Để đảm bảo tính bền vững của dự án, cần sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng và Chính phủ
Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động đến các quốc gia trên toàn cầu.
Giám đốc Quỹ từ thiện y tế công cộng tổ chức Bloomberg Philanthropies khẳng định, việc phòng chống đuối nước có thể ngăn được 322 nghìn người chết mỗi năm. Qua kinh nghiệm triển khai dự án tại các quốc gia cho thấy, các tổ chức xã hội, nhà tài trợ nên hợp tác để cùng tăng cường nguồn lực xây dựng các cơ sở y tế, tập huấn nhân viên, đào tạo kỹ năng cho trẻ em về phòng, chống đuối nước.
Đặc biệt, để đảm bảo tính bền vững của dự án, rất cần sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng và đặc biệt là Chính phủ. Quỹ từ thiện tổ chức Bloomberg Philanthropies đánh giá cao quá trình triển khai dự án tại Việt Nam. Tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành tập huấn cho trẻ em, phụ nữ và đặc biệt có sự tham gia của Chính phủ, sự phối hợp giữa các bộ ngành. "Chúng tôi cũng ủng hộ việc vận động chính sách để xây dựng các chương trình phòng chống tai nạn thương tích; tăng cường bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Một trong những bài học chúng tôi rút ra trong quá trình triển khai đó là, để Dự án có tính bền vững thì phải xác định được mục tiêu ngay từ đầu là vận động xây dựng chính sách", Giám đốc Quỹ từ thiện y tế công cộng tổ chức Bloomberg Philanthropies nhấn mạnh.
Giám đốc Quỹ từ thiện y tế công cộng tổ chức Bloomberg Philanthropies đánh giá, Việt Nam là một minh chứng hiệu quả về triển khai Dự án phòng chống đuối nước. Chính phủ đã xây dựng chương trình chiến lược phòng, chống đuối nước cũng như ưu tiên nguồn lực để triển khai. Trong quá trình triển khai có sự tham gia tích cực của các địa phương cùng các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế để xây dựng các mô hình phòng chống đuối nước. Đặc biệt là truyền thông chiến lược nâng cao nhu cầu ngăn ngừa đuối nước của được triển khai sâu rộng.
Huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và gia đình
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em do tai nạn thương tích. Mỗi năm có hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Chính vì vậy, công tác phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam luôn là vấn đề được Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 với các mục tiêu giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em.
Từ năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH cùng Quỹ Từ thiện Bloomberg ký biên bản ghi nhớ triển khai chương trình 5 năm về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, triển khai dự án Hỗ trợ can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam. "Đây là chương trình rất nhân văn và thiết thực để cứu sống sinh mạng trẻ em thông qua các can thiệp đặc thù là dạy bơi an toàn và giáo dục kĩ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em. Trong giai đoạn thí điểm 2018-2019, đã có gần 9.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi được dạy bơi an toàn và hơn 17.000 trẻ em được học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Có 5.000 cha mẹ, người chăm sóc có con dưới 6 tuổi và các giáo viên mẫu giáo được tập huấn các kiến thức về phòng, chống đuối nước trẻ em", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết.
Dự án đã góp phần hỗ trợ Việt Nam triển khai đồng bộ hơn công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Tăng cường sự tham gia có hiệu quả của các ngành, đoàn thể, tổ chức quốc tế tạo thành mạng lưới liên ngành phòng, chống đuối nước. Hỗ trợ Việt Nam tiếp cận và thực hiện phù hợp 10 khuyến nghị về giải pháp, can thiệp phòng, chống đuối nước của Tổ chức Y tế thế giới. Tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế và chuẩn hóa kỹ thuật dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em. Hỗ trợ Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách, chương trình về phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước.
Thứ trưởng cho biết, với các nỗ lực trên, tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Đồng thời, Việt Nam rút ra được những kinh nghiệm và yêu cầu trong việc giải quyết vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em, bảo đảm tính bền vững tại Việt Nam. Đó là vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em luôn là vấn đề cần quan tâm giải quyết của Chính phủ. Đồng thời, cần có được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo các cấp, các ngành. Tăng cường vai trò trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chủ động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Cùng với đó, phải hoàn thiện khung pháp lý. Tăng cường phối hợp đa ngành giữa các cơ quan của Chính phủ. Các can thiệp cần được dựa trên các kết quả bằng chứng khoa học, hiệu quả từ kinh nghiệm quốc tế và trong nước, tình hình thực tế tại địa phương; trong đó, tập trung vào cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa đuối nước cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, dạy bơi an toàn và dạy kĩ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, can thiệp cải tạo nguy cơ gây đuối nước, giám sát trông giữ trẻ em. Các can thiệp của dự án phòng, chống đuối nước trẻ em cần được phổ biến nhân rộng trên toàn quốc, sử dụng nguồn lực của địa phương, cộng đồng để tiếp tục triển khai. Tăng cường hợp tác và học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước cho trẻ em, từ đó áp dụng vào các hoạt động này tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030.