Đây là khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tại cuộc họp báo thường kỳ giữa tháng 5 tại Hà Nội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. Nguồn ảnh: Dân Việt
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về Biển Đông vừa diễn ra ngày 13/5, ông Lê Hải Bình cho biết: hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là nguyện vọng cũng như lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Các bên liên quan cần giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói: “Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Biển Đông, đặc biệt là ủng hộ vai trò của ASEAN, tuân thủ DOC và những nỗ lực nhằm tiến tới COC”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam với thông tin chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế, trụ sở tại Washington có ảnh vệ tinh cho thấy, trong những năm gần đây, cụ thể từ năm 2001 đến nay, Việt Nam mở rộng đảo Đá Tây, đảo Sơn Ca và xây dựng các cấu trúc ở hai đảo này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các hoạt động nhằm cải thiện cơ sở vật chất đã cũ của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của con người trên các cấu trúc mà Việt Nam đang quản lý thực tế tại quần đảo Trường Sa là hoàn toàn hợp pháp và bình thường, phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như không làm thay đổi nguyên trạng, không tổn hại môi trường và cũng không làm phức tạp tình hình tranh chấp.
Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời đề nghị tất cả các bên liên quan kiềm chế, không có những hành động làm thay đổi nguyên trạng, đe dọa đến hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không của khu vực, tuân thủ đầy đủ DOC và các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982”.
Liên quan đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Nepal sau trận động đất thứ hai vừa diễn ra ngày 12/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao gửi lời chia buồn sâu sắc và tin tưởng rằng, Chính phủ Nepal và nhân dân Nepal sẽ sớm vượt qua đau thương, mất mát để khắc phục và phát triển đất nước. Ông Lê Hải Bình khẳng định, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal đang nỗ lực phối hợp với cơ quan chức năng của Nepal sẵn sàng hỗ trợ ngay khi có thông tin về người Việt Nam cần cứu trợ tại Nepal.