Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Việt Nam cần hơn 100 năm để làm sạch bom mìn sót lại sau chiến tranh



Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) giới thiệu tổng quan Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam (Chương trình 504).
 
Tham dự buổi họp báo có Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Phó Chánh Văn phòng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 701; Thiếu tướng Đào Tuấn, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Khoa học - công nghệ, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam; ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH; ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cùng một số khách mời có liên quan.
 
Tình hình ô nhiễm và hậu quả do bom mìn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam

Thông tin về tình hình ô nhiễm bom mìn hiện nay, ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn và chịu hậu quả của bom mìn còn sót lại nặng nề nhất trên thế giới.
 
Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha, chiếm 18,71 % tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung. 
 
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm và có thể gây nổ khi tác động phải trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hoá học.
 
Theo ông Nguyễn Bá Hoan, ngay sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên, lâu dài. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo công tác tập trung rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng, tập trung tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. 
 
Công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh
 
Tháng 4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (gọi tắt là Chương trình 504). Ngày 24/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 701/QĐ - TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh; Các giải pháp huy động, vận động tài trợ nhằm thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để nhanh chóng khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam. 
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng: dò tìm, tiêu hủy hàng chục vạn tấn bom đạn các loại, giải phóng, làm sạch hàng trăm nghìn hecta đất, hỗ trợ, tạo sinh kế cho hàng vạn nạn nhân bom mìn, tái hòa nhập cộng đồng. 
 
Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh Việt Nam, cần kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn.
 

Thiếu tướng Đào Tuấn, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Khoa học - công nghệ, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam thông tin về các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn của Hội trong thời gian qua.

 
Để khắc phục hậu quả do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, Việt Nam cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền trong nước và quốc tế, tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, vận động thu hút tài trợ ODA, tài trợ không hoàn lại, tài trợ nhân đạo để thực hiện chương trình…
 
Cùng bàn về vấn đề làm thế nào để khắc phục hậu quả do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Hành động quốc gia bom mìn Việt Nam (VNMAC) cho biết, năm 2018, VNMAC đã công bố được bản đồ ô nhiễm bom mìn Việt Nam. Theo đó, 10 tỉnh thành miền Trung là địa bàn có mức độ ô nhiễm bom mìn nặng nhất. Một số xã ở Quảng Trị hay Quảng Bình diện tích đất canh tác bị nhiễm bom mìn có nơi lên tới trên 80%.
 
Trong năm 2018, Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã hỗ trợ 20 triệu USD để VNMAC (cùng Bộ LĐ-TB&XH và các đơn vị liên quan) triển khai dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, tập trung rà phá bom mìn ở một số tỉnh trọng điểm.
 
Ngoài ra, VNMAC cũng đang triển khai nhiều dự án thuộc Chương trình 504 như: dự án khảo sát kỹ thuật xác định khu vực ô nhiễm bom mìn, dự án nâng cao năng lực quản lý thông tin, dự án quản ý rủi ro dài hạn bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, dự án quản lý chất lượng trong công tác rà phá bom mìn… VNMAC cũng không ngừng tăng cường năng lực cho các hoạt động huấn luyện và đào tạo, đã có 50 nhân viên VNMAC được huấn luyện về công tác rà phá bom mìn đạt chuẩn quốc tế…
 

Ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội báo cáo kết quả hỗ trợ tạo sinh kế cho nạn nhân bom mìn năm 2018.

 
Hỗ trợ, tạo sinh kế cho nạn nhân bom mìn

Về công tác hỗ trợ nạn nhân chịu hậu quả của bom mìn, ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, trong những năm qua, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng. Nạn nhân bom mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế, xã hội. Công tác trợ giúp xã hội thiết yếu cho nạn nhân bom mìn, bao gồm: Chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ sinh kế, vay vốn, học nghề, tìm kiếm việc làm; lao động, sản xuất, kinh doanh; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, điều trị qua lao động, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội.
 
Tính đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước đã hoàn thành việc xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ. Gần 1,5 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật, trong đó có 1.012.923 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (bao gồm cả nạn nhân bom mìn).
 
Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 418 cơ sở trợ giúp xã hội; trong đó, có 73 Cơ sở chăm sóc người khuyết tật (bao gồm nạn nhân bom mìn) và 45 Trung tâm Công tác xã hội chuyên biệt, mạng lưới này cung cấp các dịch vụ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề và công tác xã hội đối với những người khuyết tật.
 
Cả nước hiện có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hoà nhập, 04 trường đại học sư phạm mở mã ngành sư phạm giáo dục đặc biệt và 03 trường cao đẳng sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt. Hệ thống giáo dục này cùng các cơ sở trợ giúp xã hội đã đưa khoảng 1,1 triệu trẻ em khuyết tật (bao gồm cả nạn nhân bom mìn), trong đó có nạn nhân bom mìn ở độ tuổi đi học đến trường.
 
Nhiều tỉnh/thành phố cũng đã hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội ở cộng đồng, làm công tác quản lý trường hợp, trợ giúp nạn nhân khuyết tật và nạn nhân bom mìn…
 

Có khá nhiều phóng viên đã đặt ra các câu hỏi về tiến độ cũng như giải pháp khắc phục hậu quả bom mìn trong thời gian tới.
Giới thiệu phần mềm trực tuyến đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật, nạn nhân bom mìn:

Đối tượng đăng ký: người khuyết tật, nạn nhân bom mìn

Mục tiêu: Cấp giấy xác nhận khuyết tật và quản lý ca đối với người khuyết tật, nạn nhân bom mìn trực tuyến: Ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách  an sinh xã hội đối với người khuyết tật, nạn nhân bom mìn.

Địa bàn thí điểm:Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ninh. Dự kiến năm 2019, mở rộng ứng dụng tại Vĩnh Long, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị.

Kết quả ban đầu: Tổng số người khuyết tật, nạn nhân bom mìn đăng ký vào hệ thống: 6.650 người (Khánh Hòa: 3.340 người, Thanh Hóa: 1.937 người,, Đà Nẵng: 702 người,, Quảng Ninh: 671 người).

 

Bài và ảnh: Thanh Huyền/GĐ&TE