Đại diện lãnh đạo Cục Phòng, Chống HIV AIDS, Đại diện lãnh đạo tỉnh thành, Đại diện lãnh đạo cộng đồng, Đại diện các đối tác cam kết thực hiện Chương trình PrEP
PrEP cho phép những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao lây nhiễm dự phòng HIV bằng cách uống mỗi ngày một viên, đây là một phần của chiến lược dự phòng HIV kết hợp. Nếu một người dùng PrEP phơi nhiễm với HIV qua quan hệ tình dục không an toàn hoặc tiêm chích ma túy, thì thuốc sẽ hoạt động để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi-rút gây ra nhiễm HIV. PrEP rất hiệu quả khi dùng đúng cách, và đã được chứng minh là có hiệu quả làm giảm nguy cơ nhiễm HIV từ 92% trở lên. Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo mạnh mẽ PrEP là một lựa chọn dự phòng bổ sung, đây là một phần của chiến lược dự phòng HIV kết hợp cho những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
“Từ bằng chứng khoa học quốc tế cũng như bằng chứng trong nước qua chương trình thí điểm của USAID/PATH Healthy Markets và UNAIDS đã cho thấy PrEP là một phương pháp dự phòng HIV hiệu quả cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất. Đó là lý do tại sao Việt Nam xây dựng và triển khai kế hoạch quốc gia về PrEP giai đoạn 2018-2020, với mục tiêu là cung cấp dịch vụ PrEP cho ít nhất là 7.300 người tại ít nhất là 11 tỉnh/thành vào năm 2020”. Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS Việt Nam (VAAC) cho biết. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành nước thứ hai ở châu Á, sau Thái Lan triển khai chương trình PrEP ở cấp quốc gia. “Để chăm sóc tốt cho những người tham gia PrEP, chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ kiến thức về dự phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm cả HIV, đồng thời chúng tôi cũng sẽ đàm phán với các nhà cung ứng thuốc PrEP để giảm chi phí điều trị giúp cho những người có nhu cầu có thể dễ dàng tiếp cận PrEP.”
Bà Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, Chống HIV AIDS
Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam (VAAC), USAID và PATH đã khởi động thí điểm dịch vụ PrEP (Chuẩn bị sẵn sàng cho PrEP—P4P) vào tháng 6 năm 2017 thông qua dự án USAID/ PATH Healthy Markets (HM). Dự án Healthy Markets đã làm việc với các tổ chức cộng đồng, lãnh đạo y tế tỉnh/ thành phố, đối tác khu vực tư nhân và phòng khám ngoại trú công và tư cung cấp dịch vụ PrEP cho 1.967 người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, như nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ (TGW), và bạn tình âm tính của những người nhiễm HIV có tải lượng vi-rút chưa ở ngưỡng ức chế tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. PrEP cũng được cung cấp trong dự án thí điểm của UNAIDS.
“Việc khởi động thí điểm dịch vụ PrEP (P4P) thông qua dự án Healthy Markets vào tháng 6 năm 2017 đã cung cấp một công cụ dự phòng HIV cực kỳ quan trọng cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội,” Tiến sĩ Kimberly Green, Giám đốc dự án Healthy Markets cho biết. “Dự án thí điểm này đã có thể thành công là nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức cộng đồng, doanh nghiệp xã hội và phòng khám tư nhân do chính cộng đồng MSM, người chuyển giới nữ và những người nhiễm HIV phụ trách, cùng với các cán bộ lãnh đạo y tế địa phương và phòng khám ngoại trú công, cũng như các đối tác tư nhân như Gilead Sciences, Reliv/Mylan và Abbott. Việc mở rộng dịch vụ PrEP ra toàn quốc là thiết yếu để có thể giảm nhanh xu hướng nhiễm HIV mới ở Việt Nam”.
“Kể từ năm 2017, đã có 635 người sử dụng PrEP tại phòng khám của chúng tôi,” Bác sĩ Trần Lê Việt Thanh, Phòng Khám Glink chia sẻ. “Tỷ lệ duy trì điều trị khá cao do chúng tôi hỗ trợ khách hàng biết cách tạo thói quen dùng thuốc gắn với sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày của họ. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng PrEP đang cứu sống rất nhiều người ở Việt Nam và vì vậy tôi rất vui khi thấy PrEP sẽ trở nên sẵn có cho nhiều người cần nó.”
Dự án Healthy Markets của USAID/PATH cũng đã làm việc với WHO, UNAIDS và các đối tác của PEPFAR để hỗ trợ Cục Phòng, Chống HIV/AIDS Việt Nam xây dựng chính sách, hướng dẫn triển khai và tài liệu tập huấn quốc gia nhằm hỗ trợ mở rộng chương trình PrEP. PrEP sẽ được triển khai mở rộng bắt đầu tại 9 tỉnh/ thành phố vào năm 2019 trước khi mở rộng ra 11 tỉnh/thành phố vào năm 2020.
“Việc khởi động chương trình quốc gia về PrEP tại Việt Nam là một mục tiêu dài hạn của PEPFAR và USAID,” Bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ cho biết. “Chúng tôi đánh giá rất cao cam kết của Bộ Y tế tiên phong tiếp cận các sáng kiến dự phòng HIV. Thông qua việc hợp tác với USAID để giới thiệu và triển khai mở rộng chương trình PrEP toàn quốc, chúng ta đang tiến gần hơn tới mục tiêu loại trừ HIV vào năm 2030.”
Việc khởi động chương trình quốc gia về PrEP tại Việt Nam do Cục Phòng, chống HIV/AIDS chủ trì phối hợp cùng USAID và PATH. Thông qua PEPFAR, Chính phủ Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế; Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, bệnh lao và sốt rét; và các bên liên quan khác để xây dựng một chương trình dài hạn và bền vững nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam mở rộng các hoạt động dự phòng, điều trị và loại trừ dịch HIV.
Can Khương/GĐ&TE