Bảo đảm việc thực hiện quyền trẻ em ở mức đáp ứng cao nhất
Tại buổi tiếp bà Catherine M.Russell, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh, công tác trẻ em của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được kết quả khả quan trên các mặt. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án về trẻ em, nhằm bảo đảm việc thực hiện quyền trẻ em ở mức đáp ứng cao nhất của điều kiện kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn; giải quyết kịp thời các vấn đề trẻ em truyền thống hoặc phát sinh; thực hiện các mục tiêu Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó có các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Công tác bảo vệ trẻ em chuyển biến rõ rệt với tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp tăng hằng năm, năm 2022 ước 74%, tăng 2% so với năm 2021. Chăm sóc sức khỏe trẻ em được thực hiện đồng bộ, hiệu quả với 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine. Giáo dục trẻ em đạt được những kết quả quan trọng như phổ cập cho trẻ 5 tuổi đi học Mẫu giáo, trẻ đi học Tiểu học, Trung học cơ sở đúng độ tuổi.
Ðặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, phải linh hoạt tổ chức dạy và học, năm học 2021-2022 vẫn cơ bản thành công tốt đẹp. Ðời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng với Trung tâm văn hóa cấp tỉnh, huyện, xã, thôn, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em.
Quyền tham gia của trẻ em tiếp tục được quan tâm, chú trọng; tiếng nói, nguyện vọng của các em được lắng nghe, đáp ứng. Diễn đàn trẻ em các cấp được tổ chức hàng năm, diễn đàn trẻ em quốc gia được tổ chức 2 năm một lần với trên 1,7 triệu lượt trẻ em tham gia ở diễn dàn các cấp.
Giám đốc điều hành UNICEF Catherine M.Russell đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC), tích cực tham gia các liên minh và các phong trào toàn cầu về quyền trẻ em.
Cùng với đó, hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và quyền tham gia của trẻ em không ngừng được hoàn thiện từng bước và ở mức cao nhất có thể, hài hòa với CRC và các chuẩn mực của các Công ước, điều ước quốc tế về trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Ưu tiên hỗ trợ xây dựng và tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em tại Việt Nam
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn nhiều trẻ em phải đối mặt với tình trạng đói nghèo và không được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ và các dịch vụ cơ bản, bao gồm cả trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có cha mẹ đi làm xa nhà và trẻ em khuyết tật. Tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn do tác động của đại dịch Covid-19. Ước tính có khoảng 230.000 trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng nặng. Và có tới 90% trẻ bị suy dinh dưỡng nặng không được điều trị, làm cho các em có nguy cơ bị tử vong cao hơn hoặc bị ảnh hưởng suốt đời về thể chất và nhận thức. UNICEF đang vận động đưa điều trị suy dinh dưỡng nặng và suy dinh dưỡng mãn tính vào Chương trình bảo hiểm y tế quốc gia và tăng cường trợ cấp trợ xã hội để ngăn ngừa suy dinh dưỡng xảy ra.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều trẻ em nghèo không được học tập hoặc việc học tập bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Rủi ro khác mà trẻ em phải đối mặt là tác động của biến đổi khí hậu và Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị thiên tai nhất thế giới, bao gồm lũ lụt và sạt lở đất. “Các tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra mối đe dọa chưa từng có đối với sức khỏe, dinh dưỡng, sự sống và phát triển của trẻ em trên toàn thế giới”, bà Russel phát biểu. “Ðầu tư vào việc nâng cao khả năng thích ứng và khả năng phục hồi là mấu chốt để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu cũng như những bất bình đẳng mà biến đổi khí hậu gây ra trong tương lai”. Giám đốc Ðiều hành UNICEF đánh giá cao cam kết của Chính phủ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và những rủi ro mà biến đổi khí hậu gây ra cho trẻ em, đặc biệt ở trẻ em dễ bị tổn thương nhất.
Giám đốc điều hành UNICEF Catherine M.Russell chia sẻ, với vai trò là một cơ quan của Liên hợp quốc trong công tác thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em, UNICEF sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời gian tới; huy động sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, quốc gia và các bên liên quan để giải quyết những thách thức và khó khăn trong bối cảnh mới nhằm thể hiện vai trò của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực quyền trẻ em.
“UNICEF nói riêng và các cơ quan trong hệ thống Liên hợp quốc nói chung ưu tiên hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng và tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em tại Việt Nam, bao gồm tăng cường hệ thống pháp lý, phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em ba cấp độ, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em; phát hiện, hỗ trợ và can thiệp những trường hợp trẻ em bị xâm hại và có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực” - bà Catherine M.Russell khẳng định.
Thời gian qua, UNICEF đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt hỗ trợ vận chuyển hơn 70 triệu liều vaccine phòng dịch từ Chương trình COVAX; hỗ trợ, giúp tìm nguồn vaccine cho trẻ em; hỗ trợ trang thiết bị phục vụ tiêm chủng và nâng cao năng lực tiêm chủng quốc gia... góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Việt Nam và UNICEF đã bắt đầu triển khai Chương trình quốc gia giai đoạn 2022-2026 với tổng ngân sách dự kiến 70 triệu USD, hầu hết là viện trợ không hoàn lại.