Ở Đông Nam Á, Thái Lan luôn là đối thủ mang tới nhiều xúc cảm nhất cho bóng đá Việt Nam. Đơn giản, người Thái được đánh giá là số 1 khu vực, trong khi Việt Nam chẳng bao giờ nguôi khát vọng bá chủ Đông Nam Á, thậm chí vươn tầm châu lục. Những thất bại liên tiếp trong quá khứ càng khiến Việt Nam thêm lửa thù hận ở mỗi lần đụng độ người Thái.
Lần này cũng vậy! Thậm chí cuộc đụng độ Việt Nam – Thái Lan còn ở 1 tầm cao khác khi nó ảnh hưởng trực tiếp tới giấc mơ World Cup và Asian Cup của cả 2 đội tuyển. Ai cũng có hoài bão riêng, mục tiêu riêng nhưng có 1 điểm chung là tinh thần quyết thắng vì 3 điểm và vì danh dự.
Với người hâm mộ Việt Nam, danh dự đôi khi còn cao hơn cả mục tiêu. Không chỉ muốn đánh bại kình địch Thái Lan, người hâm mộ bóng đá nước nhà còn rất muốn giành chiến thắng một cách sòng phẳng. Có nhiều cách lý giải khác nhau cho 2 từ “sòng phẳng” nhưng có 1 ý nghĩa chung là chiến thắng đẹp cả về tinh thần, lối chơi và kết quả.
Để “sòng phẳng” trước Thái Lan, đương nhiên Việt Nam phải chơi tấn công, nhất là khi chúng ta được chơi trên sân nhà Mỹ Đình. Chưa kể, thầy trò Miura đang rất khát khao đòi lại món nợ ở trận lượt đi (thua 0-1). Nhưng tấn công có năm bảy cách tấn công. Đâu mới là phương thức hay để thầy trò Miura đạt được mục đích của mình?
Trong buổi họp báo trước trận đấu này, trợ lý HLV Klairung Treejaksung của Đội tuyển Thái Lan (thay quyền Kiatisuk) đã khích Việt Nam chơi đôi công với họ ở màn đụng độ tối nay. Mục đích của Thái Lan là gì? Nói như Treejaksung là vì một trận đấu “đẹp mắt”. Phải chăng họ chê Việt Nam chơi không đẹp như những gì từng diễn ra ở Bangkok lượt đi?
Có thể có, hoặc không bởi đó là nhận xét thiên về cảm tính và triết lý của mỗi nhà cầm quân. Nhưng có 1 điều dễ nhận thấy, Việt Nam ở trận lượt đi đã gây ra rất nhiều khó khăn cho Đội tuyển Thái Lan khi áp dụng lối chơi phòng ngự - phản công, thậm chí không ngần ngại phạm lỗi và áp sát, pressing liên tục. Nếu Minh Châu không dính thẻ đỏ rời sân, chưa chắc thầy trò Miura đã tay trắng rời Bangkok.
Thậm chí, ở trận đấu đó, Việt Nam đã tạo ra 2 cơ hội rõ rệt từ những pha đối mặt thủ môn đội bạn của Công Vinh. Tiếc rằng Vinh đã qua giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp để giúp đấu pháp của Miura trở nên hoàn hảo. Có 1 điều dễ nhận thấy là Thái Lan rất sợ lối chơi ấy, giống như việc Arsenal luôn ngại đối đầu Chelsea của Mourinho…
Ở lần tái ngộ này, Thái Lan cũng vậy! Họ ngại đụng một Việt Nam cơ bắp, nhất là khi rất muốn giành 3 điểm vì giấc mơ châu lục và thế giới. Do đó, lời khích tướng trên của vị trợ lý HLV Thái Lan chỉ là cái bẫy! Rõ ràng, với nguồn nhân lực hiện tại, Thái Lan sẽ dễ đá hơn rất nhiều nếu Việt Nam chịu chơi đôi công với họ tại Mỹ Đình tối mai. Khi ấy, không ai có thể khẳng định rằng hàng thủ của Miura còn đảm bảo được sự chắc chắn như trận gặp Thái Lan ở lượt đi hay như trận hòa vừa qua với Iraq.
Đội tuyển Việt Nam không thể vì lời khích tướng ấy mà tự ái, để rồi chơi “khô máu” với người Thái bởi đó là cái bẫy. Dĩ nhiên, chúng ta cần chơi tấn công để đòi lại món nợ lượt đi, xa hơn là vì mục tiêu lọt vào vòng sau. Tuy nhiên, như trên đã nói, tấn công có năm bảy dạng tấn công. Chơi tấn công không nhất thiết là phải đôi công với người Thái dù chúng ta có lợi thế sân nhà.
Sự thận trọng là điều cần thiết với thầy trò Toshiya Miura ở thời điểm này. Đội tuyển Việt Nam cần coi trọng khâu kiểm soát bóng, áp đặt, đẩy cao đội hình ở từng thời điểm và tùy theo thế trận. Việt Nam khát chiến thắng trước Thái Lan nhưng một trái tim nóng luôn cần 1 cái đầu lạnh. Chúng ta phải chế ngự được cảm xúc, thắng theo lý trí và thế cục.
Có vẻ HLV Miura đã đoán được cái bẫy của Thái Lan. Chẳng bởi thế mà ở buổi họp báo trước trận, ông khẳng định “Thái Lan mạnh hơn Việt Nam vì họ có những cầu thủ tốt hơn”. Đó không hẳn là sự khiêm tốn của HLV Miura mà là thực tế mà chúng ta phải thừa nhận. Miura thích chơi trong thế cửa dưới và ông đã nhiều lần thành công. Mong rằng Đội tuyển Việt Nam biết giữ mình, đừng mắc mưu người Thái!...