Trong đó, có 24 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký trên 180,2 triệu USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ. Nhưng chỉ có 3 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 31,23 triệu USD, bằng 7,2% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư điều chỉnh giảm mạnh chủ yếu do trong 3 tháng năm ngoái có nhiều dự án lớn điều chỉnh tăng vốn như: Dự án của Vingroup tại Hoa Kỳ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và 1 dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD.
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 8 ngành. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, tiếp đến là ngành khai khoáng, tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ; thông tin truyền thông…
Có 12 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022. Dẫn đầu là Lào với 1 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 64,33 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư 34,54 triệu USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư…
Lũy kế đến ngày 20-3-2022, Việt Nam đã có 1.539 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 21,43 tỷ USD.