạt hay mua chuộc nhưng thường không mang lại hiệu quả cao. Ví dụ con lười đi tắm, bố mẹ sau nhiều lần dọa nạt không được sẽ chuyển sang mua chuộc bằng cách nếu con đi tắm bố mẹ sẽ cho con xem ti vi hay cho con đi ăn gà rán. Lâu dần, hình thành một thói quen xấu là thói quen đòi hỏi và không tự giác ở trẻ.
Vậy làm sao để con sửa đổi hành vi tiêu cực thành tích cực? Cách làm sau đây sẽ mang đến câu trả lời chi tiết nhất cho bố mẹ.
Tự tạo một bảng kế hoạch sửa đổi hành vi cho con
Bảng kế hoạch sửa đổi hành vi cho con được rất nhiều phụ huynh sử dụng bởi sự hiệu quả và tính ứng dụng của chúng vào việc giúp con chăm chỉ thay đổi các hành vi không tốt của mình.
Lý giải cho việc này, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ thích được khen ngợi và chứng kiến hành trình thay đổi của chính mình. Mà điều này đều được thể hiện rất rõ ràng thông qua bảng kế hoạch sửa đổi hành vi. Mỗi khi trẻ cư xử tốt hay làm việc vặt một cách ngoan ngoãn, con sẽ thích thú khi nhận được một ngôi sao hay một sticker để dán lên bảng kế hoạch và sau một tuần là lúc con thu hoạch phần thưởng cho mình.
Bố mẹ cũng có thể tạo ra một danh sách các món quà tương ứng với giá trị ngôi sao mà con cần đổi. Điều này sẽ kích thích sự hứng thú và đẩy tiến trình thay đổi hành vi của con trở nên nhanh và hiệu quả hơn.
Lưu ý rằng những món quà không nên quá xa xỉ, hãy biến nó thành phút giây quây quần bên nhau như: Cùng nhau học làm bánh, một chuyến đi chơi nho nhỏ cùng gia đình hay chọn mua một cuốn sách mới.
Một bảng kế hoạch sửa đổi hành vi cho con theo mẫu để bố mẹ tham khảo:
Những điều cần lưu ý khi sử dụng bảng kế hoạch sửa đổi hành vi cho con
1. Nói chuyện với con bằng mắt và thu hút hoàn toàn sự chú ý từ con
Bố mẹ hay nghiêm túc khi giao việc hay nhắc nhở con thực hiện các hành vi tích cực trên bảng kế hoạch. Đừng giao việc khi còn đang chăm chú vào màn hình điện thoại hay máy tính hoặc làm những công việc khác. Điều này sẽ khiến con mất hẳn hào hứng với những việc cần làm và gây ra tác động xấu đến cách cư xử của con sau này.
2. Đừng lạm dụng quà tặng khích lệ con
Hành vi tặng quà cho con khi chúng đạt được một kết quả nhất định là đúng nhưng đừng lạm dụng điều này. Hãy cân đối và cố gắng giúp con hiểu rằng những việc con đang làm là giúp ích cho chính con, không phải làm cho bố mẹ hay cho ai khác cả. Hãy để con tự giác làm một điều tốt chứ không phải làm vì quà tặng.
3. Nói rõ với con những điều mà bố mẹ mong đợi
Có một buổi nói chuyện với con về những điều mà bố mẹ mong muốn con sẽ sửa đổi trong thời gian tới. Để con được đưa ra cách khắc phục và yêu cầu hỗ trợ từ bố mẹ. Đề xuất với con khi sử dụng bảng kế hoạch sửa đổi hành vi, nếu con hào hứng với nó mới sử dụng. Còn nếu con thực sự không thích hãy dừng lại và tìm cách khác.
4. Cho con thời gian thực hiện ít nhất là 1 tháng
Không ai có thể thay đổi trong một thời gian ngắn cả, trẻ con lại càng không. Bố mẹ cần cho con thực hiện sửa đổi hành vi trong ít nhất một tháng để hành vi đó trở thành thói quen của con. Đừng kỳ vọng quá cao vào sự thay đổi nhanh chóng của con, nếu như con thay đổi quá nhanh, bố mẹ cần tìm hiểu chính xác nguyên nhân để khắc phục nếu cần.
5. Lập danh sách những điều con có thể làm
Khi lập danh sách những điều con cần sửa đổi, bố mẹ hãy thảo luận với con để chúng được quyền đưa ra ý kiến riêng của mình. Bố mẹ không nên áp đặt ý kiến của mình lên con, hoặc nếu cần áp đặt hãy giải thích rõ ràng cho con hiểu. Nếu không, bố mẹ sẽ khiến con cảm thấy áp lực và khó chịu khi phải thực hiện những điều mà con cảm thấy là vô lý.