Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Việt Nam có nhiều đóng góp nổi bật tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 14

(Dân sinh) - Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp nổi bật tại Hội nghị, góp phần vào thành công chung. "Sự tham gia nổi bật của Việt Nam tại Hội nghị lần này tiếp tục đề cao uy tín, vị thế đóng góp trách nhiệm của ta trong các vấn đề đa phương quan trọng của khu vực và toàn cầu, tạo thuận lợi để ta đảm nhận các trọng trách quốc tế quan trọng - Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ - từ ngay đầu tháng 01/2020", Trưởng Quan chức cao cấp (SOM) của Việt Nam tại ASEM Nguyễn Minh Hằng cho biết.

Từ ngày 15- 16/12, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 14 (FMM 14) đã diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha. Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự hội nghị. Nhân dịp này, bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Quan chức cao cấp của Việt Nam tại Diễn đàn ASEM đã trả lời phỏng vấn về kết quả Hội nghị.

- Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) lần thứ 14 với chủ đề "Châu Á và Châu Âu: Cùng hợp tác vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả" vừa diễn ra ngày 15-16/12 tại Madrid (Tây Ban Nha) được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với hợp tác Á – Âu. Xin Bà cho biết những kết quả nổi bật và ý nghĩa của Hội nghị?

- Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 14 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và hai châu lục tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. 75 năm sau khi Liên hợp quốc được hình thành, 25 năm sau sự ra đời của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thế giới bước vào giai đoạn chuyển đổi sâu sắc.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị đã thông qua "Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 14" với nhiều quyết định quan trọng và kịp thời, thể hiện quyết tâm của các thành viên tăng cường quan hệ đối tác Á – Âu nhằm đóng góp thúc đẩy hợp tác đa phương, nâng cao vai trò và khả năng thích ứng của các cơ chế đa phương trước những thách thức đặt ra trong kỷ nguyên số.

Kết quả nổi bật là, Hội nghị nhất trí ASEM cần tiếp tục đi đầu thúc đẩy chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ, hiệu quả và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, củng cố hệ thống thương mại đa phương với vai trò trung tâm của WTO, chống chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức. Các thành viên cũng nhất trí ASEM cần tiên phong triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Pa-ri về ứng phó biến đổi khí hậu.

Hợp tác đa phương cần chú trọng lấy người dân làm trung tâm, phát triển nguồn nhân lực trong thời đại số, nâng cao năng lực về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sử dụng bền vững tài nguyên biển, chống rác thải đại dương, đẩy mạnh hợp tác liên khu vực về quản lý nguồn nước xuyên biên giới, điển hình là hợp tác hai tiểu vùng Mê Công và Đa-nuýp.

Thứ hai, trên cơ sở rà soát kết quả triển khai Chương trình hành động ASEM về kết nối được thông qua tại Hội nghị Cấp cao tháng 11/2018, các Bộ trưởng nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kết nối ASEM, tập trung vào các lĩnh vực thiết thực như kết nối chính sách, thương mại, đầu tư, năng lượng, thuận lợi hóa hải quan, kết nối số, con người, giao thông và hạ tầng bền vững…. Các Bộ trưởng nhấn mạnh cần có cách tiếp cận toàn diện và bền vững, sớm hình thành cơ chế phối hợp hiệu quả để thúc đẩy kết nối Á – Âu.

Thứ ba, các Bộ trưởng đã trao đổi sâu về tình hình thế giới và ở hai châu lục, khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không và hoạt động kinh tế không bị cản trở phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các thành viên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế, triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và tự kiềm chế, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý cũng như quyền của các quốc gia ven biển tại vùng biển của mình.

Nhiều Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông, đề nghị không có các hành động gây mất ổn định và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, kiềm chế không có các hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế.

Trên tinh thần đó, Hội nghị tiếp tục ủng hộ đóng góp quan trọng của ASEAN vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Cùng với Hội nghị COP25 vừa diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha, thành công của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 14 đã đóng góp quan trọng thúc đẩy xu thế hợp tác đa phương, khẳng định tính năng động, thiết thực của ASEM nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn lợi ích của người dân, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững và thịnh vượng ở hai khu vực và trên thế giới.

Việt Nam có nhiều đóng góp nổi bật tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 14 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và các đại biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần thứ 14

- Xin Bà cho biết, với chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, nhất là chuẩn bị đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ giai đoạn 2020 - 2021, Đoàn ta đã có những đóng góp như thế nào cho thành công chung của Hội nghị lần này?

Đoàn đại biểu nước ta do Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp nổi bật tại Hội nghị, góp phần vào thành công chung. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng là một trong những Bộ trưởng đầu tiên, đại diện cho ASEAN, phát biểu tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng đã nêu bật những thời cơ và thách thức đối với hợp tác đa phương trong tình hình mới, đưa ra nhiều đề xuất thúc đẩy hợp tác Á – Âu nhằm đóng góp tăng cường sức sống cho hợp tác đa phương, được các thành viên hoan nghênh và đánh giá cao.

Phó Thủ tướng đề nghị cần có một chương trình nghị sự mới và có tính thời đại cho hợp tác đa phương, đặt người dân ở trung tâm, tập trung vào các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, kinh tế số, kết nối, môi trường bền vững, củng cố và cải cách WTO, tự do hoá thương mại và đầu tư, các vấn đề thương mại thế hệ mới, tăng cường sự gắn kết giữa các nỗ lực toàn cầu, liên khu vực và khu vực.

Các thành viên ủng hộ nỗ lực của ASEAN và ưu tiên của Việt Nam trong năm 2020 nhằm tiếp tục thúc đẩy xây dựng một Cộng đồng dựa trên luật lệ, hướng tới người dân, gắn kết chặt chẽ để chủ động thích ứng hiệu quả. Đề xuất của ta về đẩy mạnh hợp tác ASEM về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong kỷ nguyên số được đánh giá là một trong những sáng kiến thiết thực nhất, đóng góp thúc đẩy kết nối và phát triển bao trùm, được sự ủng hộ rộng rãi và tham gia đồng sáng kiến của nhiều thành viên.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng nêu rõ tại Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch nối giao thương Á - Âu và toàn cầu, thời gian qua đã có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát căng thẳng, tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở khu vực.

Nhiều thành viên chia sẻ đề xuất của ta về tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, đóng góp duy trì hòa bình và ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không, xây dựng vùng Biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển.

Sự tham gia nổi bật của Đoàn ta tại Hội nghị lần này tiếp tục đề cao uy tín, vị thế đóng góp trách nhiệm của ta trong các vấn đề đa phương quan trọng của khu vực và toàn cầu, tạo thuận lợi để ta đảm nhận các trọng trách quốc tế quan trọng - Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ - từ ngay đầu tháng 01/2020.

- Theo Bà, các cuộc gặp và trao đổi của đoàn Việt Nam với Bộ trưởng Ngoại giao các thành viên ASEM đã đóng góp như thế nào vào việc làm sâu sắc các mối quan hệ song phương?

Trong thời gian tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 14, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp xúc rộng rãi với gần 20 Bộ trưởng Ngoại giao thành viên ASEM, trong đó có Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh Châu Âu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Ai-len, Bun-ga-ry, Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan, Ba Lan, Ru-ma-ni, Slovenia, Hung-ga-ry, Kazakhstan, Mi-an-ma, Na Uy, Quyền Ngoại trưởng nước chủ nhà Tây Ban Nha, Quốc vụ khanh các nước Pháp, Croatia và Thụy Điển và trưởng đoàn Đan Mạch.

Qua các cuộc gặp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao ta và Bộ trưởng Ngoại giao các nước đã nhất trí về các biện pháp cụ thể làm sâu sắc hơn quan hệ, nhất là thúc đẩy nhiều chuyến thăm cấp cao, triển khai thực chất các thỏa thuận, cơ chế hợp tác song phương cũng như trong khuôn khổ quan hệ Việt Nam – EU, ASEAN – EU, và tăng cường trao đổi giữa các cấp Bộ, ngành, địa phương.

Các nước đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng gia tăng, thành tựu phát triển chính trị - xã hội, nỗ lực tiếp tục đổi mới, tái cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Liên minh châu Âu và các nước thành viên ủng hộ việc sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) song phương. Các nước nhất trí cùng tạo thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp sớm nắm bắt và đón đầu các cơ hội to lớn về thương mại, đầu tư từ các liên kết kinh tế quan trọng mà Việt Nam đã và sẽ sớm triển khai.

Các thành viên ASEM đều khẳng định sẽ tăng cường phối hợp khi Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Trong các cuộc gặp song phương, trao đổi về các vấn đề an ninh khu vực, Việt Nam và các đối tác đã chia sẻ thông tin về tình hình Biển Đông hiện nay cũng như quan điểm giải quyết các vấn đề bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Có thể nói, đối với Việt Nam, ASEM là cơ chế hợp tác quan trọng nhằm thúc đẩy các lợi ích, quan tâm về phát triển và an ninh, nâng cao vị thế đất nước. Hội tụ 22 trong số 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam, Diễn đàn cũng là khuôn khổ để tăng cường quan hệ song phương của nước ta với các đối tác chủ chốt ở hai châu lục.

Triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, nhất là chuẩn bị đảm nhận các trọng trách đa phương quan trọng ở tầm khu vực và toàn cầu, chúng ta đang ở tâm thế mới để chủ động tham gia, tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương, tận dụng hiệu quả cơ hội của hợp tác đa phương phục vụ phát triển đất nước.

Việc đổi mới trong tư duy, chủ động, sáng tạo trong cách làm, hiệu quả trong hành động là đòi hỏi cần thiết để góp phần tạo thêm những dấu ấn mới của đối ngoại đa phương Việt Nam, tạo động lực mới cho sự phát triển và vị thế đất nước trong cục diện quốc tế đang định hình.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!