Theo đó, Các chuyên gia về BĐKH Việt Nam và quốc tế đã khá thống nhất khi nhận định Việt Nam là một trong ít quốc gia chịu tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Vì vậy ứng phó thông minh với BĐKH gắn liền với phát triển bền vững được xem là lựa chọn thích hợp nhất cho Việt Nam. Để giảm thiểu hậu quả của BĐKH, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo cần đấy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, khai thác tài nguyên năng lượng gió, năng lượng mặt trời và khí sinh học, vấn đề giảm thiểu BĐKH trong bối cảnh phát triển bền vững.
Về kết quả khoa học, Hội thảo lần này tập trung vào chủ đề Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu. Chủ đề này đã được thảo luận cho chính sách ngoại giao và hợp tác trong trật tự thế giới mới; về các xu hướng biến đổi của đạo đức, lối sống; về nguồn lực văn hóa; nguồn lực xã hội; hội nhập kinh tế và hội nhập KH&CN. Bên cạnh đó, bối cảnh toàn cầu còn được đề cập với ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong tất cả các lĩnh vực quan tâm của hội thảo. Năm công nghệ hiện đại của thiên niên kỷ mới là Công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, internet của vạn vật; Công nghệ sinh học và công nghệ gen; Công nghệ nano, Công nghệ vật liệu và Công nghệ in 3D sẽ đưa các quốc gia đến với những thách thức và cơ hội hết sức to lớn. Bên cạnh việc củng cố, vận hành hiệu quả các giải pháp vận hành truyền thống, việc tiếp nhận và khuyếch tán các các công nghệ đó, chúng ta cần nghiên cứu để có các giải pháp mới, phương thức quản lý và vận hành mới, phi truyền thống; Đổi mới công nghệ đào tạo và phương thức liên kết ba lĩnh vực – quản lý, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển doanh nghiệp sáng tạo, phù hợp với thời đại của cuộc cách mạng lần thứ 4.
Hội thảo đã thực sự là nhịp cầu kết nối các nhà Việt Nam học và nghiên cứu Việt Nam trên toàn cầu, không những thúc đẩy kết nối mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam mà đã bắt đầu hình thành các nhóm nghiên cứu phối hợp quốc tế. Đồng thời, Hội thảo lần này là một dấu mốc gắn kết, phát triển, đưa sự quan tâm của Việt Nam học truyền thống đến với những lĩnh vực rộng hơn, liên ngành hơn, gắn với các vần đề đương đại của Việt Nam.
Thông tin trực tiếp từ hội thảo lần này và thông tin hỗ trợ từ các khảo sát thư tịch nói chung đã cho phép định vị 10 cơ sở nghiên cứu mạnh về các vấn đề Việt Nam học truyền thống, gắn với KHXH-NV nói riêng và 10 cơ sở nghiên cứu mạnh trên thế giới về các vấn đề KH&CN của Việt Nam nói chung (bao gồm cả khoa học tự nhiên, công nghệ, y học, nông nghiệp và môi trường…). Các cơ sở này đang có nhiều kết quả công bố quốc tế rất sâu sắc về Việt Nam, trong đó có một số cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam đã tham gia hội nhập mạnh mẽ như: ĐHQGHN, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Đại học Cần Thơ, Đại học Y Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế quốc dân…
Bên cạnh các cơ sở nghiên cứu, Ban tổ chức cũng đã định vị được top 50 các nhà nghiên cứu Việt Nam và Việt Nam học hàng đầu. Đây thực sự nhà các học giả có có sự yêu mến, quan tâm đặc biệt đến Việt Nam. Trong số các nhà nghiên cứu Việt Nam hàng đầu này, có cả người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài và người Việt Nam đang hoạt động KH&CN ở trong nước. Một số các nhà khoa học đó có mặt trong Hội thảo hôm nay. Đây là các địa chỉ, các đối tác, những nguồn lực quý báu để hợp tác và phát triển các nghiên cứu Việt Nam vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 đã thu hút được sự quan tâm đăng ký và gửi tóm tắt báo cáo của hơn 1.200 nhà khoa học, trong đó có 150 nhà khoa học nước ngoài đến từ trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. 834 bản báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn đã được lựa chọn trình bày tại hội thảo, trong đó có 30 báo cáo được mời và đặt hàng từ các học giả có uy tín và tầm ảnh hưởng hàng đầu trên thế giới về ngoại giao, văn hóa, kinh tế, giáo dục, đổi mới sáng tạo và biến đổi khí hậu. |