Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Việt Nam đang theo dõi giàn khoan Hải Dương-981 trên Biển Đông

Liên quan đến việc Trung Quốc gần đây đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 trở lại Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ và đã có sự chuẩn bị để ứng phó với những tình huống có thể xảy ra trên biển.

.

Cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 14/5 khá “nóng” với nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Trước câu hỏi của phóng viên về động thái Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 trở lại Biển Đông từ hôm 6/5, ông Lê Hải Bình cho hay, thông tin này đã được ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam xác nhận. Giàn khoan này sẽ hoạt động trên Biển Đông đến ngày 16/5. Phía Trung Quốc đồng thời cũng yêu cầu tàu thuyền qua lại giữ khoảng cách tối thiểu 2 km với giàn khoan.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình

 

“Trả lời báo chí Việt Nam, ông Ngô Ngọc Thu đã nhấn mạnh, Cảnh sát biển Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ giàn khoan Hải Dương-981 và đã có những hoạt động chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với những tình huống có thể xảy ra trên biển”, Người Phát ngôn Lê Hải Bình nói.

Theo thông tin được đăng tải trên trang web MSA của Cơ quan hải sự Trung Quốc, giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) được triển khai tới tọa độ 17°03′44″,5 độ bắc, 109°59′02″,7 độ đông. Địa điểm hoạt động này cách thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc khoảng 75 hải lý về phía đông nam.

Hải Dương-981 chính là giàn khoan đã được Trung Quốc triển khai một cách phi pháp vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2014. Tuy vậy, sau đó Trung Quốc đã phải rút đi trước thời hạn dự kiến do vấp phải phản ứng dữ dội từ Việt Nam và dư luận thế giới.

Về việc gần đây tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có ảnh vệ tinh cho thấy từ năm 2001 đến nay, Việt Nam mở rộng đảo Đá Tây và đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa và xây dựng các cấu trúc ở 2 đảo này, ông Bình khẳng định: Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Các hoạt động nhằm cải thiện các cơ sở vật chất đã cũ của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của con người trên các cấu trúc mà Việt Nam đang quản lý thực tế tại quần đảo Trường Sa là hoàn toàn hợp pháp và bình thường, phù hợp với tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như không làm thay đổi nguyên trạng, không tổn hại môi trường và cũng không làm phức tạp tình hình tranh chấp”, Người Phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Ông Bình cũng cho hay “Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời đề nghị tất cả các bên liên quan kiềm chế, không có những hành động làm thay đổi nguyên trạng, đe doạ đến hoà bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không của khu vực, tuân thủ đầy đủ DOC và các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước LHQ về Luật biển 1982”.

Bình luận về việc Mỹ có kế hoạch điều tàu đến Biển Đông, Người Phát ngôn Lê Hải Bình cho rằng: duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải cũng như hàng không ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung và là nguyện vọng của các nước trong và ngoài khu vực.

“Chúng ta đều biết khu vực Biển Đông là nơi có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng và cũng là hành lang hàng không quốc tế rất quan trọng của thế giới. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các bên liên quan, các quốc gia trong và ngoài khu vực có những nỗ lực tích cực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực, không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình. Mọi hoạt động của các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông, đồng thời tuân thủ nghiêm túc DOC”, ông Bình nhấn mạnh.

Liên quan đến phiên điều trần của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ về vấn đề Biển Đông diễn ra vào ngày 13/5 vừa qua, theo ông Lê Hải Bình, hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là nguyện vọng cũng như là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Các bên liên quan cần giải quyết các tranh chấp bằng các giải pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ DOC, đồng thời tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC).

“Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực biển Đông, đặc biệt là ủng hộ vai trò của ASEAN, tuân thủ DOC và những nỗ lực nhằm tiến tới COC”, ông Bình cho biết.